Việc gắn camera để giám sát, đảm bảo an ninh trật tự hiện nay khá phổ biến. Tuy nhiên cũng có nhiều gia đình gặp phải sự bất tiện khi hàng xóm lắp camera hướng thẳng vào nhà mình.
Lắp camera hướng sang nhà hàng xóm có phạm luật không?
Chào bạn, Điều 21 Hiến pháp 2013 đã quy định rõ rằng mọi người đều:
- Có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình
- Có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định:
Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, có thể thấy việc hàng xóm lắp camera ở đâu, hướng nào là quyền của họ, nhưng nếu họ lắp camera chĩa thẳng vào nhà bạn có thể họ đã xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bạn. Nếu thấy bản thân, gia đình bị xâm phạm đời sống riêng tư, bạn có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu hàng xóm bồi thường nếu có thiệt hại và buộc chấm dứt hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, để có thể khởi kiện bạn phải:
- Chứng minh được thiệt hại
- Chứng minh được sự xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, lợi ích khác…
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi này nên nếu không có bằng chứng cụ thể sẽ rất khó để áp dụng hình thức xử lý cũng như mức phạt phù hợp và các gia đình rơi vào tầm quan sát của camera hàng xóm cũng khó có được cách giải quyết thỏa đáng.
Sử dụng hình ảnh của hàng xóm từ camera, bị xử lý thế nào?
Hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP).
Nếu có hành vi sử dụng hình ảnh từ camera để đưa lên mạng xã hội thì tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi đó mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự. Cụ thể như sau:
Xử lý hành chính:
Phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với người có hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân (khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình.
Ngoài ra, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự nhân phẩm, uy tín còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Xử lý hình sự
Nếu hành vi lắp camera của nhà hàng xóm quay sang nhà bạn và phát tán hình ảnh, video của gia đình bạn lên mạng xã hội kèm theo lời lẽ chế giễu được xem là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về việc lắp camera hướng sang nhà hàng xóm có phạm luật không? nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.