hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 07/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Làm gì nếu bên bán đất không nộp thuế để sang tên?

Làm gì khi bên bán đất không đóng nộp thuế để sang tên? Bên mua được quyền hủy hợp đồng vì bên bán không đóng thuế để sang tên không? Cùng tìm hiểu nhé.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, chúng tôi đang thực hiện thủ tục sang tên sổ hồng căn nhà đất mua của ông A, tiền mua đã được chúng tôi thanh toán đầy đủ cho bên bán.

Theo hợp đồng đã ký kết, bên bán có nghĩa vụ chịu mọi khoản thuế, phí, lệ phí để thực hiện thủ tục sang tên.

Căn cứ thông báo từ cơ quan thuế, tổng số tiền thuế, phí mà bên bán phải nộp là 80 triệu đồng.

Chúng tôi đã thông báo tới bên bán cách đây hơn 1 tháng, tuy nhiên, bên bán hết lần này tới lần khác trì hoãn việc đóng nộp thuế.

Cách đây gần 1 tuần, chúng tôi yêu cầu gặp mặt trực tiếp để giải quyết vấn đề đóng nộp tiền thuế, phí nhưng bên bán từ chối.

Tôi nhận thấy bên bán đang cố tình gây khó dễ, không hợp tác để tôi thực hiện thủ tục sang tên sổ hồng.

Xin hỏi Luật sư, tôi có thể làm gì để buộc bên bán phải đóng tiền thuế, phí trong trường hợp này?

Nếu hiện tại tôi muốn hủy hợp đồng mua bán, yêu cầu bên bán trả lại tiền thì có được không?

Chào bạn, cần làm gì khi bên bán đất không đóng nộp thuế để sang tên, có nên hủy hợp đồng mua bán không là vướng mắc được chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Phải làm gì khi bên bán đất không đóng nộp thuế để sang tên?

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng, bên bán đang không thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán đã được ký kết, có hiệu lực.

Để quyết định nên làm theo cách nào còn phụ thuộc vào yêu cầu của bạn, khả năng và mong muốn của bạn, cụ thể như sau:

  • Cách 1: Thương lượng, tự giải quyết

  • Cách 2: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

  • Cách 3: Trình báo vụ việc tới cơ quan công an

Mỗi cách thức thực hiện sẽ có những ưu điểm, điểm bất lợi khác nhau và có những đặc điểm riêng biệt.

Do chưa được tiếp cận hồ sơ thực tế, nên bạn có thể dựa trên những giải đáp sau đây của chúng tôi để có quyết định phù hợp với tình huống của mình.

Cách thức giải quyết

Những công việc cần thực hiện tương ứng với từng cách thức xử lý vụ việc

Cách 1: Thương lượng, tự giải quyết

  • Bạn có thể tự mình trực tiếp tới nơi ở, nơi làm việc, nơi công tác của bên bán, gặp trực tiếp để có phương án xử lý phù hợp;

  • Bạn cũng có thể tự mình đóng nộp tiền thuế, phí, lệ phí để thực hiện sang tên sổ hồng nhà đất; sau đó, đòi lại số tiền này từ bên bán;

  • Điểm khó khăn khi sử dụng phương thức này là nếu bên bán không hợp tác, bạn rất khó đòi lại được tiền của mình cũng như rất khó để được quyền đóng, nộp thuế phí sang tên;

  • Điểm hữu ích nếu thực hiện theo cách này là bạn có thể trực tiếp giải quyết vấn đề, không cần qua trung gian giải quyết và tiết kiệm được chi phí, thời gian để thực hiện thủ tục sang tên;

Cách 2: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

  • Theo thông tin bạn cung cấp, bên bán đã vi phạm nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng, đây là căn cứ để bạn khởi kiện ra Tòa án nhân dân (tòa án nhân dân nơi bên bán cư trú), yêu cầu tòa giải quyết tranh chấp, buộc bên bán phải đóng nộp khoản tiền thuế, phí;

  • Hồ sơ gửi tòa để yêu cầu giải quyết bao gồm: Đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán đất mẫu 23-DS, hợp đồng mua bán, thông báo thuế/phí từ cơ quan thuế, các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh cho việc bên bán không thực hiện đóng nộp thuế, phí theo hợp đồng;

  • Điều hạn chế khi thực hiện theo cách này là thủ tục sang tên của bạn sẽ bị dừng lại cho đến khi có quyết định hoặc bản án có hiệu lực của tòa án nhân dân có thẩm quyền;

  • Mặt khác, thời gian giải quyết tại tòa án nhân dân cũng dài và tương đối phức tạp nếu như bạn chưa từng tìm hiểu về quy trình xử lý;

