hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 26/08/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lệ phí chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở là bao nhiêu?

Lệ phí chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở là bao nhiêu? Thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở như thế nào?... Xoay quanh vấn đề lệ phí, thủ tục để thực hiện chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở mà nhiều người quan tâm, chúng tôi giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có dự định thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm thành đất ở nhưng chưa rõ các lệ phí chuyển đổi mục đích này được tính toán thế nào? Cụ thể là bao nhiêu? Thủ tục để tôi có thể chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm thành đất ở được thực hiện như thế nào? Xin Luật sư giải đáp cụ thể cho tôi.

Chào bạn, liên quan đến lệ phí chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp chi tiết như sau:

Lệ phí chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở là bao nhiêu?

Thông thường, khi thực hiện thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở là việc người sử dụng đất kê khai, đóng nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ và các khoản chi phí hợp pháp khác khi được chuyển mục đích sử dụng đất.

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai 2013, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp) sang đất ở (đất phi nông nghiệp) phải được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các chi phí cụ thể khi thực hiện chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở bao gồm:

Thứ nhất, tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất

Căn cứ điểm a, điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm thành đất ở được tính toán như sau:

Trường hợp chuyển mục đích

Số tiền phải nộp

Ghi chú

- Từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở thành đất ở;

- Từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền;

- Chuyển mục đích do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng;

Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% (giá đất ở - giá đất nông nghiệp) x diện tích được chuyển mục đích

- Giá đất được xác định tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng;

- Giá đất tính tiền sử dụng đất là giá đất:

+ Tính theo bảng giá đất đối với phần diện tích đất được chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức;

+ Tính theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, thặng dư, chiết trừ, so sánh trực tiếp, thu thập.

Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thành đất ở

Tiền sử dụng đất phải nộp = (giá đất ở - giá đất nông nghiệp) x diện tích được chuyển mục đích

- Giá đất được xác định tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng;

- Giá đất tính tiền sử dụng đất là giá đất:

+ Tính theo bảng giá đất đối với phần diện tích đất được chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức;

+ Tính theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, thặng dư, chiết trừ, so sánh trực tiếp, thu thập.

Thứ hai, phí thẩm định hồ sơ

Khoản 11 Điều 2 Thông tư 85/2019/TT-BTC, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất là cơ quan có thẩm quyền quyết định chi phí này. Mức phí này có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ví dụ, phí thẩm định hồ sơ trong phạm vi thành phố Hà Nội được thực hiện theo Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND. Cụ thể, chi phí này được tính là 1000 đồng/1m2 và tối đa không quá 7,5 triệu đồng/1 hồ sơ.

Thứ ba, lệ phí cấp Giấy chứng nhận

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất là cấp có quyền quyết định mức thu cụ thể trong phạm vi từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC).

Khoản lệ phí này được thu trong trường hợp cấp lại, cấp mới, cấp đổi, xác nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Thứ tư, lệ phí trước bạ

Đây là khoản thu được thực hiện theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP và được thu trong trường hợp có sự thay đổi về người sử dụng đất.

Trên đây là các khoản chi phí hay còn được gọi là lệ phí chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở theo quy định pháp luật hiện hành.

le phi chuyen doi dat trong cay lau nam len dat o

Thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở thế nào?

Căn cứ quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm thành đất ở được thực hiện theo những bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất

Hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất gồm:

+ Đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất theo mẫu;

+ Bản gốc sổ đỏ đã cấp;

+ Giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở của người sử dụng đất nộp kèm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc chuyên môn

Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, xác minh trên thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và hướng dẫn người sử dụng đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Bước 3: Người sử dụng đất nộp thuế, phí, tiền sử dụng đất theo thông báo

Người sử dụng đất thực hiện đóng nộp các khoản thuế, phí, lệ phí sử dụng đất theo thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bước 4: Nhận kết quả

Sau khi đóng nộp thuế phí, lệ phí, người sử dụng đất nhận Giấy chứng nhận đã được đăng ký biến động hoặc được cấp đổi theo quy định.

Như vậy, thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm thành đất ở được thực hiện theo các bước như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Trên đây là giải đáp về lệ phí chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Trường hợp nào chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép?

>> Có bao nhiêu phương pháp định giá đất hiện nay?

Có thể bạn quan tâm

X