Di chúc thể hiện nguyện vọng, ý chí của cá nhân trước khi chết. Nhiều người muốn lập di chúc tại phòng công chứng nhưng lại băn khoăn về trình tự, thủ tục thực hiện. Vậy, họ cần làm gì khi muốn công chứng di chúc tại phòng công chứng?
Thủ tục lập di chúc tại phòng công chứng
Câu hỏi: Xin chào Luật sư. Tôi muốn lập di chúc tại phòng công chứng nhưng không biết thủ tục thực hiện như thế nào. Mong Luật sư giải đáp cho tôi. Trân trọng cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn về cho chúng tôi. Với thông tin bạn cung cấp và quy định pháp luật, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Di chúc bằng văn bản có công chứng (hay thường được hiểu là di chúc có công chứng) là một trong những hình thức của di chúc được Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 628.
Việc lập di chúc này có thể được thực hiện tại phòng công chứng (là đơn vị thuộc Sở Tư pháp, là một trong hai tổ chức hành nghề công chứng được thành lập, hoạt động theo Luật Công chứng 2014).Khi lập di chúc tại phòng công chứng cần tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 56 Luật Công chứng 2014 và Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:
- Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác;
- Người lập di chúc phải tuyên bố nội dung di chúc trước mặt công chứng viên. Công chứng viên ghi chép lại nội dung di chúc mà người lập đã tuyên bố;
- Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc đã được công chứng viên ghi chép lại. Người lập di chúc chỉ ký, điểm chỉ sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình;
- Công chứng viên ký vào di chúc sau khi người lập di chúc đã ký, điểm chỉ vào bản di chúc;
Khi thực hiện yêu cầu công chứng di chúc, bạn cần chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014 gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng: mẫu do phòng công chứng nơi bạn yêu cầu công chứng di chúc lập. Bạn có thể liên hệ trước với phòng công chứng để được cung cấp mẫu.Thường phiếu yêu cầu công chứng có các thông tin về: họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên phòng công chứng…
- Căn cước công dân/chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bạn. Giấy tờ tùy thân của người nhận tài sản (nếu có);
- Dự thảo di chúc của bạn;
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, sở hữu tài sản. Ví dụ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký xe ô tô,..
- Các giấy tờ khác theo yêu cầu của công chứng viên (nếu có);
Cần phải lưu ý, công chứng viên có quyền từ chối công chứng di chúc cho bạn nếu bạn không làm rõ được các nghi ngờ sau của họ:
- Nghi ngờ bạn bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
- Hoặc nghi ngờ bạn bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép khi lập di chúc;
Từ các căn cứ pháp luật nêu trên, khi bạn công chứng di chúc tại phòng công chứng thì cần phải tuân thủ theo trình tự được Bộ luật Dân sự 2015, Luật Công chứng 2014 quy định.
Bạn cũng cần chuẩn bị đủ hồ sơ để tránh trường hợp phải bổ sung dẫn đến tốn thời gian, công sức. Nên lưu ý đến các trường hợp có thể bị công chứng viên nghi ngờ, từ chối công chứng di chúc.
Công chứng di chúc tại nhà được không?
Câu hỏi: Chào anh chị. Tôi có vấn đề xin được giải đáp như sau: Bà tôi năm nay 80 tuổi, đi lại khó khăn do bị bênh khớp. Bà muốn mời công chứng viên về nhà để công chứng di chúc của mình thì có được không? Xin cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Di chúc thể hiện nguyện vọng, ý chí của cá nhân trong việc chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi mất. Di chúc có thể được lập dưới nhiều hình thức khác nhau, một trong số đó là di chúc có công chứng (Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015).
Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định một số lý do cho phép việc công chứng có thể thực hiện ngoài trụ sở văn phòng như sau:
- Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được;
- Hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng;
Bà bạn năm nay 80 tuổi là người già yếu, lại gặp khó khăn trong việc di chuyển là trường hợp có thể đề nghị công chứng ngoài trụ sở theo quy định nêu trên. Do đó, gia đình bạn có thể mời công chứng viên về nhà để thực hiện công chứng di chúc cho bà.
