Không ít người muốn trốn tránh nghĩa vụ quân sự, dù đó là nghĩa vụ bắt buộc mà không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, việc trốn tránh sẽ phải chịu các hình phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể như thế nào?
Không đi nghĩa vụ quân sự phạt bao nhiêu?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Với trường hợp em trai bạn, dù đã có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không muốn tham gia, lại đi đến tỉnh thành khác để làm việc như vậy được xem là trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Trong trường hợp này, em trai bạn sẽ bị xử phạt như sau:
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 120/2013 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ:
Điều 7. Vi phạm quy định về nhập ngũ
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Từ quy định trên có thể thấy, nếu không có lý do chính đáng mà trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ để đi làm thì em trai bạn sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Đồng thời phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 332, Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Nếu không chấp hành đúng về đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ cũng như lệnh gọi tập trung huấn luyện; trước đó, đã bị xử phạt hành chính hoặc kết án về hành vi, tội danh này chưa được xóa án tích mà vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt cải tạo, không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm.
Bên cạnh đó, nếu có thêm hành vi tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe hay lôi kéo người khác phạm tội sẽ bị phạt tù từ 01- 05 năm.
Bạn có thể tham khảo các quy định chúng tôi vừa nêu để xem trường hợp của em bạn như thế nào, đồng thời nên khuyên em bạn nên thực hiện nghĩa vụ quân sự theo đúng quy định của lệnh gọi nhập ngũ.
Quân nhân dự bị không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, phạt thế nào?
Chào bạn, nội dung trên đã giải đáp cho vướng mắc không đi nghĩa vụ quân sự phạt bao nhiêu? Vậy trường hợp đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị nhưng không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ như câu hỏi của bạn thì sao, có bị bị xử phạt không?
Ngạch dự bị là hình thức phục vụ ngoài biên chế lực lượng thường trực của quân đội. Nếu công dân đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị được gọi là quân nhân dự bị và là nguồn để xây dựng lực lượng dự bị động viên.
Công dân, nếu không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ khi:
- Có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ
- Có chiến tranh
- Có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội nhằm chiến đấu bảo vệ địa phương, chủ quyền lãnh thổ
Sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 333, Bộ luật Hình sự. Cụ thể, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
Ngoài ra, nếu tự gây thương tích, tổn hại sức khỏe bản thân; lôi kéo người khác phạm tội bị phạt tù từ 02 - 07 năm.
Bên cạnh, xử phạt hành vi trốn nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ quân nhân dự bị thì tội làm trái quy định thực hiện nghĩa vụ quân sự bị xử phạt theo Điều 334, Bộ luật Hình sự.
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện…; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm - 05 năm.
Đối với hành vi cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại Điều 335 bộ Luật này.
Học liên thông không đi nghĩa vụ quân sự, có bị phạt không?
Theo điểm g khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự khi đi học các trường đại học, cao đẳng như sau:
g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
Như vậy con bạn học liên thông và không thuộc đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Trong trường hợp con bạn vẫn đi học sẽ bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022 của Chính phủ, đồng thời phải chấp hành theo lệnh gọi nhập ngũ.
Trên đây là những thông tin về vấn đề không đi nghĩa vụ quân sự phạt bao nhiêu? Nếu bạn còn có vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Xin hoãn nghĩa vụ quân sự dùng mẫu đơn nào? Nộp đơn ở đâu?