hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 02/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bị xử lý thế nào?

Người lao động sau khi nghỉ việc vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng được các quy định pháp luật. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà người lao động lợi dụng các kẽ hở để trục lợi bất chính. Vậy hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý thế nào?

Mục lục bài viết
  • Vừa nhận trợ cấp thất nghiệp vừa đi làm thì có trái luật không?
  • Có việc làm rồi vẫn nhận bảo hiểm thất nghiệp bị phạt thế nào?
  • Làm giả hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp bị xử phạt thế nào? 

Vừa nhận trợ cấp thất nghiệp vừa đi làm thì có trái luật không?

Câu hỏi: Chào Hieuluat, tôi đã hưởng được 2/4 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi. Tranh thủ khoảng thời gian này tôi có đi phỏng vấn và trúng tuyển 1 chỗ rất tốt, do tôi có kinh nghiệm nên họ quyết định rút ngắn thời gian thử việc, tôi có thể ký hợp đồng chính thức sau 1 tháng thử việc (trùng với thời gian nhận tiền thất nghiệp tháng thứ 3 của tôi).

Tôi phân vân lắm, liệu tôi vừa nhận trợ cấp vừa đi làm thì có bị sao không ạ?

Chào chị, về nguyên tắc, người đang nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng mà tìm được việc làm mới thì phải chấm dứt hưởng trợ cấp (điểm b Khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm 2013).

Người lao động được xác định là “có việc làm” nếu thuộc một trong các trường hợp nêu tại điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP như sau:

- Đã ký hợp đồng với thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên. Ngày hợp đồng có hiệu lực là ngày người lao động được coi là “có việc làm”;

- Nhận được Quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm nếu không phải đối tượng giao kết hợp đồng. Ngày người lao động chính thức có việc làm là ngày bắt đầu làm việc được ghi trên Quyết định.

- Sau khi thất nghiệp thì thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh (chủ doanh nghiệp hoặc chủ hộ kinh doanh). Lúc này, ngày mà người lao động có việc làm được tính là ngày thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về việc hoạt động kinh doanh của công ty, hộ kinh doanh;

- Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm, trong đó ngày có việc làm được xác định là ngày ghi trong thông báo mà người lao động gửi đến.

Như vậy, việc vừa hưởng trợ cấp vừa muốn đi làm để lĩnh lương là “lách luật” và trái với quy định.

Không thông báo đã có việc làm là hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệpKhông thông báo đã có việc làm là hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Có việc làm rồi vẫn nhận bảo hiểm thất nghiệp bị phạt thế nào?

Câu hỏi: Chào Hieuluat, theo quy định hiện nay, có việc rồi nhưng vẫn lấy tiền trợ cấp thất nghiệp thì khi phát hiện ra có bị phạt tù không ạ?

Chào bạn, hành vi không thông báo dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp để vừa nhận lương và vừa lĩnh trợ cấp thất nghiệp là hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ nhằm hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đối với việc làm này, theo điểm c khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người lao động sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

*Lưu ý: Bên cạnh khoản tiền phạt, người có hành vi vi phạm phải nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận của tháng có việc làm.

Có việc làm rồi vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động có thể phải ngồi tùCó việc làm rồi vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động có thể phải ngồi tù

Làm giả hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp bị xử phạt thế nào? 

Câu hỏi: Tôi có 1 người chị cách đây không lâu bỏ ngang do mâu thuẫn trầm trọng với lãnh đạo (vợ sếp). Chị không muốn lên gặp người đó nên quyết định tự đi làm con dấu của công ty, tự đóng vào hợp đồng và nộp lên bảo hiểm xã hội và lĩnh đủ tiền trợ cấp. Chị bảo tôi là sẽ không bị phát hiện.

Cho tôi hỏi, việc làm của chị ấy sẽ không bị pháp luật xử lý, không bị coi là trái pháp luật đúng không ạ (Vì cho đến giờ chị ấy vẫn chưa bị làm sao cả)?

Chào chị, việc làm của bạn chị đã vi phạm Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong đó, việc làm giả hồ sơ xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là một trong những điều không được phép thực hiện.

Với hành vi này, bạn của chị có thể bị xử phạt như sau:

Theo khoản 1 Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015, nếu làm giả hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp chiếm đoạt từ 10 – dưới 100 triệu đồng thì bạn chị sẽ bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, bị cải tạo không giam giữ tối đa 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm.

Ngoài ra, nếu chiếm đoạt trái phép từ 100 – dưới 500 triệu đồng, làm giả hồ sơ có tổ chức, có tính chuyên nghiệp thì mức phạt sẽ là từ 100 – 200 triệu đồng hoặc phạt từ 01 - 05 năm tù.

Như vậy có thể nói, việc làm của bạn chị đã vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra.

Trên đây là nội dung giải đáp về lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006192 để được tư vấn thêm.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X