Khu phi thuế quan là gì? Có tác dụng gì?
Khu phi thuế quan là gì? Có tác dụng gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và khoản 1 Điều 2 Quyết định 100/2009/QĐ-TTg thì khu phi thuế quan được hiểu là:
- Một khu vực kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, nằm trong lãnh thổ Việt Nam;
- Khu vực này có ranh giới địa lý xác định, được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, đồng thời được bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;
Cụ thể hơn, tại khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì khu phi thuế quan bao gồm: Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, khu bảo thuế, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại công nghiệp, kho ngoại quan, kho bảo thuế.
Khu phi thuế quan có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Khu phi thuế quan với các chính sách ưu đãi về thuế là động lực thúc đẩy việc đầu tư kinh doanh, sản xuất đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể một số điểm nổi bật đối với vai trò của khu phi thuế quan là:
- Thúc đẩy sản xuất kinh doanh thương mại hàng hóa và dịch vụ;
- Động lực tăng trưởng kinh tế
- Thực hiện những ưu đãi về thuế của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khu vực;
- Tạo thêm việc làm cho người lao động...
Khu phi thuế quan có phải là khu chế xuất không?
Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP có quy định khu chế xuất được hiểu là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu; cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan.
Đồng thời, căn cứ khái niệm đã phân tích về khu phi thuế quan tại phần trên và quy định tại khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC có liệt kê khu chế xuất là khu vực thuộc khu phi thuế quan.
Do đó có thể kết luận phi thuế quan có bao gồm khu chế xuất và khu chế xuất là một khu vực, thành phần thuộc khu phi thuế quan.
Những đối tượng hoạt động trong khu phi thuế quan
Những đối tượng hoạt động trong khu phi thuế quan
Căn cứ Điều 5 Quy chế hoạt động của khu phi thuế quan trong khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu ban hành kèm theo Quyết định 100/2009/QĐ-TTg các đối tượng hoạt động trong khu phi thuế quan hiện nay bao gồm:
- Thứ nhất là thương nhân Việt Nam;
- Thứ hai là chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân Việt Nam;
- Thứ ba là chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài ở Việt Nam;
- Cuối cùng là nhà đầu tư.
Các đối tượng này thực hiện các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động khác; Sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, chế biến hàng hóa tại khu phi thuế quan.
Hàng hóa khu phi thuế quan có chịu thuế xuất nhập khẩu không?
Căn cứ Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 thì việc chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa khu phi thuế quan được thực hiện như sau:
- Đối với hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước: Có chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa được chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác thì không phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Việt Nam có bao nhiêu khu phi thuế quan?
Hiện nay, Việt Nam có các khu phi thuế quan sau:
STT | Tỉnh | Khu phi thuế quan thuộc |
1 | Quảng Ninh | Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái |
Khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh | ||
2 | Lạng Sơn | Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn |
3 | Lào Cai | Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai |
4 | Cao Bằng | Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng |
5 | Hà Tĩnh | Khu kinh tế Vũng Áng |
6 | Hà Giang | Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy |
7 | Thanh Hóa | Khu kinh tế Nghi Sơn |
8 | Nghệ An | Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An |
9 | Quảng Bình | Khu kinh tế Hòn La |
10 | Thừa Thiên - Huế | Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô |
11 | Quảng Nam | Khu kinh tế thương mại Chu Lai |
Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang | ||
12 | Quảng Ngãi | Khu kinh tế Dung Quất |
13 | Bình Định | Khu kinh tế Nhơn Hội |
14 | Khánh Hòa | Khu kinh tế Vân Phong |
15 | Tây Ninh | Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài |
16 | Kiên Giang | Khu phi thuế quan Phú Quốc |
Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên | ||
17 | Phú Yên | Khu kinh tế Nam Phú Yên |
18 | Cà Mau | Khu kinh tế Năm Căn |