hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 06/01/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không chu cấp nuôi con sau ly hôn bị phạt thế nào từ năm 2022?

Nghị định 144/2021/NĐ-CP mới đây đã thay đổi nhiều mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Trong đó, tăng mức phạt nếu không thực hiện cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn.

Mục lục bài viết
  • Khi nào cha/mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con?
  • Tăng mức phạt nếu không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn từ năm 2022
  • Không cấp dưỡng nuôi con có thể bị phạt tù đúng không?
Câu hỏi: Tôi muốn hỏi về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, có phải bị tăng mức phạt nếu không thực hiện không? Có phải nếu không cấp dưỡng ly hôn sẽ bị đi tù không?

Chào bạn, Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã quy định mức phạt nếu không thực hiện cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, điều chỉnh tăng hơn so với trước.

Khi nào cha/mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con?

Theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Theo quy định này thì sau khi ly hôn, người không sống chung với con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trong 02 trường hợp:

- Con chưa thành niên;

- Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Tuy nhiên thực tế, sau khi ly hôn nhiều người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con dù đã được tòa phán quyết. Nếu không cấp dưỡng nuôi con sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể là bị phạt tiền, thậm chí là phạt tù.

Tăng mức phạt nếu không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn từ năm 2022

Cụ thể Điều 57 quy định mức phạt khi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Và buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi nêu trên.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại Điều 54 Nghị định 167/2013, vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 – 300 nghìn đồng nếu:

- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.

- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, với các hành vi như nhau tại Nghị định 144/2021 đã tăng nặng mức phạt tiền.

Ngoài ra, mức phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của toà án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Không cấp dưỡng nuôi con có thể bị phạt tù đúng không?

Trong khi đó, khoản 37 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định cụ thể về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng với mức phạt tối đa là 02 năm tù. Cụ thể:

Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà:

- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng,

- Làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định

Như vậy nếu không cấp dưỡng nuôi con có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 02 năm.

Trên đây là giải đáp về vấn đề không thực hiện cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Nếu còn thắc mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ bạn hoặc gọi đến hotline  19006199 để được tư vấn.

Có thể bạn quan tâm

X