hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 16/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được lập di chúc cho người nước ngoài hưởng thừa kế không?

Nhiều người có mong muốn lập di chúc để lại tài sản của mình cho người nước ngoài. Vấn đề họ quan tâm là pháp luật Việt Nam có cho phép lập di chúc với nội dung như vậy hay không?

Lập di chúc cho người nước ngoài hưởng thừa kế được không?

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, tôi có một thửa đất và một căn nhà nhà 03 tầng xây dựng trên thửa đất này. Nhà đất đã được cấp sổ hồng. Nay tôi muốn lập di chúc để lại tài sản này cho một người bạn mang quốc tịch Úc của tôi thì có được không? Xin cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận yêu cầu tư vấn của bạn. Với quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được giải đáp cho bạn như sau:

Điều 625 và Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lập di chúc và chỉ định người được nhận di sản là quyền của người có tài sản. Bộ luật Dân sự 2015 cũng không cấm người Việt Nam được lập di chúc để lại tài sản của mình cho người nước ngoài.

Do vậy, bạn có thể lập di chúc cho người nước ngoài hưởng thừa kế tài sản của mình.

Điều cần chú ý là di chúc bạn lập phải đảm bảo các điều kiện để hơp pháp quy định tại Điều 630 của Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực;

- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện về nội dung, hình thức nêu trên. Và người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép;

Đây là những điều kiện buộc phải đáp ứng nếu bạn muốn di chúc của mình lập có giá trị pháp luật.

Nội dung chủ yếu cần có trong di chúc:

Ngoài các điều kiện về hình thức, pháp luật cũng quy định về một số nội dung chủ yếu của di chúc tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Ngày, tháng, năm lập di chúc;

- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

- Họ, tên người được hưởng di sản: thường thông tin này được ghi theo giấy tờ tùy thân của họ (ví dụ hộ chiếu, căn cước công dân hoặc giấy khai sinh).

- Di sản để lại và nơi có di sản: nếu tài sản là đất đai, nhà cửa thì bạn nên nêu rõ các thông tin theo Giấy chứng nhận đã được cấp. Các tài sản khác không có giấy chứng nhận thì nên mô tả kỹ kích thước, hình dáng, công dụng, địa chỉ nơi nó đang lưu trữ.

Đây là các nội dung mà bản di chúc nào cũng cần phải có. Bạn cần lưu ý để không bị bỏ sót các nội dung này trong bản di chúc của mình.

Mặc dù được để lại di sản cho người nước ngoài, tuy nhiên, bạn cần nhớ, theo khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013, người nước ngoài là đối tượng không được đứng tên trên Giấy chứng nhận cấp cho tài sản là nhà đất nhưng được quyền chuyển nhượng hoặc tặng cho tài sản thừa kế cho người khác.

Vì vậy, pháp luật không cấm bạn lập di chúc cho người nước ngoài nhận thừa kế tài sản của mình. Di chúc bạn lập cần phải đảm bảo các điều kiện đã nêu ở trên. Người được nhận tài sản thừa kế là người nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận nhưng được phép chuyển nhượng hoặc tặng cho người khác.

lap di chuc cho nguoi nuoc ngoai

Có nhiều hình thức của di chúc (Ảnh minh họa)

Muốn cho người nước ngoài hưởng thừa kế, công chứng di chúc ở đâu?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có một thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận. Hiện tại, tôi muốn lập di chúc có công chứng nhằm mục đích để lại tài sản này cho một người cháu mang quốc tịch Hàn Quốc của mình thì có được không? Tôi phải thực hiện thủ tục này ở đâu. Xin chân thành cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Với thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Bộ luật Dân sự 2015 cho phép người Việt Nam được lập di chúc cho người nước ngoài nhận tài sản của mình theo quy định tại điều 625, Điều 626. Di chúc này có thể được lập dưới nhiều hình thức khác nhau.

Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc có công chứng là một trong những hình thức mà người lập di chúc có thể lựa chọn. Việc công chứng di chúc được thực hiện tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng có thẩm quyền.

Thủ tục công chứng di chúc phải đảm bảo các quy định tại Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 56 Luật Công chứng 2014 như sau:

- Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác thực hiện yêu cầu này;

- Người lập di chúc phải tuyên bố nội dung di chúc trước mặt công chứng viên. Công chứng viên ghi chép lại nội dung di chúc mà người lập đã tuyên bố;

- Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc đã được công chứng viên ghi chép lại. Người lập di chúc chỉ ký, điểm chỉ sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình;

- Công chứng viên là người cuối cùng vào bản di chúc;

Đặc biệt lưu ý, công chứng viên có quyền từ chối công chứng di chúc đã lập nếu bạn không làm rõ được các vấn đề nghi ngờ sau của công chứng viên:

- Nghi ngờ bạn bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;

- Hoặc nghi ngờ bạn bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép khi lập di chúc;

Vậy nên, công chứng di chúc là thủ tục được thực hiện tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng (đây là hai tổ chức hành nghề công chứng được thành lập, hoạt động theo Luật công chứng 2014. Phòng công chứng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập dựa trên đề nghị của Sở Tư pháp, còn văn phòng công chứng được thành lập dựa trên đề nghị của các công chứng viên của văn phòng đó).

Chú ý tránh các trường hợp có thể bị công chứng viên từ chối thực hiện công chứng di chúc của mình.

Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị giấy tờ về nhân thân, tài sản của mình, giấy tờ tùy thân của người được hưởng tài sản khi yêu cầu công chứng viên công chứng di chúc cho mình. Bạn cũng có thể đề nghị văn phòng công chứng thực hiện lưu giữ di chúc cho mình theo trình tự được quy định tại Điều 60 luật Công chứng 2014.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về lập di chúc cho người nước ngoài, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ

>> Không có tên trong di chúc có được hưởng thừa kế không?

>> Có phải giám định y khoa khi lập di chúc không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X