Đăng nhập / Đăng ký
Văn bản pháp luật

Nghỉ việc rồi thì làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?

Chủ Nhật, 09/04/2023 Theo dõi Hiểu Luật trên

Bảo hiểm thất nghiệp là phương án “cứu cánh” người lao động trong lúc khó khăn do mất việc làm. Vậy người lao động nghỉ việc rồi thì làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?

Điều kiện để được làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp có thể được xem xét hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng được bốn điều kiện nêu tại Điều 49 Luật Việc làm như sau:

- Đã kết thúc hợp đồng lao động (trừ trường hợp: đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, người lao động đang có lương hưu hoặc trợ cấp mất sức);

- Đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong vòng 24 – 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng (tùy thuộc từng loại hợp đồng khác nhau):

  • Ký hợp đồng xác định hoặc không xác định thời hạn: đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi nghỉ việc;
  • Ký hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng theo công việc nhất định từ 03 – dưới 12 tháng: đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi nghỉ việc.

- Đã chuẩn bị và nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ mà chưa tìm được việc làm mới (và không thực hiện những hành vi: đi định cư nước ngoài, xuất khẩu lao động; đi nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa vụ công an; đi học từ 12 tháng trở lên…).

*Lưu ý: Không phải ai cũng là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:

- Người lao động nghỉ hưu: theo khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm, người lao động nào đã có lương hưu thì không cần đóng bảo hiểm thất nghiệp.

- Người giúp việc tại các hộ gia đình:

  • Theo Điều 161 và 162 Bộ Luật Lao động 2019, người giúp việc gia đình là đối tượng phải ký hợp đồng lao động để họ làm việc cho các hộ gia đình (nội trợ, chăm trẻ con, quản gia…).
  • Song cũng theo khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm, đây không phải là đối tượng phải tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp dù đã có hợp đồng lao động.

- Công chức: Khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 cùng khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi năm 2019) đã chỉ rõ rằng công chức là đối tượng được tuyển dụng theo quyết định của Nhà nước thay vì làm theo hợp đồng. Cho nên, công chức cũng không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động có thể làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu để nhận trợ cấp?

Có thể làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Hà Nội?

Là thành phố có số lượng lao động lớn nên nhu cầu giải quyết hưởng trợ cấp tại đây cũng rất đông. Do vậy để được giải quyết hồ sơ trợ cấp nhanh chóng, người lao động có thể chọn nộp tại những địa điểm sau:

- Số 215 Phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy;

- Số 144 Trần Phú, quận Hà Đông;

- Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh;

- Số 6 đường Cổ Bi, Gia Lâm;

- Số 18 đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm;

- Ngõ 161 Hoa Lâm, Việt Hưng, quận Long Biên;

- Thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội (gần trường Trung cấp An Ninh);

- Trung tâm hành chính huyện Mê Linh (Xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội);

- Số 108 đường Hùng Nguyên, huyện Thường Tín;

- Trung tâm Quỹ đất huyện Ứng Hòa: Số 59 Lê Lợi, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa;

- Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Ba Vì: quốc lộ 32, thôn Vật Phụ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì;

- Tầng 1 Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Hoài Đức: Khu 6 Thị trấn trạm Trôi, huyện Hoài Đức;

- Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội: Tiểu khu Phú Mỹ, huyện Phú Xuyên;

- Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đan Phượng: Số 101 Tây Sơn, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng;

- Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thạch Thất.

Có thể tiến hành làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Bắc Ninh?

Bắc Ninh là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, số lượng lao động lớn nên nhu cầu giải quyết trợ cấp thất nghiệp tương đối cao.

Nếu người lao động muốn nhận tiền trợ cấp tại Bắc Ninh, có thể tới Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh tại số 33 đường Nguyễn Đăng Đạo để thực hiện thủ tục.

Có thể làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Hải Phòng?

Theo khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, nơi giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp là trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh/thành phố nơi người lao động muốn nhận trợ cấp.

Do đó, nếu có nhu cầu lĩnh trợ cấp sau khi nghỉ việc tại Hải Phòng thì mang 01 bộ hồ sơ đến số 735 đường Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân để làm thủ tục.

