hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 10/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bị lừa đảo vay tiền qua app cần làm gì?

Lừa đảo app vay tiền, lừa đảo vay vốn tín chấp là thủ đoạn được các đối tượng lừa đảo sử dụng ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Làm sao phát hiện được hành vi lừa đảo này? Nếu bị lừa thì phải làm gì? Cùng giải đáp chi tiết tại nội dung bài viết sau của HieuLuat.

 
Mục lục bài viết
  • Vay tiền qua app đáng tin không? Bị lừa đảo app vay tiền, phải làm gì?
  • Thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua app phổ biến hiện nay là gì?
  • Bị lừa đảo vay tiền online, phải làm gì để lấy lại tiền?
  • Nhận diện tội phạm lừa đảo vay tín chấp thế nào? Xử lý tội phạm này ra sao?
  • Nhận diện tội phạm lừa đảo vay tiền bằng cmnd như thế nào?

Vay tiền qua app đáng tin không? Bị lừa đảo app vay tiền, phải làm gì?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, do tin vào những thông tin quảng cáo về việc vay tiền qua app trên mạng nên anh chị tôi đã mất hơn 100 triệu đồng để vay khoản tiền gần 300 triệu.

Điều đáng nói là, số tiền vay thì không thấy đâu nhưng số tiền mất thì đã rõ ràng.

Tôi có hỏi qua thì được biết, anh chị tôi thường xuyên phải nạp tiền vào tài khoản trực tuyến đã đăng ký với các lý do như lỗi thông tin, sai thông tin đăng ký, thiếu thông tin…

Thậm chí đến khi nhân viên báo rằng hợp đồng vay đã hoàn tất thì anh chị tôi cũng được yêu cầu nộp thêm tiền phí bảo hiểm cho khoản vay, phí xét duyệt hồ sơ vay,...

Tuy nhiên, sau khi nộp tiền xong thì anh chị tôi không thể liên hệ với người tự xưng là nhân viên tài chính, hỗ trợ giải ngân khoản vay cho mình.

Tới lúc này, anh chị tôi mới phát hiện ra mình đã bị lừa.

Tôi có một số vấn đề mong Luật sư giải đáp để gia đình tôi có phương án giải quyết phù hợp như sau:

Một là, việc vay vốn qua các app có đáng tin cậy không? Nếu vay qua các app mà tiền chưa nhận được thì người vay có phải trả khoản vay đó không?

Hai là, nếu như bị lừa đảo khi vay tiền qua app như vậy thì anh chị của tôi phải làm gì để lấy lại tiền của mình?

Chào bạn, cùng với sự phát triển của kinh tế thì sự phát triển của khoa học công nghệ cũng mang lại cho con người nhiều tiện ích, trong số đó là các hoạt động cho vay tài chính thông qua các ứng dụng/phần mềm (app).

Với vấn đề liên quan đến việc vay tiền qua app có đáng tin cậy không, nếu lỡ bị dính lừa đáp vay tiền qua app thì phải xử lý thế nào, chúng tôi giải đáp như sau:

Thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua app phổ biến hiện nay là gì?

Trước hết, vay tiền qua các app trực tuyến, các ứng dụng của các tổ chức tín dụng là phương thức cho vay tiền đang rất phổ biến hiện nay.

Một số đặc điểm cơ bản của hình thức cho vay này như sau:

  • Các app/ứng dụng cho vay tiền là sản phẩm của các tổ chức tín dụng, được cấp phép phát hành theo quy định pháp luật;

  • Đây là một trong những hình thức cho vay trực tuyến của các tổ chức tín dụng, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng;

  • Các khoản vay được xét duyệt, giải ngân qua app là những khoản vay không có tài sản bảo đảm, hạn mức vay không cao, hồ sơ xét duyệt đơn giản;

  • Khách hàng có thể không cần tới các địa điểm kinh doanh, phòng giao dịch, chi nhánh của ngân hàng, tổ chức tín dụng khác mà vẫn có thể hoàn thành hợp đồng vay và nhận tiền giải ngân;

Tuy nhiên, bên cạnh những app trực tuyến chính thống/chuẩn của các tổ chức tín dụng thì cũng có rất nhiều những app giả mạo của các đối tượng lừa đảo, chúng có những thủ đoạn rất tinh vi, đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin của người vay.