Để việc công chứng di chúc diễn ra thuận lợi, tiết kiệm thời gian, bạn cũng có thể giúp bà của mình chuẩn bị trước một số giấy tờ được quy định tại Điều 40 Luật Công chứng 2014 như sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng: mẫu do văn phòng công chứng/phòng công chứng cung cấp;
Thường trong đó bao gồm thông tin về: họ tên, địa chỉ của người yêu cầu công chứng, giấy tờ về tài sản, tên văn phòng công chứng/phòng công chứng thực hiện công việc…
- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân của bà bạn;
- Giấy tờ tùy thân của người được nhận tài sản theo di chúc (nên có);
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, sở hữu tài sản: ví dụ sổ đỏ, giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô…
- Dự thảo di chúc bà bạn đã lập;
- Giấy tờ khác nếu công chứng viên đề nghị (nếu có);Mặt khác, nhằm tránh trường hợp nội dung di chúc không đầy đủ thông tin thì bạn cũng có thể tư vấn, giải thích cho bà được biết quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, nội dung chủ yếu của di chúc bao gồm:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản;
Vì vậy, việc mời công chứng viên tới nhà để lập di chúc có công chứng cho bà bạn là có thể thực hiện được. Để việc lập di chúc có công chứng diễn ra thuận lợi, gia đình bạn cũng nên giúp bà chuẩn bị một số giấy tờ cần thiết nêu trên và giải thích để bà được biết một số nội dung chủ yếu cần phải có trong bản di chúc.
Di chúc có thể được lập bằng nhiều hình thức khác nhau (Ảnh minh họa)
Soạn sẵn di chúc để đi công chứng được không?
Câu hỏi: Chào Luật sư. Tôi hiện đang muốn công chứng di chúc để lại tài sản là chiếc ô tô của mình cho con. Tôi muốn hỏi là, nếu tôi viết sẵn di chúc, sau đó mang ra văn phòng công chứng để đề nghị công chứng viên công chứng cho tôi thì có được không? Xin chân thành cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với thông tin bạn cung cấp và căn cứ pháp luật hiện hành, chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau:
Pháp luật dân sự hiện hành cho phép bạn được lựa chọn rất nhiều hình thức của di chúc, một trong số đó là di chúc bằng văn bản có công chứng (căn cứ Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015).
Trước tiên, để công chứng được di chúc soạn sẵn thì bản di chúc của bạn cần đảm bảo có các nội dung chủ yếu được Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 631:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người được hưởng di sản: thường thông tin này được ghi theo giấy tờ tùy thân của họ (ví dụ hộ chiếu, căn cước công dân hoặc giấy khai sinh).
- Di sản để lại và nơi có di sản: nếu tài sản là đất đai, nhà cửa thì bạn nên nêu rõ các thông tin theo Giấy chứng nhận đã được cấp. Các tài sản khác (tài sản không phải đăng ký) thì nên mô tả kỹ kích thước, hình dáng, công dụng, địa chỉ nơi nó đang lưu trữ.
- Ngoài các nội dung chủ yếu trên, bạn có thể có thêm các điều khoản khác trong di chúc, chỉ cần đảm bảo các điều khoản đó không không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015).
Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì bạn hoặc người làm chứng di chúc của bạn phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.Trong thời điểm soạn di chúc, bạn cần phải minh mẫn, sáng suốt, không chịu sự lừa dối, đe doạ, cưỡng ép từ bất kỳ cá nhân, tố chức, cơ quan nào để bản di chúc mình soạn pháp luật công nhận là hợp pháp (khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015). Và nếu bạn không đủ minh mẫn, sáng suốt, hay không tự nguyện thì công chứng viên có thể từ chối công chứng di chúc của bạn theo khoản 2 Điều 56 Luật Công chứng 2014 bởi họ nghi ngờ:
- Bạn bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
- Hoặc nghi ngờ bạn bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép khi lập di chúc;
Như vậy, trước khi yêu cầu công chứng di chúc soạn sẵn, bạn phải tự mình đảm bảo bản di chúc soạn sẵn có nội dung thỏa mãn như quy định nêu trên. Và trong khi soạn di chúc bạn hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
Khi yêu cầu công chứng, bạn phải chuẩn bị hồ sơ công chứng theo khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014:- Bản di chúc soạn sẵn của bạn;
- Phiếu yêu cầu công chứng: mẫu do phòng công chứng lập;
Thường phiếu yêu cầu công chứng có các thông tin về: họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên phòng công chứng…- Căn cước công dân/chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bạn. Giấy tờ tùy thân của người nhận tài sản (nếu có);
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, sở hữu tài sản: ví dụ như đăng ký xe ô tô, sổ đỏ/sổ hồng/Giấy chứng nhận,...
- Các giấy tờ khác theo yêu cầu của công chứng viên (nếu có);
Sau khi công chứng viên tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng di chúc này của bạn, họ sẽ thực hiện công việc theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Luật Công chứng 2014:…
6. Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
…
Trường hợp công chứng viên nhận thấy hồ sơ yêu cầu công chứng đã hợp pháp, bản di chúc bạn soạn sẵn không cần sửa chữa gì thêm thì công chứng viên để bạn đọc lại toàn bộ nội dung di chúc, bạn cũng có thể đề nghị công chứng viên đọc lại cho mình.
Cuối cùng, công chứng viên sẽ hướng dẫn bạn ký/điểm chỉ vào từng trang của di chúc trước mặt công chứng viên (theo quy định tại Điều 48 Luật Công chứng 2014). Công chứng viên ký vào từng trang của di chúc và lập lời chứng cho di chúc của bạn sau khi xác nhận bạn đã ký/điểm chỉ.
Như vậy, từ các căn cứ nêu trên, pháp luật cho phép bạn soạn sẵn bản di chúc để công chứng. Và công chứng viên sẽ thực hiện công chứng cho bạn nếu bản di chúc soạn sẵn đảm bảo các điều kiện như đã trình bày ở trên.
Mẫu di chúc công chứng có những nội dung gì?
Câu hỏi: Xin chào anh chị. Tôi đang muốn soạn di chúc để đi công chứng mà không biết nên lựa chọn mẫu nào để thực hiện, mong anh chị có thể cho tôi mẫu tham khảo được không? Xin cảm ơn
Chào bạn, chúng tôi đã nhận được câu hỏi của bạn. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau:
Hiện nay, pháp luật chưa ban hành mẫu di chúc chung mà có quy định di chúc thì cần có các nội dung chủ yếu theo Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể gồm có:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản.
- Ngoài các nội dung cơ bản này thì di chúc có thể có các nội dung khác, chỉ cần đảm bảo nội dung đó không trái đạo đức, không vi phạm điều cấm của luật.
Vì chưa rõ tài sản của bạn bao gồm những gì, nên chúng tôi cung cấp cho bạn mẫu di chúc chung thường được sử dụng để bạn tham khảo như sau:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
DI CHÚC
Hôm nay, ngày ... tháng ..... năm ...., tại ..............................................................,
Tôi là: ........................................
Sinh ngày .... tháng .... năm ............
CMND/CCCD/Hộ chiếu số: ........................ do ........................... cấp ngày ....................
Hộ khẩu thường trú tại: ....................................................................................................
Nay, trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, không bị bất kỳ một sự lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép nào, tôi lập di chúc này để định đoạt như sau:
Tài sản của tôi gồm: (1)
1/ Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của tôi theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ................................... Số phát hành ..................... số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: ........................ do ............................... cấp ngày ......................
Thông tin cụ thể như sau:
* Thửa đất:
- Diện tích đất: ....... m2 (Bằng chữ: ........................ mét vuông)
- Địa chỉ thửa đất: ....................................................
