hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 16/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Làm bạn gái có bầu nhưng không chịu trách nhiệm, có phạm pháp?

Thực trạng “làm bạn gái có bầu, sinh con” rồi chối bỏ trách nhiệm không hiếm gặp. Nhiều người có chung thắc mắc, hành vi này có phạm pháp và bị xử lý hay không?

Làm bạn gái có bầu nhưng không chịu trách nhiệm, có phạm pháp?

Câu hỏi: Bạn thân tôi có bầu với anh bạn trai nhưng người bạn trai này yêu cầu bạn gái bỏ thai vì hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để anh ta kết hôn có con còn nếu bạn tôi giữ con thì anh ấy sẽ không chịu trách nhiệm. Bạn tôi thì muốn giữ lại con vì sợ ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ về sau. Cho tôi hỏi, nếu làm bạn gái có bầu nhưng không chịu trách nhiệm, anh ta có phạm pháp không và bị xử lý thế nào?

Chào bạn, pháp luật không can thiệp sâu vào đời sống riêng và chuyện tình cảm cá nhân của mỗi người. Trước mắt, có thể thấy người bạn trai làm bạn gái có bầu nhưng không chịu trách nhiệm là hành vi vi phạm về mặt đạo đức.

Tuy nhiên, nếu xét về độ tuổi nếu bạn gái của bạn chưa đủ 16 tuổi thì người bạn trai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, được quy định tại Điều 145 Bộ Luật hình sự 2015. Cụ thể:

Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù từ 03 - 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Có tính chất loạn luân;

d) Làm nạn nhân có thai;

...

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên, nếu cả hai đã đủ tuổi theo quy định (trên 16 tuổi) thì người bạn trai sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ khi bạn nữ sinh con, bạn trai phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình 2014.

Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng, trong trường hợp làm người yêu có bầu mà không cưới thì người nam phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đây là nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ huyết thống… trong trường hợp người đó là người chưa thành niên hoặc người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu (khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình)

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào:

- Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng

- Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

(Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi này là do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Cũng theo Điều 117 Luật này, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

lam ban gai co bau nhung khong chiu trach nhiem

Không đăng ký kết hôn có thể giành quyền nuôi con?

Câu hỏi: Tôi và bạn gái có con khi chưa đăng ký kết hôn. Tôi vẫn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đều đặn cho con. Nay bạn gái tôi muốn kết hôn với người khác, như vậy tôi có thể giành được quyền nuôi con khi cô ấy có gia đình mới hay không?

Chào bạn, theo Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình thì quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, được giải quyết theo quy định của Luật này. Điều này đồng nghĩa với việc, quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ với con là như nhau, không phân biệt việc bạn và bạn gái có đăng ký kết hôn hay không?

Nếu việc bạn gái của bạn kết hôn và điều đó ảnh hưởng đến việc nuôi con, hai bạn có thể thỏa thuận về việc để con cho bạn nuôi. Nếu không thỏa thuận được, bạn có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bạn cần lưu ý một số vấn đề khi giành quyền nuôi con như sau:

- Thời điểm hiện tại đã thích hợp để bạn nuôi con hay chưa? Nguyện vọng của con thế nào? Có muốn ở với bạn hay không? Bởi vì thực tế, con bạn sống chung với mẹ, sự gắn bó lẫn tình cảm sẽ nhiều hơn. Bạn cần thời gian để gắn bó tạo tình cảm với con.

- Nếu trong giấy khai sinh của con bạn khuyết cha, bạn cần phải thực hiện thủ tục nhận cha cho con trước khi khởi kiện tranh chấp việc nuôi con.

- Việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Tòa án sẽ xem xét đến các yếu tố như thời gian có thể dành cho con, tư cách đạo đức, lối sống, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế, chỗ ở của cha, mẹ; độ tuổi, giới tính của con để quyết định việc giao con cho ai nuôi dưỡng. Do vậy, nếu yêu cầu tòa án giải quyết, bạn có nghĩa vụ chứng minh bạn có điều kiện tốt hơn nếu được trực tiếp nuôi con.(theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình)

Vừa rồi là thông tin liên quan đến vấn đề làm bạn gái có bầu nhưng không chịu trách nhiệm. Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn kịp thời.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X