Có thể liệt kê các thủ đoạn lừa đảo app vay tiền/lừa đảo qua các app ứng dụng phổ biến hiện nay của các đối tượng này thông qua các giai đoạn cho vay như giai đoạn xét duyệt hồ sơ, giai đoạn thẩm định hồ sơ, giai đoạn giải ngân.

Thứ nhất, giai đoạn xét duyệt hồ sơ

Đây là giai đoạn đầu tiên để người có nhu cầu vay tiền có thể tiếp cận khoản vay của mình.

Theo đó, khách hàng thực hiện các công việc:

  • Tải app trực tuyến;

  • Điền hoàn thiện các thông tin như tên, tuổi, giới tính, năm sinh, nơi ở, người tham chiếu, nơi làm việc, số điện thoại…: Các thông tin tương đối cơ bản như các hợp đồng vay thông thường khác;

  • Gửi các thông tin đã kê khai trong app;

  • Đợi liên hệ của bên cho vay;

Ngay sau khi đã hoàn thiện các thông tin cơ bản theo yêu cầu được ghi nhận trong app, sẽ có nhân viên gọi điện lại cho khách hàng để xác thực thông tin cũng như hướng dẫn nhận tiền giải ngân.

Đây chính là lúc các thủ đoạn lừa đảo được thực hiện. Nhân viên của app hoặc các app sẽ tự động hiển thị khách hàng có thông tin bị sai hoặc bị thiếu như là:

  • Sai tên, phải thay tên bằng chữ in hoa thành in thường hoặc in thường thành in hoa;

  • Số điện thoại của người tham chiếu chưa được điền;

  • Thiếu địa chỉ liên hệ của người tham chiếu;

  • Không đủ điều kiện vay do không nạp kích hoạt tài khoản;

  • Chưa nộp tiền bảo hiểm khoản vay;

  • …;

Để đảm bảo nhận được càng nhiều tiền nạp vào tài khoản ngân hàng, đối tượng lừa đảo sẽ lần lượt nêu ra từng lỗi sai, từng thông tin bị thiếu của khách hàng.

Mỗi lần app hiển thị thông tin bị sai hoặc bị thiếu thì khách hàng đều phải nạp tiền để sửa chữa, hoàn thiện phần bị sai, bị thiếu.

Khi đánh giá khách hàng không còn tiền để chuyển, đối tượng lừa đảo sẽ biến mất, chặn mọi liên hệ với khách hàng.

Nhận diện hành vi lừa đảo app vay tiền
Nhận diện hành vi lừa đảo app vay tiền

Thứ hai, giai đoạn thẩm định hồ sơ

  • Đây là giai đoạn mà khách hàng sau khi khai các thông tin cơ bản, bên cho vay sẽ xét duyệt, xem xét tính phù hợp của yêu cầu vay so với các quy định của bên cho vay;

  • Thủ đoạn được sử dụng trong giai đoạn này là nhân viên của bên vay/hoặc các app đã thông báo cho người vay rằng đã chấp thuận khoản vay, tiền giải ngân đã được chuyển về ví điện tử của app;

  • Tuy nhiên, người vay lại không rút được tiền ở ví do bị đóng băng tài khoản vì app báo lỗi hệ thống/lỗi về tên đăng nhập rút tiền/lỗi mật khẩu nhận tiền…;

  • Người vay được thông báo/yêu cầu phải chuyển tiền thêm theo tài khoản đã được chỉ định để được giải quyết lỗi, hủy bỏ đóng băng tài khoản, rút tiền khỏi ví;

  • Tuy nhiên, tương tự như thủ đoạn được sử dụng ở giai đoạn trước, sau khi chuyển tiền, người vay không thể liên hệ với bên cho vay nữa;

Thứ ba, giai đoạn giải ngân

Tương tự như các cách thức mà đối tượng lừa đảo sử dụng ở các giai đoạn trên của hành vi lừa đảo app vay tiền, lý do được sử dụng để yêu cầu chuyển tiền đối với khách hàng của bên cho vay có thể gồm:

  • Chuyển tiền để đảm bảo hồ sơ vay được thực hiện theo đúng quy định, trình tự;

  • Hoặc số tiền yêu cầu vay của khách hàng vượt quá hạn mức vay theo quy định của công ty và khả năng của khách hàng do đó, để nâng hạn mức thì khách hàng phải chuyển một số tiền nhất định để đảm bảo;

  • Tài khoản giải ngân bị sai/ bị thiếu thông tin để bên cho vay tiến hành giải ngân, để được giải quyết thì khách hàng phải nộp khoản tiền theo tài khoản chỉ định để được nhận khoản tiền từ ví cho vay;

Như vậy, việc vay tiền qua app của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác là hình thức cho vay phổ biến, hợp pháp và được áp dụng nhiều hiện nay.

Lợi dụng sự ra đời của những app cho vay trực tuyến, các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người vay, tâm lý cần vay nhanh, xử lý nhanh của khách hàng để có các thủ đoạn chiếm đoạt tiền của họ.

Các thủ đoạn lừa đảo app vay tiền được chúng tôi dẫn giải, phân tích, nêu chi tiết ở phần trên.

Cách thức để giải quyết nếu lỡ bị lừa đảo vay tiền qua app được chúng tôi trình bày ở dưới đây.

Vay tiền qua app có thể là hình thức vay tiền hợp pháp
Vay tiền qua app có thể là hình thức vay tiền hợp pháp

Bị lừa đảo vay tiền online, phải làm gì để lấy lại tiền?

Lừa đảo app vay tiền trực tuyến/app vay tiền online về bản chất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Hành vi chiếm đoạt tài sản này bị xử lý nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu trở lên hoặc dưới 2 triệu nhưng phải thỏa mãn các điều kiện luật định.

Việc lấy lại tài sản do bị lừa đảo là quyền của người bị mất, tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, người bị lừa đảo đều có thể lấy lại toàn bộ số tiền mà mình bị mất.

Một số phương án mà những người bị lừa đảo nên thực hiện ngay khi phát hiện ra mình bị lừa chiếm đoạt tiền gồm:

  • Ngay lập tức trình báo vụ việc tới cơ quan công an gần nhất nơi mình sinh sống;

  • Liên hệ với ngân hàng nơi mình có tài khoản để thực hiện sao kê tài khoản ngân hàng;

  • Nếu như đã lỡ có cung cấp thông tin về mã OTP thì phải khóa tài khoản ngân hàng hoặc là rút toàn bộ số tiền mình có ra khỏi tài khoản;

  • Đồng thời, sao chụp toàn bộ các đoạn thông tin liên hệ giữa bạn với đối tượng lừa đảo, chụp lại toàn bộ thông tin về app, tài khoản đã thiết lập trên app…: Mục đích càng có nhiều thông tin về tài khoản và các hoạt động giao dịch chuyển tiền qua app thì càng có lợi cho quá trình giải quyết vụ việc;

  • Khóa ngay tài khoản vay của mình trên app và thực hiện các công việc theo hướng dẫn của cơ quan công an;

Kết quả giải quyết vụ án từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là căn cứ để xác định số tiền mà người bị lừa có thể nhận lại được từ vụ án lừa đảo app vay tiền.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, để đảm bảo tối ưu quyền lợi của mình, anh chị bạn nên nhanh chóng, ngay lập tức trình báo vụ việc tới cơ quan công an gần nhất nơi mình sinh sống để được giải quyết.

Cùng với việc trình báo, anh chị bạn cung cấp thêm cho cơ quan công an toàn bộ tài liệu, thông tin, giấy tờ, hình ảnh, ghi âm… liên quan đến vụ việc lừa đảo của mình.

Như vậy, cách nhanh chóng và chính xác nhất để xử lý hành vi lừa đảo app vay tiền là phải trình báo cho cơ quan công an gần nhất nơi mình sinh sống để được hỗ trợ.

Người bị lừa đảo có thể không nhận lại được toàn bộ số tiền bị lừa đảo nhưng ít nhất sẽ được pháp luật, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tối ưu quyền lợi cho mình.

