hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 26/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không sử dụng đất liên tục bị xử lý như thế nào?

Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời, nghiêm cấm hành vi không sử dụng đất. Việc không sử dụng đất có thể bị xử lý theo quy định pháp luật về đất đai.

 

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, tôi có đọc báo và thấy thông tin, người sử dụng đất phải sử dụng đất liên tục, đúng mục đích, nếu không sử dụng liên tục thì bị phạt tiền. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, nếu tôi có thửa đất trồng cây lâu năm mà không sử dụng liên tục thì tôi có bị xử phạt không?

Không sử dụng đất liên tục thì tôi có bị Nhà nước thu hồi đất không? Chân thành cảm ơn HieuLuat đã hỗ trợ.

HieuLuat chào bạn, với những thắc mắc của bạn về việc xử phạt hành vi không sử dụng đất liên tục, chúng tôi giải đáp cho bạn dựa trên những quy định pháp luật đất đai hiện hành như sau:

Xử phạt hành vi không sử dụng đất liên tục thế nào?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Đất đai 2013, hành vi không sử dụng đất của người sử dụng đất là hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định những trường hợp không sử dụng đất liên tục và thời gian không sử dụng đất liên tục sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

- Người sử dụng đất không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong 12 tháng liên tục;

- Người sử dụng đất không sử dụng đất trồng cây lâu năm trong 18 tháng liên tục;

- Người sử dụng đất không sử dụng đất trồng rừng trong 24 tháng liên tục;

Lưu ý: Việc không sử dụng đất liên tục này không thuộc trường hợp bất khả kháng được quy định tại Điều 15 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, gồm:

- Không sử dụng đất liên tục do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường;

- Không sử dụng đất liên tục do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh;

- Không sử dụng đất liên tục do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh;

- Không sử dụng đất liên tục vì các trường hợp bất khả kháng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

Lúc này, mức phạt cho các trường hợp không sử dụng đất liên tục được quy định chi tiết như sau:

Diện tích đất trồng cây hàng năm không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục

Mức phạt tiền

Biện pháp khắc phục hậu quả

≤ 0,5 ha

Từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng

- Buộc đưa đất vào sử dụng theo mục đích đã được Nhà nước giao/cho thuê/công nhận quyền sử dụng đất;

- Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp đã xử phạt nhưng không đưa đất vào sử dụng

Từ 0,5 ha đến dưới 03 ha

Từ 01 triệu đến 03 triệu đồng

Từ 03 ha đến dưới 10 ha

Từ 03 triệu đến 05 triệu đồng

≥ 10 ha

Từ 05 triệu đến 10 triệu đồng

Như vậy, nếu người sử dụng đất không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục đối với đất trồng cây hàng năm hoặc 18 tháng liên tục đối với đất trồng cây lâu năm hoặc 24 tháng liên tục đối với đất trồng rừng thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt tùy thuộc vào diện tích đất không được sử dụng liên tục.

Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng đối với hành vi không sử dụng đất liên tục là buộc phải sử dụng đất theo đúng mục đích đã được Nhà nước giao/công nhận/cho thuê. Nếu người sử dụng đất không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích sau khi đã bị xử phạt thì bị Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

khong su dung dat lien tuc


Không sử dụng đất liên tục bao lâu thì bị thu hồi đất?

Trước hết, như đã trình bày ở trên, người sử dụng đất phải thực hiện hành vi sử dụng đất theo đúng mục đích, nghiêm cấm hành vi không sử dụng đất đã được Nhà nước giao/cho thuê/công nhận.

Theo thông tin bạn cung cấp và căn cứ Điều 64 Luật Đất đai 2013, hành vi không sử dụng đất trồng cây lâu năm trong 18 tháng liên tục là hành vi vi phạm pháp luật đất đai và bị Nhà nước thu hồi đất:

Điều 64. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai

1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:

h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

2. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

=> Từ đó cho thấy, người sử dụng đất bị thu hồi đất do không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã có văn bản/quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai (không sử dụng đất liên tục) của người sử dụng đất.

Căn cứ Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trình tự thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau:

- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lập biên bản về vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm).

- Cơ quan tài nguyên và môi trường hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, thanh tra để xác định hành vi vi phạm (hành vi không sử dụng đất trồng cây lâu năm trong 18 tháng liên tục);

- Người được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra hành vi vi phạm pháp luật đất đai phải gửi biên bản cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất để chỉ đạo thu hồi đất trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản;

- Cơ quan Tài nguyên Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp hoặc thông báo về việc Giấy chứng nhận không còn giá trị pháp lý nếu người sử dụng đất không chấp hành việc nộp lại Giấy chứng nhận;

- Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất thực hiện công việc thu hồi đất như:

+ Thông báo về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai cho người sử dụng đất được biết, đồng thời, tiến hành đăng trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất;

+ Xử lý/chỉ đạo xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành;

+ Tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định pháp luật hiện hành nếu người sử dụng đất không tự nguyện thực hiện quyết định thu hồi đất, đồng thời,  tiến hành bố trí, phân bổ kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định pháp luật.

Lưu ý: Khi bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai thì người sử dụng đất không được đền bù, bồi thường về đất (Điều 82 Luật Đất đai 2013).

Như vậy, người sử dụng đất không sử dụng đất trồng cây lâu năm trong 18 tháng liên tục thì bị Nhà nước thu hồi đất do đây là hành vi bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai được quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013 như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về không sử dụng đất liên tục, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Xây nhà trái phép bị xử phạt thế nào?

>> Đất vườn có được xây nhà tạm không?

Có thể bạn quan tâm

X