  • Tuy nhiên, bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án là căn cứ để buộc bên bán phải thực hiện; nếu bên bán không tự nguyện thực hiện, bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án;

Cách 3: Trình báo vụ việc tới cơ quan công an

Theo thông tin nhận được, chúng tôi nhận thấy vụ việc có thể sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an bởi lý do sau đây:

  • Bên bán nếu có hành vi trốn tránh, đi khỏi nơi cư trú hoặc là đã nhận tiền nhưng không còn khả năng để thực hiện hợp đồng vì đã sử dụng hết số tiền đó thì đã có dấu hiệu của tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự;

  • Lúc này, bạn có quyền trình báo công an địa phương nơi bên bán sinh sống hoặc nơi có nhà đất hoặc nơi mình sinh sống để được hướng dẫn xử lý, giải quyết;

  • Tương tự như cách thức khởi kiện ra tòa, đây cũng là cách thức khiến bạn mất thời gian xử lý cũng như công sức thực hiện;

Như vậy, phải làm gì khi bên bán đất không đóng nộp thuế để sang tên là câu hỏi được chúng tôi giải đáp theo một trong 3 cách thức nêu trên.

Theo đó, bên mua có thể trực tiếp tự mình giải quyết hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án xử lý hoặc nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì có thể trình báo cơ quan công an có thẩm quyền.

Phải làm gì khi bên bán đất không đóng nộp thuế để sang tên?Phải làm gì khi bên bán đất không đóng nộp thuế để sang tên?

Được hủy hợp đồng mua bán khi bên bán không nộp thuế sang tên không?

Hủy hợp đồng được hiểu là hoàn trả lại nguyên vẹn hiện trạng ban đầu của tài sản, giao dịch, tức, các bên không công nhận hiệu lực hợp đồng đã ký kết, quyền và nghĩa vụ của các bên được ghi nhận là chưa phát sinh/không tồn tại tại thời điểm hủy bỏ hợp đồng.

Thực tế, khi hủy hợp đồng, các bên sẽ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, xóa bỏ/thu hồi/hủy bỏ các kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện hợp đồng, tính đến thời điểm hủy.

Dưới góc độ pháp lý, các bên hoặc một bên trong hợp đồng mua bán nhà đất được quyền hủy bỏ hợp đồng đã giao kết bằng một trong hai cách sau đây:

  • Cách 1: Ký hủy hợp đồng mua bán đất tại nơi đã ký kết hợp đồng

  • Cách 2: Đề nghị tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ hợp đồng

Tương ứng với mỗi cách sẽ có các vấn đề khác nhau cần giải quyết, cụ thể là:

Cách 1: Ký hủy hợp đồng mua bán đất tại nơi đã ký kết hợp đồng

  • Tại đây, các bên cùng mang toàn bộ các bản hợp đồng đã ký kết tới nơi đã ký hợp đồng ban đầu (có thể là văn phòng công chứng, phòng công chứng…) đề nghị được ký hủy hợp đồng mua bán đất;

  • Để làm được theo cách này thì phải đảm bảo sổ hồng chưa được xác nhận đăng ký biến động, đồng thời, bên mua cần rút lại hồ sơ đã nộp tại cơ quan Nhà nước;

Cách 2: Đề nghị tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ hợp đồng

  • Căn cứ Điều 26 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, tranh chấp về hợp đồng mua bán đất là một trong số những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân;

  • Các bên có quyền yêu cầu tòa án công nhận hoặc đề nghị tòa giải quyết yêu cầu hủy hợp đồng mua bán đất đã được công chứng, chứng thực;

  • Để được giải quyết, các bên cần phải có đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự/hoặc đơn khởi kiện dân sự mẫu 23-DS cùng với tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình để được tòa án thụ lý, giải quyết theo quy định pháp luật;

Các cách hủy hợp đồng mua bán đấtCác cách hủy hợp đồng mua bán đất

Như vậy, chúng tôi đã hướng dẫn các cách thức có thể thực hiện trong trường hợp bạn không biết phải làm gì khi bên bán đất không đóng nộp thuế để sang tên như trên.

Trong trường hợp bạn muốn hủy hợp đồng đã ký kết thì có thể lựa chọn một trong hai cách mà chúng tôi đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc kỹ phương án hủy hợp đồng, bởi lẽ bạn cần phải quan tâm tới việc số tiền đã chuyển giao cho bên bán, bạn có khả năng lấy lại được không hoặc lấy lại được bao nhiêu và trong thời gian bao lâu.

Trên đây là giải đáp về Làm gì khi bên bán đất không đóng nộp thuế để sang tên? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X