hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 01/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lập di chúc khi tài sản đang thế chấp tại ngân hàng được không?

Lập di chúc là quyền của người có tài sản. Hiện nay, nhiều người muốn lập di chúc nhưng lại có vướng mắc là tài sản đang thế chấp tại ngân hàng. Vậy, pháp luật có cho phép việc lập di chúc khi tài sản vẫn đang được thế chấp hay không?

Có lập được di chúc khi tài sản đang thế chấp tại ngân hàng không?

Câu hỏi: Chào Luật sư. Tôi có một chiếc ô tô đang thế chấp tại ngân hàng. Nay tôi muốn lập di chúc (bằng văn bản) cho con trai tôi thì có được không? Xin cảm ơn

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp như sau:

Trước hết, pháp luật dân sự hiện hành không có quy định cấm việc lập di chúc đối với tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng (tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ vay).

Thêm vào đó, những người được nhận tài sản từ di chúc phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại (khoản 1 Điều 637 Bộ luật Dân sự 2015); và nếu trường hợp tài sản thế chấp đã bị xử lý theo quy định pháp luật cho khoản vay thì di chúc đã lập vô hiệu do tài sản không còn tại thời điểm mở thừa kế (khoản 1 Điều 667 Bộ luật Dân sự 2015).

Điều này cho thấy, việc lập di chúc của người có tài sản khi tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng là quyền của người lập di chúc. Do vậy, bạn có quyền lập di chúc cho con của mình chiếc ô tô đang thế chấp tại ngân hàng.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn muốn lập di chúc bằng văn bản. Theo quy định tại Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc bằng văn bản mà bạn có thể lựa chọn là:

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản có công chứng/chứng thực.

Đồng thời, di chúc bạn lập cũng phải tuân thủ các điều kiện để được hợp pháp theo quy định pháp luật.

Xem thêm: Hướng dẫn lập di chúc hợp pháp

Như vậy, bạn có thể lựa chọn một trong những hình thức di chúc bằng văn bản mà chúng tôi đã nêu ở trên. Khi lập di chúc, bạn lưu ý cần đảm bảo di chúc có một số nội dung chủ yếu được quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

- Ngày, tháng, năm lập di chúc;

- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

- Di sản để lại và nơi có di sản: Mô tả các thông tin về chiếc xe ô tô theo giấy chứng nhận đăng ký xe được cấp như loại xe, nhãn hiệu, màu sơn, số khung, số máy, số đăng ký, nơi cấp, ngày cấp, chủ sở hữu, biển số, số loại...

Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Hiện nay, nhiều người lựa chọn việc lập di chúc bằng văn bản có công chứng khi tài sản đang thế chấp tại ngân hàng vì sự nhanh chóng, thuận tiện, chuẩn xác. Theo quy định của Luật Công chứng 2014 về thủ tục công chứng di chúc thì công chứng viên phải kiểm tra, đối chiếu giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản và các thông tin về nhân thân. Mà giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe ô tô của bạn đang do ngân hàng giữ. Nếu không được ngân hàng đồng ý xuất trình giấy tờ bản gốc này thì công chứng viên sẽ không thể đối chiếu, kiểm tra tính hợp pháp của tài sản và công chứng viên sẽ không đồng ý ký công chứng di chúc cho bạn.

Do đó, trên thực tế, để đảm bảo việc công chứng di chúc được thực hiện đúng pháp luật, bạn cần phải gửi thông báo tới ngân hàng nơi đang nhận thế chấp tài sản của bạn về việc bạn sẽ lập di chúc và đề nghị ngân hàng xác nhận giấy tờ xe đang được ngân hàng giữ là bản chính duy nhất và đề nghị được xuất trình giấy tờ gốc cho công chứng viên kiểm tra, đối chiếu. Khi có được văn bản trả lời của ngân hàng về việc đồng ý xuất trình giấy tờ gốc và không có ý kiến nào khác về việc bạn lập di chúc đối với tài sản là chiếc ô tô đang thế chấp tại ngân hàng thì công chứng viên sẽ thực hiện công chức di chúc cho bạn.

