hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 10/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lập di chúc có cần công chứng không?

Di chúc là văn bản thể hiện mong muốn của cá nhân về cách phân chia tài sản cá nhân đó có được sau khi chết. Nhiều người chọn lập di chúc tại văn phòng công chứng nhưng điều này có thật sự cần thiết?

Mục lục bài viết
  • Lập di chúc có cần công chứng không?
  • Thủ tục công chứng di chúc thực hiện thế nào?
  • Di chúc bằng tiếng dân tộc có phải công chứng không?
  • Di chúc có phải là chứng cứ không?

Lập di chúc có cần công chứng không?

Câu hỏi: Tôi năm nay 80 tuổi, muốn lập di chúc thì có cần công chứng không?

Chào bác. Căn cứ Điều 628, Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc di chúc miệng.

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản có công chứng;

- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Như vậy, ngoài di chúc công chứng thì các loại di chúc khác như di chúc chứng thực, di chúc có hoặc không có người làm chứng, thậm chí di chúc miệng vẫn được pháp luật công nhận.

Nghĩa là di chúc có thể không cần công chứng vẫn có hiệu lực miễn đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 630 Bộ luật Dân sự, di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Dù không bắt buộc nhưng nếu bác muốn di chúc có tính pháp lý cao nhất thì nên lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng. Bởi công chứng còn có thể giúp bác chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của bản di chúc, tránh sau này gặp rủi ro.

Tuy nhên, Điều 630 Bộ luật Dân sự quy định di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Nghĩa là di chúc có công chứng hoặc chứng thực là bắt buộc đối với 02 đối tượng sau:

- Người không biết chữ;

- Người hạn chế về thể chất.
lap di chuc co can cong chung khong
Việc lập di chúc có công chứng là bắt buộc trong một số trường hợp (Ảnh minh họa)

Thủ tục công chứng di chúc thực hiện thế nào?

Câu hỏi: Tôi đang muốn công chứng di chúc thì cần mang giấy tờ gì? Tôi soạn sẵn được không hay phải đến đó họ soạn cho mình?

Trước tiên, có thể khẳng định không bắt buộc phải nhờ văn phòng công chứng soạn sẵn di chúc bởi Luật Công chứng hiện nay cho phép công chứng viên công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn.  Vì thế, bạn có thể mang di chúc có sẵn đi công chứng. Tuy nhiên, nếu trong dự thảo di chúc có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của di chúc không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên sẽ có trách nhiệm chỉ rõ cho bạn để sửa chữa. Trường hợp không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Để công chứng di chúc có sẵn, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau và mang đến Phòng/Văn phòng công chứng (hoặc có thể yêu cầu công chứng tại nhà):

- Phiếu yêu cầu công chứng trong đó điền đủ các thông tin theo yêu cầu của Phiếu;

- Bản sao giấy tờ cá nhân của người yêu cầu công chứng như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của người yêu cầu công chứng (không được ủy quyền công chứng);

- Bản di chúc dự thảo;

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản để lại thừa kế: sổ đỏ, hợp đồng mua bán nhà đất, giấy tờ xe,…

Các giấy tờ trên không phải chứng thực, chỉ cần nộp bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu.

Sau khi bạn nộp đầy đủ hồ sơ, yêu cầu, công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.

Sau khi thụ lý, công chứng viên có trách nhiệm giải thích cho bạn hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của di chúc.

Nếu hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc lập di chúc có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của bạn hoặc đối tượng của di chúc chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên có thể đề nghị làm rõ hoặc theo tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định nếu bạn đề nghị.

Sau khi đầy đủ giấy tờ hợp lệ, công chứng viên kiểm tra dự thảo di chúc và xác nhận di chúc hợp pháp thì bạn cần tự đọc lại dự thảo di chúc hoặc yêu cầu công chứng viên đọc. Nếu bạn đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo di chúc thì ký vào từng trang của di chúc, đồng thời, xuất trình bản chính của các giấy tờ để đối chiếu trước khi công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của di chúc.

Cuối cùng, công chứng viên sẽ trả kết quả công chứng trong không quá 02 ngày làm việc (tối đa 10 ngày làm việc nếu có nội dung phức tạp).

Theo Quyết định 1024/QĐ-BTP và Thông tư 257/2016/TT-BTC, phí công chứng di chúc tại tổ chức công chứng là 50.000 đồng/di chúc. Mức thu phí nhận lưu giữ di chúc là 100.000 đồng/trường hợp.

Riêng thù lao công chứng di chúc sẽ do các tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Di chúc bằng tiếng dân tộc có phải công chứng không?

Câu hỏi: Tôi muốn lập di chúc bằng tiếng dân tộc Mường mình có cần công chứng không?

Trước đây, Điều 649 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, di chúc được lập thành văn bản và người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 đã không còn quy định này nữa. Theo đó, pháp luật chỉ quy định di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc di chúc miệng mà không giới hạn về chữ viết và ngôn ngữ.

Do vậy, bạn hoàn toàn có thể được lập di chúc bằng tiếng dân tộc mình.

Tuy nhiên, nếu muốn công chứng, chứng thực bản di chúc thì phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt bởi Điều 6 Luật Công chứng 2014, tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt.

Di chúc có phải là chứng cứ không?

Câu hỏi: Xin hỏi di chúc ra trước Tòa có được coi là chứng cứ trong tranh chấp dân sự không?

Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

2. Vật chứng.

3. Lời khai của đương sự.

4. Lời khai của người làm chứng.

5. Kết luận giám định.

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

9. Văn bản công chứng, chứng thực.

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Như vậy, di chúc có công chứng, chứng thực chắc chắn được coi là chứng cứ.
Trên đây là giải đáp lập di chúc có cần công chứng không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Điều kiện để di chúc có hiệu lực thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X