hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 12/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không tái ký hợp đồng phải báo trước bao nhiêu ngày?

Nhiều người lao động hết thời gian hợp đồng cũ và sẽ không được tái ký hợp động mới. Vậy trong trường hợp không tái ký hợp đồng phải báo trước bao nhiêu ngày?

Câu hỏi: Công ty tôi gửi văn bản thông báo cho tôi về việc chấm dứt hợp đồng lao động (không tái ký hợp đồng cũ) trong vòng 10 ngày trước khi hợp đồng cũ hết hạn thì có đúng luật không?

Không tái ký hợp đồng phải báo trước bao nhiêu ngày?

Hiện nay, theo Điều 45 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thông báo chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật lao động, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật này.

Đối chiếu với các khoản 4,5,6,7,8 của Điều 34 Bộ luật lao động là các trường hợp:

“4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

Như vậy, trừ 5 trường hợp quy định nêu trên thì, khi hợp đồng lao động chấm dứt người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc nay. Bộ luật Lao động hiện hành không yêu cầu đảm bảo về số ngày báo trước như theo quy định cũ.

Bên cạnh đó, nếu người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động thì thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tính từ thời điểm có thông báo chấm dứt hoạt động.

Đối với người sử dụng lao động không phải là cá nhân bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật theo quy định thì thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tính từ ngày ra thông báo.

Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bạn vì hết hạn hợp đồng cũ (theo khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019) và đã có thông báo bằng văn bản là đúng luật. Việc có tái ký hay không là tùy thuộc vào ý chí của cả người sử dụng lao động, lẫn người lao động. Nếu không tái ký thì công ty của bạn cũng không vi phạm quy định của luật.

không tái ký hợp đồng phải báo trước bao nhiêu ngàyTheo quy định, nếu không tái ký hợp đồng phải báo trước cho người lao động bao nhiêu ngày?

Không thông báo chấm dứt hợp đồng lao động có bị phạt không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp quy định là từ 1.000.000 đồng - 3.000.000 đồng

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt này bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu công ty không thông báo cho người lao động biết khi hợp đồng lao động hết thời hạn thì tùy theo người sử dụng lao động là cá nhân hay tổ chức có thể sẽ bị phạt tiền từ 1 - 6 triệu đồng.

Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động

 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ một số trường hợp theo quy định có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Bên cạnh đó, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc… được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

Đồng thời nếu người lao động có yêu cầ thì cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Trên đây là các thông tin về vấn đề không tái ký hợp đồng phải báo trước bao nhiêu ngày. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006192 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X