hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 02/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lãi suất vay cầm cố tài sản 2023 là bao nhiêu?

Lãi suất cầm cố tài sản theo quy định hiện nay là bao nhiêu? Mức lãi suất là bao nhiêu thì bị xử phạt? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi nếu cầm cố tài sản để vay tiền ở các tiệm cầm đồ hoặc đối với các cá nhân nhận cầm cố tài sản thì lãi suất cho vay phải là bao nhiêu tiền?

Lãi suất bao nhiêu thì được coi là vi phạm và bị xử phạt?

Mong được hỗ trợ giải đáp.

Chào bạn, quy định về lãi suất cầm cố tài sản hiện nay là bao nhiêu là câu hỏi được chúng tôi giải đáp như sau:

Lãi suất cầm cố tài sản 2023 là bao nhiêu?

Trước hết, cầm cố tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ (Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015).

Hoạt động cho vay tiền nhận cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng phải tuân thủ quy định tại Bộ luật Dân sự về lãi suất cho vay dân sự.

Căn cứ Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất trong các hoạt động kinh doanh cầm đồ tài sản cho vay tiền hoặc nhận cầm cố tài sản do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm.

Thực tế hiện nay, các cửa hàng kinh doanh cầm đồ, cho vay tiền thường cho vay với mức lãi suất rất cao đồng thời có nhiều điều khoản bất lợi cho người vay, do đó, trước khi ký kết hợp đồng vay, bên vay nên đọc kỹ, tìm hiểu đầy đủ những kiến thức pháp lý để hạn chế rủi ro, giảm thiểu thiệt hại.

Ngoài ra, nhiều cửa hàng kinh doanh cầm đồ, cho vay tiền còn có hành vi né tránh quy định pháp luật bằng cách chuyển tiền lãi vay thành khoản tiền bảo quản tài sản, quản lý tài sản, đầu tư tài sản... hoặc các khoản tiền khác nhằm trốn tránh trách nhiệm, sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Lưu ý, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng khong xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất tối đa tại Điều 468, tức bằng 10%/năm.

Trường hợp vượt quá 20%/năm, tùy mức độ, tính chất của hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự (chi tiết được chúng tôi trình bày ở phần dưới).

Như vậy, lãi suất cầm cố tài sản để vay tiền tối đa là 20%/năm.

Nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất cao hơn thì phần lãi suất vượt quá 20% không có giá trị pháp lý và bên cho vay tiền có thể bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự tùy thuộc mức độ vi phạm.

Lãi suất cầm cố tài sản tối đa là 20 phần trăm/nămLãi suất cầm cố tài sản tối đa là 20%/năm

Lãi suất cầm đồ theo ngày bao nhiêu thì bị phạt?

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, lãi suất cho vay tiền có cầm cố tài sản tối đa là 20%/năm, tức khoảng 0,055%/ngày.

Nếu lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm thì bên cho vay có thể bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự, chi tiết như sau:

Trường hợp 1: Xử phạt hành chính

Trong trường hợp lãi suất các bên thỏa thuận vượt quá 20%/năm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d, điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với hành vi bị xử phạt, mức xử phạt như sau:

  • Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm: Phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng;

  • Không đăng ký ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm: Phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng;

  • Người bị xử phạt còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự trong thời hạn từ 6 - 9 tháng; và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm (điểm b khoản 6, điểm a khoản 7 Điều 14 Nghị định 144/20121/NĐ-CP);

Trường hợp 2: Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự, tức từ 100%/năm trở lên (khoảng 0,27%/ngày) và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên/hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội danh bị truy cứu là Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201 Bộ luật Hình sự).

Hình phạt được áp dụng đối với trường hợp này gồm:

Hình phạt tại khung cơ bản

  • Phạt tiền từ 50 triệu - 200 triệu đồng;

  • Hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm;

Hình phạt tại khung tăng nặng

  • Phạt tiền từ 200 triệu - 01 tỷ đồng;

  • Hoặc phạt tù có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Hình phạt bổ sung đi kèm với hình phạt tại khung cơ bản hoặc khung tăng nặng đối với tội phạm

  • Phạt tiền từ 30 triệu - 100 triệu đồng;

  • Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoạc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm;

Như vậy, khi cho vay với vượt quá mức lãi suất cầm cố tài sản luật định tối đa là 20%/năm, tức khoảng 0,055%/ngày, bên cho vay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, phải giao nộp lại số tiền bất hợp pháp thu được từ việc cho vay.

Hình phạt cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất là tù có thời hạn 3 năm nếu lãi suất từ 100%/năm (tức khoảng 0,27%/ngày) trở lên.

Trên đây là giải đáp về vấn đề lãi suất cầm cố tài sản, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X