- Thửa đất: ........... - Tờ bản đồ: .............
- Mục đích sử dụng: .....................
- Thời hạn sử dụng: .............................
- Nguồn gốc sử dụng: ......................................................
* Tài sản gắn liền với đất:
- Loại nhà: ……………...……; - Diện tích sàn: ……… m2
- Kết cấu nhà : .....................; - Số tầng : .............
- Thời hạn xây dựng: ............; - Năm hoàn thành xây dựng : ............
2/ Quyền sở hữu, sử dụng chiếc xe ô tô mang biển số …………. theo giấy đăng ký ô tô
số ……… do công an ………. cấp ngày …………… Đăng ký lần đầu ngày …………… mang tên ông/bà: …………………. Địa chỉ: ………………………………………….
Nhãn hiệu : ................................................
Số loại : .................................................
Loại xe : ................................................
Màu Sơn : ................................................
Số máy : ................................................
Số khung : ................................................
Số chỗ ngồi : ................................................
Năm sản xuất: ................................................
3/ Sổ Tiết kiệm có kỳ hạn số ……………. số tài khoản ………………… kỳ hạn …….. do Ngân hàng …………………., phát hành ngày …………….., ngày đến hạn ……………. mang tên …………… với số tiền là ……… VNĐ (Bằng chữ: …………..).
Sau khi tôi chết, di sản nêu trên của tôi được để lại cho: (2)
1/ Ông/bà: ........................................
Sinh ngày .... tháng .... năm ............
CMND/CCCD/Hộ chiếu số: ........................ do ........................... cấp ngày ....................
Hộ khẩu thường trú tại: ....................................................................................................
2/ Ông/bà: ........................................
Sinh ngày .... tháng .... năm ............
CMND/CCCD/Hộ chiếu số: ........................ do ........................... cấp ngày ....................
Hộ khẩu thường trú tại: ....................................................................................................
Ngoài ông/bà .................., tôi không để lại tài sản nêu trên của mình cho bất cứ ai khác.
Ý nguyện của tôi: ........................................................................
............................................................................................................................................
Sau khi tôi qua đời, (3) ........................... được toàn quyền làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để được đứng tên số tài sản nói trên theo bản di chúc này.
Di chúc này được tự tay tôi viết, thể hiện đầy đủ, dứt khoát ý chí của tôi, được lập thành (4) .... (...) bản, mỗi bản gồm ... (...) trang.... (...) tờ.
NGƯỜI LẬP DI CHÚC
Chú thích:
(1) Liệt kê đầy đủ thông tin về các tài sản gồm bất động sản và động sản kèm theo thông tin về các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của các tài sản trên.
(2) Liệt kê chi tiết về thông tin nhân thân của người được hưởng di sản thừa kế
(3) Người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc.
(4) Viết bằng số và bằng chữ.Cần lưu ý:
- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.- Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Để di chúc bạn lập hợp pháp thì bạn cũng cần soạn nó trong trạng thái minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015). Sau khi lập xong, bạn có thể giữ nguyên là di chúc bằng văn bản hoặc bạn có thể công chứng/chứng thực di chúc nếu thấy cần thiết.Xem thêm: Thủ tục công chứng di chúc
Kết luận, di chúc công chứng có các nội dung chủ yếu được nêu trên. Khi lập di chúc bằng văn bản, bạn có thể tham khảo mẫu chúng tôi đã trình bày.
Đồng thời, bạn cũng phải đảm bảo việc lập di chúc của mình được thực hiện trong trạng thái sức khỏe bình thường, không bị đe dọa, cưỡng ép hay lừa dối. Di chúc sau khi lập có thể được công chứng/chứng thực theo nhu cầu của bạn; hoặc cũng có thể giữ nguyên là di chúc bằng văn bản.Trên đây là giải đáp thắc mắc về lập di chúc tại phòng công chứng, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ
>> Lập di chúc cho người nước ngoài hưởng tài sản thừa kế thì có được không?