Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn tới chúng tôi, vấn đề chi phí lập vi bằng này chúng tôi tư vấn như sau:
Lập vi bằng hết bao nhiêu tiền?
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản liên quan về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại không có quy định cụ thể lập vi bằng hết bao nhiêu tiền.
Điều 64 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP chỉ quy định chi phí lập vi bằng do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc. Đồng thời Văn phòng Thừa phát lại phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng trong đó có xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu cũng như nguyên tắc tính.
Có thể thấy, việc lập vi bằng hết bao nhiêu tiền sẽ dựa trên chi phí được niêm yết công khai tại từng Văn phòng, sau đó tùy thuộc vào từng nội dung công việc cụ thể cũng như thời gian lập vi bằng mà chi phí sẽ dao động trong mức phí mà Thừa phát lại đã niêm yết.
Về nội dung công việc, chi phí lập vi bằng không phụ thuộc vào giá trị tài sản giống như dịch vụ công chứng, tuy nhiên tùy từng sự kiện, hành vi sẽ có tính chất phức tạp khác nhau nên chi phí lập vi bằng cũng khác nhau. Ngoài ra đối với các sự kiện, hành vi cần phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ riêng như ghi hình, đo đạc hay cần các công cụ hỗ trợ khác khiến chi phí lập vi bằng tăng lên.
Về thời gian lập vi bằng, việc lập vi bằng trong giờ làm việc của Văn phòng Thừa phát lại và lập vi bằng ngoài giờ làm việc của Văn phòng Thừa phát lại cũng ảnh hưởng tới chi phí lập vi bằng.
Ngoài hai yếu tố cơ bản nêu trên, một số chi phí phát sinh khác như chi phí đi lại hay chi phí cho người làm chứng cũng sẽ chi phí lập vi bằng thay đổi.
Người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại sẽ thỏa thuận mức phí này trước khi lập vi bằng và ghi cụ thể tại Hợp đồng dịch vụ lập vi bằng.
Hiện nay, chi phí lập vi bằng đối với các dịch vụ tại Văn phòng Thừa phát lại thường dao động trong khoảng từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Có được lập vi bằng tại nhà không?
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP không quy định bắt buộc người yêu cầu phải lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại mà người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại sẽ thỏa thuận về địa điểm lập vi bằng trước khi lập vi bằng và ghi cụ thể tại Hợp đồng dịch vụ lập vi bằng. Địa điểm lập vi bằng có thể tại nhà riêng của người yêu cầu hay nơi có tài sản,...
Do đó, bạn có thể thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại và lập vi bằng tại nhà riêng.
Thủ tục lập vi bằng đặt cọc mua bán đất đai theo quy định mới nhất
Thủ tục lập vi bằng đặt cọc đất đai gồm các bước cơ bản dưới đây:
Bước 1. Xác định yêu cầu lập vi bằng đặt cọc mua bán đất đai
Bạn sẽ đến Văn phòng Thừa phát lại, không bắt buộc tại địa phương bạn thường trú hay nơi có bất động sản bởi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định Thừa phát lại có quyền lập vi bằng trong phạm vi toàn quốc, yêu cầu lập vi bằng đặt cọc mua bán đất đai và điền thông tin vào phiếu yêu cầu lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại.
Bước 2. Ký hợp đồng dịch vụ lập vi bằng
Bạn và Văn phòng Thừa phát lại sẽ ký hợp đồng dịch vụ lập vi bằng, trong đó có thỏa thuận một số vấn đề liên quan đến nội dung yêu cầu lập vi bằng; chi phí lập vi bằng; thời gian và địa điểm lập vi bằng và các chi phí khác (nếu có).
Bước 3. Tiến hành lập vi bằng
Thừa phát lại sẽ lập vi bằng theo như thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ lập vi bằng đã ký kết và giao vi bằng cho bạn theo đúng thời gian đã thỏa thuận.
Bước 4. Đăng ký vi bằng
Kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, trong vòng 03 ngày làm việc, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng và các tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để đăng ký và kể từ ngày nhận được vi bằng, trong vòng 02 ngày làm việc, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề lập vi bằng hết bao nhiêu tiền? Có được lập vi bằng tại nhà không? Trường hợp bạn muốn tư vấn những vấn đề liên quan đến chi phí lập vi bằng hay các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ kịp thời.