Ngoài di chúc có công chứng, nhiều người lựa chọn lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng do dễ thực hiện, đơn giản. Đây là hình thức di chúc yêu cầu bạn phải tự mình viết, không được nhờ người khác viết thay, nội dung di chúc vẫn phải đảm bảo các quy định pháp luật. Ngoài ra, khi viết xong di chúc bạn phải ký tên vào bản di chúc mình đã viết (Điều 633 Bộ luật Dân sự 2015).

Lúc này, bạn không cần phải đề nghị ngân hàng xuất trình bản gốc giấy tờ xe, cũng không cần phải đề nghị ngân hàng phải xác nhận đang giữ giấy đăng ký xe bản gốc của mình mà vẫn có thể lập được di chúc đúng quy định pháp luật.

Kết luận: Pháp luật không cấm việc lập di chúc đối với tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng. Do đó, bạn có thể thực hiện lập di chúc để lại chiếc ô tô đang là tài sản bảo đảm tại ngân hàng cho con của bạn.

lap di chuc khi tai san dang the chap

Cách lập di chúc bằng văn bản có công chứng thế nào? (Ảnh minh họa)


Khai nhận di sản đang thế chấp tại ngân hàng thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được hỗ trợ như sau: Mẹ tôi có thửa đất đã được cấp sổ đỏ. Khi mẹ tôi mất thì sổ đỏ vẫn đang thế chấp tại ngân hàng. Vậy, gia đình tôi muốn thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế mà mẹ tôi để lại trong khi sổ đỏ vẫn đang thế chấp tại ngân hàng thì có được không? Mong Luật sư hướng dẫn.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Khai nhận di sản là một trong những bước cần thực hiện để người thừa kế được nhận tài sản hợp pháp từ người để lại tài sản. Khai nhận di sản được thực hiện trong trường hợp chỉ có duy nhất một người được thừa kế theo pháp luật, hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật thỏa thuận không phân chia di sản (Điều 58 Luật Công chứng 2014).

Để được công chứng văn bản khai nhận di sản mẹ bạn để lại thì gia đình bạn cần xuất trình bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mà hiện tại, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được ngân hàng giữ, do đó, bạn không thể có Giấy chứng nhận bản gốc của thửa đất để cung cấp cho công chứng viên đối chiếu, kiểm tra. Vì vậy, để có thể khai nhận được di sản đang thế chấp tại ngân hàng, gia đình bạn cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp (giải chấp)

Lúc này, gia đình bạn cần thực hiện thanh toán khoản vay đang được bảo đảm bằng quyền sử dụng thửa đất mà mẹ bạn để lại. Sau khi đã thanh toán xong khoản vay, gia đình bạn thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp tại cơ quan có thẩm quyền (văn phòng đăng ký đất đai/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai).

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ công chứng

Hồ sơ cần chuẩn bị để công chứng văn bản khai nhận di sản gồm:

- Giấy chứng tử của mẹ bạn;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) đã được xóa đăng ký thế chấp;

- Giấy tờ tùy thân của những người yêu cầu công chứng;

- Giấy khai sinh của các con;

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú;

- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu do văn phòng công chứng/phòng công chứng lập;

- Các giấy tờ khác nếu công chứng viên đề nghị.

Bước 3: Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế

Theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng 2014, Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP, công chứng viên thực hiện các công việc sau:

- Niêm yết văn bản thông báo về việc khai nhận di sản thừa kế của gia đình bạn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mẹ bạn cư trú cuối cùng trước khi chết và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất trong thời hạn 15 ngày. Sau thời hạn 15 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận việc niêm yết thông báo khai nhận di sản.

- Công chứng viên thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản sau khi đã nhận được xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thông báo niêm yết.

Bước 4: Trả kết quả

Gia đình bạn nhận kết quả là văn bản khai nhận di sản thừa kế đã có công chứng và thực hiện thủ tục đăng ký biến động/sang tên quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền (văn phòng đăng ký đất đai/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai).

Kết luận: Việc khai nhận di sản thừa kế mà tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng thì gia đình bạn cần thanh toán khoản vay, xóa đăng ký thế chấp trước khi tới văn phòng công chứng/phòng công chứng để thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về lập di chúc khi tài sản đang thế chấp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Lập di chúc truất quyền thừa kế của con được không?

>> Di chúc viết tay không có người làm chứng có giá trị không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X