hieuluat
Chia sẻ email

Nên lập di chúc ở đâu để đảm bảo di chúc hợp pháp?

Nếu có nhu cầu lập di chúc, người dân có thể tự do lựa chọn nơi lập di chúc. Tuy nhiên, một số địa điểm lập di chúc có thể đảm bảo tính pháp lý của di chúc.

Mục lục bài viết
  • Lập di chúc tại văn phòng/phòng công chứng
  • Lập di chúc tại Ủy ban nhân dân cấp xã
  • Lập di chúc tại nhà
Câu hỏi: Tôi muốn lập di chúc thì nên lập ở đâu để đảm bảo tính pháp lý?

Chào bạn. Hiện nay, pháp luật không có quy định người để lại di sản phải lập di chúc ở đâu mới có giá trị. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý của di chúc, bạn có thể lựa chọn nơi lập di chúc theo thứ tự sau đây:

(Giả sử bạn là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nội dung di chúc không trái quy định của pháp luật, thời điểm lập di chúc minh mẫn, sáng suốt).

Lập di chúc tại văn phòng/phòng công chứng

Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Trong khi đó, văn phòng công chứng là công ty hợp danh, có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên.

Bạn có thể lựa chọn phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng để lập di chúc.

Theo Luật Công chứng 2014, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản. Vì thế, nếu bạn lập di chúc tại văn phòng công chứng sẽ đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của bản di chúc. Vì thế, phòng công chứng được coi là nơi lập di chúc "lý tưởng".

Để lập di chúc tại văn phòng công chứng, người yêu cầu công chứng hoàn thiện hồ sơ (có thể lập sẵn di chúc hoặc đề nghị tổ chức hành nghề công chứng soạn) và nộp trực tiếp tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng) theo thời gian quy định (thông thường từ thứ hai đến thứ sáu làm việc buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút và sáng thứ bảy làm việc từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút).

Hồ sơ gồm có:

+ Phiếu yêu cầu công chứng;

+ Bản sao giấy tờ tùy thân của người lập di chúc;

+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng;

+ Bản sao giấy tờ chứng minh về tình trạng tài sản chung/riêng...

Sau khi nộp hồ sơ, bộ phận tiếp nhận chuyển hồ sơ cho Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng.

Công chứng viên cần soạn thảo di chúc hoặc kiểm tra di chúc có sẵn:

+ Trường hợp di chúc đã được người yêu cầu công chứng soạn thảo sẵn: Công chứng viên kiểm tra dự thảo di chúc, nếu có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, nội dung của văn bản không phù hợp quy định của pháp luật, Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng;

+ Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng thì nội dung yêu cầu phải xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Công chứng viên soạn thảo giao dịch;

+ Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo di chúc hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng. Trường hợp người yêu cầu công chứng có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Công chứng viên xem xét và thực hiện việc sửa đổi, bổ sung ngay trong ngày hoặc hẹn lại;

+ Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong dự thảo Di chúc, Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của Di chúc.

Cuối cùng, Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo quy định để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của di chúc và chuyển bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng.

Xem thêm: Thủ tục công chứng di chúc thực hiện thế nào? Chi phí ra sao?

lap di chuc o dau
Nên lập di chúc ở đâu để đảm bảo di chúc hợp pháp? (Ảnh minh họa)

Lập di chúc tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Nếu không có điều kiện lập di chúc tại phòng công chứng, bạn cũng có thể lập di chúc tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ như sau:

- Dự thảo di chúc;

- Bản sao giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân...) còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực (xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu);

- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp di chúc liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng (xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu).

Cá nhân, tổ chức là người yêu cầu chứng thực nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Lưu ý: Bạn phải ký trước mặt cán bộ thực hiện chứng thực, nếu di chúc có từ 02 trang trở lên thì phải ký vào từng trang. Trường hợp nộp hồ sơ tại bộ phận 01 cửa, 01 cửa liên thông thì phải ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ.

Nếu không ký được thì phải điểm chỉ. Nếu người yêu cầu chứng thực không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 người làm chứng (do người yêu cầu chứng thực bố trí hoặc đề nghị cơ quan thực hiện chứng thực chỉ định người làm chứng). Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến giao dịch.

Sau khi ký hoặc điểm chỉ, người thực hiện chứng thực (hoặc người tiếp nhận hồ sơ) ghi lời chứng theo mẫu quy định. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận 01 cửa, 01 cửa liên thông thì người tiếp nhận hồ sơ ký vào từng trang của di chúc và ký vào dưới lời chứng theo mẫu quy định.

Người thực hiện chứng thực ký vào từng trang của di chúc, ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với di chúc có từ 02 trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của di chúc. Trường hợp di chúc có từ 02 tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Lập di chúc tại nhà

Nếu không thể lập di chúc tại văn phòng/phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã thì bạn cũng có thể lập di chúc tại nhà.

- Nếu lập di chúc tại nhà không có người làm chứng: Bạn phải tự viết và ký vào bản di chúc.

- Nếu lập di chúc tại nhà có người làm chứng: Phải có 02 người làm chứng, người lập di chúc có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc. Ngoài ra, người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.

Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

- Ngoài ra, bạn cũng có thể công chứng tại nhà nhưng vẫn công chứng được di chúc nếu bạn là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. (Điều 44 Luật Công chứng).

Trên đây là giải đáp thắc mắc nên lập di chúc ở đâu để đảm bảo di chúc hợp pháp? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Làm sao để di chúc không công chứng, chứng thực được xem là hợp pháp?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X