hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 01/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đăng ký kết hôn có cần cắt khẩu không? Có bắt buộc nhập khẩu về nhà chồng?

Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần chuẩn bị các loại giấy tờ và thực hiện các thủ tục theo quy định. Vậy, làm giấy kết hôn có cần cắt khẩu không?

Mục lục bài viết
  • Làm giấy kết hôn có cần cắt hộ khẩu không?
  • Có phải nhập khẩu về nhà chồng sau khi kết hôn?
  • Nhập khẩu có cần giấy đăng ký kết hôn không?
Câu hỏi: Vài tháng nữa em làm đám cưới, vợ chồng em đang chuẩn bị đi đăng ký kết hôn. Tuy nhiên em không biết là làm giấy kết hôn có cần cắt hộ khẩu không và sau khi kết hôn có bắt buộc phải nhập khẩu về nhà chồng hay không?

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat. Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc cắt khẩu, nhập khẩu sau khi đăng ký kết hôn, trong đó có trường hợp của bạn. Để hiểu rõ hơn, mời bạn theo dõi các thông tin chúng tôi đưa dưới đây.

Làm giấy kết hôn có cần cắt hộ khẩu không?

Khi đăng ký kết hôn hai bên cần chuẩn bị giấy tờ theo quy định tại Điều 18 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 và khoản 1 Điều 2 Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP gồm:

- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ xác nhận cư trú (vì hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện chưa kết nối được hết với các bộ, ngành)

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (đối với công dân Việt Nam) hoặc Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (đối với người nước ngoài);

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hai bên nam nữ trường trú cấp.  Nếu không có thường trú, công dân có thể xin giấy này tại UBND xã, phường nơi đăng ký tạm trú. Trường hợp hai bên nam, nữ có một trong hai hoặc cả hai đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

- Giấy xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài (chỉ áp dụng với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài).

- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và còn hạn sử dụng

- Nếu đã từng ly hôn thì cần thêm bản án/quyết định ly hôn nếu đã từng ly hôn.

lam giay ket hon co can cat ho khau khong

Như vậy, khi làm giấy kết hôn không yêu cầu trong hồ sơ có giấy chuyển hộ khẩu, về giấy tờ chứng minh nơi cư trú bạn có thể dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ xác nhận cư trú... Do đó, bạn không phải cắt hộ khẩu khi làm giấy kết hôn. Về vấn đề có phải nhập khẩu về nhà chồng sau khi kết hôn, chúng tôi thông tin như sau:

Có phải nhập khẩu về nhà chồng sau khi kết hôn?

Một trong những nghĩa vụ khi hai bên nam, nữ chính thức trở thành vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

Dù là nghĩa vụ, nhưng Điều 20 Luật này cũng quy định thêm rằng, việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.

Và khi đã là vợ, chồng dù 2 người ở hai nơi khác nhau vẫn phải đáp ứng và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng theo quy định.

Tại Điều 14 của Luật Cư trú 2020 cũng có quy định về nơi cư trú của vợ, chồng như sau:

- Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống

- Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Cư trú 2020 quy định trường hợp vợ về ở với chồng tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình sẽ được nhập hộ khẩu vào nhà chồng nếu được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.

Như vậy, không bắt buộc phải nhập khẩu về nhà chồng sau khi kết hôn mà chỉ nhập khẩu khi người vợ có nhu cầu.

Dù là không bắt buộc nhưng thực tế nếu vợ chồng cùng cư trú tại nhà người chồng thì người vợ nên nhập khẩu về nhà chồng để đảm bảo quyền lợi của cá nhân, hộ gia đình tại nơi thường trú.

Nhập khẩu có cần giấy đăng ký kết hôn không?

Câu hỏi: Em muốn nhập khẩu cho vợ vào nhà em. Cho em hỏi nhập khẩu cho vợ vào nhà chồng có cần giấy đăng ký kết hôn không ạ?

Chào bạn, người vợ có thể đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp (là nhà chồng) khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý. Và theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú, khi vợ nhập khẩu về với chồng thì phải chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu nhà ở hợp pháp hoặc người ủy quyền về việc cho đăng ký thường trú tại địa chỉ đó trừ trường hợp đã có văn bản đồng ý.

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ vợ, chồng với chủ hộ, thành viên hộ gia đình trừ trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú đã có thông tin này.

Các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ vợ, chồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP gồm:

- Giấy đăng ký kết hôn

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã/cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã - nơi cư trú của vợ, chồng.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ trên, vợ, chồng nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan đăng ký thường trú nơi mình đang cư trú (khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú). Đó có thể là Công an xã, phường thị trấn hoặc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố (khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú)

Như vậy trong trường hợp vợ nhập khẩu về nhà chồng hay ngược lại thì giấy đăng ký kết hôn là một trong các loại giấy tờ cần thiết để chứng minh quan hệ vợ, chồng.

Trên đây là các thông tin giải đáp về việc làm giấy kết hôn có cần cắt khẩu không? Nếu bạn còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Đã đăng ký kết hôn nhưng chưa nhập khẩu, vợ có cần đăng ký tạm trú ở nhà chồng?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X