Có thể làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Tp.HCM?

Tại khu vực Hồ Chí Minh, người lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tai:

- Trụ sở chính: số 106/14D Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh;

- Quận 4: Trung tâm dạy nghề Quận 4, số 249 Tôn Đản.

- Quận 6: Trung tâm dạy nghề Quận 6, số 743/34 Hồng Bàng;

- Quận 9: Trường Trung cấp Nghề Lê Thị Riêng, số 01 đường số 9, phường Phước Bình;

- Quận 12: Trường Trung cấp Bách Khoa, số 802-804 đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận;

- Sân tập lái xe Trung An: Đường 458 ấp Thạnh An, huyện Củ Chi;

- Trung tâm dạy nghề Tân Bình: 456 Trường Chinh, phường 13, quận Tân Bình.

Người lao động có thể làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?

Nơi tiếp nhận, làm bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Dương?

Tại tỉnh Bình Dương, người lao động chỉ cần đến nộp hồ sơ lãnh bảo hiểm thất nghiệp tại Trụ sở chính Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. Địa chỉ trụ sở: 369 đại lộ Bình Dương, khu phố Hòa Lân, Thuận Giao, Thuận An.

Có thể làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Bắc Giang?

Cơ quan bảo hiểm thất nghiệp tỉnh Bắc Giang có địa chỉ tại Lô số 05, đường Trần Quang Khải, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang.

Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh còn có 02 chi nhánh tiếp nhận hồ sơ khác, đó là:

- Chi nhánh Tân Yên: xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang;

- Chi nhánh Lục Nam: thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Như vậy, người lao động muốn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể lựa chọn một trong ba địa chỉ nêu trên để tiến hành thủ tục.

Người lao động có thể làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Ninh Bình?

Người lao động đang làm việc hoặc sinh sống ở Ninh Bình nếu xét thấy đủ điều kiện nhận trợ cấp khi thất nghiệp thì có thể mang 01 bộ hồ sơ đến Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh tại: Khu làng nghề Ninh Phong, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình để được tiếp nhận và giải quyết.

Làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Nghệ An thì được nhận tiền?

Để được nhận trợ cấp sau khi thất nghiệp, người lao động làm việc, sinh sống ở Nghệ An có thể đem 01 bộ hồ sơ đến nộp tại một trong các địa chỉ sau đây:

- Trụ sở chính: Số 201, đường Phong Định Cảng, phường Trường Thi, thành phố Vinh;

- Văn phòng thị xã Thái Hòa: xóm Trung Đình, xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa;

- Văn phòng tại huyện Diễn Châu: xóm Sở, xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu;

- Văn phòng tại huyện Anh Sơn: xóm 3, xã Hòa Sơn, huyện Anh Sơn.

Làm hồ sơ hưởng trợ cấp được ở quê được không?

Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP áp dụng từ ngày 01/05/2015, người lao động mang hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động được phép lựa chọn nơi mình mong muốn và dự định lĩnh tiền hỗ trợ thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm xã hội sao cho thuận tiện với việc sinh sống, đi lại…

Như vậy, người lao động hoàn toàn có quyền làm hồ sơ hưởng trợ cấp ở quê.

Thời hạn làm bảo hiểm thất nghiệp tối đa là bao lâu?

Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP áp dụng từ ngày 01/05/2015, người lao động đáp ứng đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp có 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng để nộp hồ sơ.

Có mấy cách nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động có thể lựa chọn?

Người lao động có thể lựa chọn một trong bốn cách sau để thực hiện thủ tục:

Nộp trực tiếp

Việc nộp sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tiến hành theo các bước sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Theo Điều 16 Nghị định 28/2015 và khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020, người lao động đã chấm dứt hợp đồng và có đủ thời gian tích lũy tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì soạn 01 bộ hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị nhận tiền trợ cấp thất nghiệp;

- Giấy tờ xác nhận tình trạng chấm dứt hợp đồng lao động (Bản chính hoặc bản sao công chứng):

