hieuluat
Chia sẻ email

Không ký hợp đồng thử việc có được trả lương không?

Trong quá trình thử việc, nhiều nơi "vin" vào việc thời gian thử việc ngắn nên không ký hợp đồng thử việc. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người lao động.

Câu hỏi: Khi vào công ty làm, bên nhân sự chỉ thỏa thuận miệng với em chứ không ký hợp đồng. Không ký hợp đồng thử việc có được trả lương không? Em sợ không cơ cơ sở, nếu thử việc không đạt sẽ không được trả lương.

Không ký hợp đồng thử việc có được trả lương không?

Chào bạn. Theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019, bạn và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Như vậy, khi các bên thỏa thuận về thử việc có thể lựa chọn một trong hai cách sau:

- Ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động

- Giao kết hợp đồng thử việc.

Tuy nhiên, trong hai cách nêu trên, Bộ luật Lao động năm 2019 chỉ yêu cầu hợp đồng lao động phải được thể hiện qua 01 trong 03 hình thức: văn bản, lời nói, dữ liệu điện tử chứ không đặt ra quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng thử việc.

Theo Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động bằng lời nói chỉ được áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng, còn các thời hạn khác, hợp đồng phải thể hiện dưới dạng văn bản hoặc dữ liệu điện tử.

Vì những lẽ trên, nếu lựa chọn thỏa thuận thử việc tại hợp đồng lao động, các bên sẽ phải tiến hành giao kết hợp đồng bằng văn bản hoặc thông qua dữ liệu điện tử. Còn nếu giao kết hợp đồng thử việc, các bên được tùy chọn hình thức của hợp đồng.

Từ những căn cứ trên, có thể thấy, khi thử việc, các bên không bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc bằng văn bản mà có thể thỏa thuận miệng về hợp đồng thử việc. Vì thế, không ký hợp đồng thử việc vẫn được trả lương theo thỏa thuận hoặc theo quy định.

Theo quy định, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

khong ky hop dong thu viec co duoc tra luong khong

Không ký hợp đồng thử việc dễ gặp những rủi ro gì?

Theo phân tích trên, việc thỏa thuận miệng hợp đồng thử việc cũng vẫn hợp pháp. Tuy nhiên, nếu không ký văn bản "giấy trắng mực đen", bạn có thể gặp phải nhiều rủi ro như:

- Dễ bị "tước" mất các quyền lợi chính đáng trong thời gian thử việc do người sử dụng lao động phủ nhận việc thỏa thuận thử việc.

Một số quyền lợi cho người thử việc được quy định rõ tại Bộ luật Lao động 2019 như sau:

+ Đảm bảo về thời gian thử việc: Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng tối đa 180 ngày với công việc của người quản lý doanh nghiệp; 60 ngày với công việc cần trình độ cao đẳng trở lên; 30 ngày với công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; 06 ngày làm việc với công việc khác (Điều 25 Bộ luật Lao động 2019)

+ Lương thử việc: Được trả ít nhất 85% tiền lương cho công việc

+ Đảm bảo về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi,…

Khi không "giấy trắng mực đen", người sử dụng lao động rất dễ vi phạm quyền lợi của người lao động mà người lao động khó có cơ sở để khiếu nại.

- Người lao động thường bị tùy ý cho nghỉ việc và không được trả lương.

Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Tuy nhiên, những ngày thử việc thì người sử dụng lao động vẫn phải trả lương đầy đủ. Nhưng trên thực tế hiện nay, việc không có văn bản ràng buộc về pháp lý thì doanh nghiệp vẫn dễ dàng cho người lao động nghỉ việc và không trả lương, nhất là nếu thời gian thử việc ngắn.

- Không có căn cứ để giải quyết quyền lợi khi xảy ra tranh chấp

Đây là lý do lớn nhất để bạn nên yêu cầu người sử dụng lao động ký hợp đồng thử việc bằng văn bản. Khi không có một văn bản pháp lý nào ràng buộc thì sẽ không có căn cứ để giải quyết những quyền lợi của người lao động khi có sự tranh chấp xảy ra.

Trên đây là giải đáp không ký hợp đồng thử việc có được trả lương không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Người lao động thử việc bao lâu thì được ký hợp đồng?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X