  • Hợp đồng đã hết hạn hoặc giấy tờ xác nhận đã hoàn thành công việc theo nội dung hợp đồng;
  • Quyết định thôi việc;
  • Quyết định sa thải;
  • Quyết định cho thôi việc;
  • Thông báo, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng giữa các bên;
  • Giấy xác nhận của bên sử dụng lao động (ghi rõ: thông tin cá nhân người lao động; loại hợp đồng; thời điểm chấm dứt hợp đồng; lý do chấm dứt);
  • Giấy xác nhận doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản;
  • Quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cách chức quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
  • Giấy xác nhận chấm dứt đối với hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng theo công việc từ đủ 03 – dưới 12 tháng (bản chính hoặc bản sao).

- Sổ bảo hiểm ghi nhận chính xác khoảng thời gian đã tham gia bảo hiểm;

- Mang theo Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân trong trường hợp cán bộ bảo hiểm xã hội muốn đối chiếu thông tin (Ví dụ: trong Hợp đồng ghi thông tin Chứng minh nhân dân nhưng trong tờ giấy đề nghị nhận trợ cấp lại ghi Căn cước công dân).

Bước 2. Nộp hồ sơ

Người lao động đem bộ hồ sơ nói trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi muốn lĩnh trợ cấp.

*Lưu ý: Người lao động nên nộp tại địa phương nơi mình sinh sống lâu dài để dễ xử lý trong trường hợp phải sửa đổi, bổ sung giấy tờ.

Nộp hồ sơ qua đường bưu điện

Sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ, hồ sơ đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp (nêu tại mục 5.1) thì người lao động có thể mang toàn bộ tài liệu ra bưu điện (ví dụ: Vnpost) và gửi đến địa chỉ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh/thành phố.

Lúc này, ngày nộp hồ sơ sẽ tính theo ngày được ghi trên dấu bưu điện của tập hồ sơ.

*Lưu ý:

- Ghi chính xác địa chỉ trung tâm dịch vụ việc làm nơi muốn nộp hồ sơ và nhận tiền trợ cấp;

- Cần lưu giữ giấy tờ vận đơn và dùng mã vận đơn để tra cứu tiến trình nộp của hồ sơ.

Nộp hồ sơ online

Ngoài việc đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm, theo công văn 1399/LĐTBXH-VL, người lao động có thể thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện thủ tục đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp.

Việc nộp hồ sơ có thể thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Truy cập đường link sau: https://dichvucong.gov.vn/;

Bước 2. Đăng ký tài khoản;

Bước 3. Sau khi có tài khoản, tiến hành đăng nhập và xác nhận mã OTP;

Bước 4. Tìm thủ tục “giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” và kê khai thông tin theo hướng dẫn;

Bước 5. Đính kèm file tài liệu lên hệ thống rồi ấn nút Nộp hồ sơ.

Ủy quyền để người khác thay mặt nộp hồ sơ

Theo khoản 3 Điều 29 và khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động được phép ủy quyền cho người khác thay mặt mình thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Bị ốm đau hoặc đang trong thời ký hưởng chế độ thai sản;

- Gặp tai nạn;

- Gặp sự cố bất khả kháng dẫn đến không thể tự thực hiện thủ tục (thiên tai, hỏa hoạn…)

Ngoài các trường hợp này, người lao động phải trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan.

Làm bảo hiểm thất nghiệp bao lâu thì nhận được tiền?

Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định thời hạn gửi tiền trợ cấp thất nghiệp như sau:

- Trợ cấp tháng thứ nhất: sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Trợ cấp từ các tháng tiếp theo: trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp đó.

*Lưu ý: Lịch này chỉ áp dụng đối với người lao động không bị cơ quan bảo hiểm xã hội cho tạm ngừng hoặc chấm dứt nhận trợ cấp do có hành vi vi phạm (ví dụ: không nộp thông báo tìm việc làm đúng hẹn, làm giả hồ sơ nhận trợ cấp, vừa đi làm vừa nhận tiền trợ cấp…).

Trên đây là nội dung giải đáp xung quanh nội dung nghỉ việc làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu sau khi nghỉ việc để được lấy tiền trợ cấp. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn thêm.

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Chính sách mới

Tin xem nhiều