Cảnh giác với các app vay tiền trực tuyến để không bị lừa
Cảnh giác với các app vay tiền trực tuyến để không bị lừa 

Nhận diện tội phạm lừa đảo vay tín chấp thế nào? Xử lý tội phạm này ra sao?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi làm sao để xác định được những thủ đoạn lừa đảo làm hồ sơ vay vốn, vay tín chấp đang tràn lan trên thị trường hiện nay?

Tội phạm lừa đảo làm hồ sơ vay vốn, hồ sơ vay tiền bằng chứng minh nhân dân bị xử lý thế nào thưa Luật sư?

Chào bạn, thời đại công nghệ phát triển hiện nay, các loại tội phạm lừa đảo hoạt động thông qua các hình thức như lừa đảo app vay tiền/vay tiền qua app, vay tiền trực tuyến, vay tiền qua chứng minh nhân dân… đang hoạt động ngày một rộng rãi.

Để nhận diện loại tội phạm này không phải là điều đơn giản, đặc biệt là đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong các giao dịch trực tuyến.

Cách nhận diện và xử lý tội phạm này được chúng tôi giải đáp chi tiết như dưới đây:

Nhận diện tội phạm lừa đảo vay tiền bằng cmnd như thế nào?

Về bản chất, loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền này cũng sẽ yêu cầu khách hàng, người có nhu cầu vay vốn phải nạp tiền, nộp tiền để được hỗ trợ giải quyết, xử lý yêu cầu vay vốn cũng như để hoàn thiện hồ sơ vay.

Nếu khách hàng không nộp tiền sẽ không được giải ngân tiền. Và chúng cũng là loại tội phạm hoạt động tương tự như đối với tội phạm lừa đảo app vay tiền.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của hành vi lừa đảo bằng việc vay tiền qua chứng minh nhân dân hoặc qua các hồ sơ vay trực tuyến là hình thức/thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo thực hiện.

Chúng lợi dụng tâm lý cần tiền gấp, phải được xử lý, giải quyết nhanh trong thời gian nhất định dẫn đến lơ là cảnh giác, bỏ qua các dấu hiệu lừa đảo hoặc thiếu nhận thức về hành vi lừa đảo này.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng lừa đảo này có thể liệt kê đến như sau:

  • Tìm kiếm các thông tin về đối tượng có nhu cầu vay vốn thông qua số điện thoại, các hội nhóm trên mạng…;

  • Gọi điện mời, giới thiệu các khoản vay của đơn vị mình dưới danh nghĩa của các đơn vị, tổ chức tài chính được hoạt động hợp pháp;

  • Sau khi đã cung cấp các thông tin về tên tuổi, số điện thoại, người tham chiếu… thì khách hàng được thông báo đã hoàn tất hồ sơ vay;

  • Đối tượng lừa đảo đề nghị khách hàng chuyển tiền phí bảo hiểm, chuyển các khoản chi phí xét duyệt hồ sơ khác để hoàn tất việc nhận hợp đồng và nhận thẻ ngân hàng chứa tiền cho vay qua các tổ chức vận chuyển;

  • Người vay thường có tâm lý không phòng bị nên có thể đã chuyển khoản ngay khi được đề nghị hoặc cũng có chuyển khoản khi nhận được hợp đồng, thẻ tài khoản qua bưu điện mà không kiểm tra thẻ có sử dụng được hay không;

  • Khi chuyển khoản xong, người vay mới nhận ra, thẻ ngân hàng là giả, không thể rút được tiền, liên hệ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác để xác nhận khoản vay thì nhận được thông tin các khoản vay, thẻ ngân hàng đều là giả mạo;

  • Điều đáng nói ở đây là khách hàng chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân là có thể đã được vay với khoản tiền tương đối cao, thủ tục vay lại nhanh chóng, gọn nhẹ;

  • Người vay thì có tâm lý, có hay không có chứng minh nhân dân cũng được, nếu mất thì có thể làm lại nên người vay không đề phòng cũng như không có nhiều tìm hiểu về vấn đề này;

Lợi dụng tâm lý của người vay, các cách thức cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tổ chức tài chính và hình ảnh của họ, các đối tượng lừa đảo đã tiến hành các hành vi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trình báo công an ngay khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo
Trình báo công an ngay khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo

Để phòng tránh loại tội phạm này, mỗi người chúng ta nên thực hiện:

  • Không thực hiện việc chuyển khoản, đóng nộp các loại chi phí tới các tài khoản thụ hưởng là cá nhân để thực hiện vay tiền;

  • Không cung cấp tài khoản ngân hàng, mã OTP đã được ngân hàng cấp cho bất kỳ cá nhân, đơn vị, tổ chức nào;

  • Không cung cấp giấy tờ tùy thân, thông tin về nhân thân của mình khi chưa xác định được tính chính xác của thông tin mình nhận được;

  • Luôn phải cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực tính đúng đắn của các thông tin về bên cho vay, nhân viên thực hiện hỗ trợ vay;

  • Nên tới trực tiếp trụ sở của các đơn vị, tổ chức cho vay nếu thực sự có nhu cầu vay tiền;

  • Trong trường hợp cần xác minh thông tin, có thể gọi điện tới các số tổng đài trực tuyến, hotline được đăng tải trên website chính thức của bên cho vay;

Như vậy, ngoài hành vi lừa đảo app vay tiền thì hành vi lừa đảo tiền bằng các hồ sơ vay vốn, qua chứng minh nhân dân đang ngày trở nên phổ biến, rộng rãi và đa dạng về cách thức tiến hành.

Việc nhận biết hành vi này không dễ dàng nhưng nếu để ý, tìm hiểu thì mỗi khách hàng đều có thể có được nhiều thông tin hơn về tính xác thực của bên cho vay, từ đó giảm thiểu tối đa những rủi ro cho mình.

Xử lý tội phạm lừa đảo làm hồ sơ vay vốn ra sao?

Như chúng tôi đã phân tích, đây là loại hình lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác.

Trong trường hợp chưa đủ để cấu thành tội phạm hình sự thì người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại hoặc trách nhiệm hành chính.

Trong đó, hành vi bị xử phạt hành chính là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua các hợp đồng vay, mượn,... và không trả mặc dù có điều kiện, khả năng để trả theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

  • Mức phạt tiền được áp dụng là từ 2 - 3 triệu đồng;

  • Người bị xử phạt còn bị buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp đã chiếm đoạt;

Tù chung thân là hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tù chung thân là hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể phải chịu các mức hình phạt thuộc các khung khác nhau của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự như sau:

Trường hợp

Hình phạt chính được áp dụng

Hình phạt bổ sung

Khung cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 174, áp dụng trong trường hợp thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản của tội phạm

  • Phạt cải tạo không giam giữ tối đa là 3 năm;

  • Hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm;

  • Phạt tiền với mức từ 10 - 100 triệu;

  • Cấm thực hiện một trong các hành vi sau trong thời hạn từ 1 - 5 năm:

    • Cấm đảm nhiệm chức vụ;

    • Cấm hành nghề;

    • Cấm làm công việc nhất định;

  • Tịch thu tài sản: Một phần hoặc toàn bộ;

Khung hình phạt tăng nặng 1 quy định tại khoản 2 Điều 174, ví dụ như:

  • Phạm tội có tổ chức;

  • Tài sản chiếm đoạt có trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;

  • …;

Phạt tù, thời hạn tù từ 2 - 7 năm

Khung hình phạt tăng nặng 1 quy định tại khoản 3 Điều 174, ví dụ như:

  • Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 200 - dưới 500 triệu đồng;

  • …;

Phạt tù, thời hạn tù từ 7 - 15 năm

Khung hình phạt tăng nặng 1 quy định tại khoản 4 Điều 174, ví dụ như:

  • Tài sản chiếm đoạt có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;

  • …;

  • Phạt tù thời hạn từ 12 - 20 năm;

  • Hoặc tù chung thân;

Như vậy, lừa đảo app vay tiền, lừa đảo qua việc lập hồ sơ vay vốn, vay qua chứng minh nhân dân, nhẹ thì phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại.

Nặng hơn là phải chịu xử phạt hành chính, cao nhất là bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Để phòng tránh, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức cũng như cần cảnh giác trước những đề nghị vay vốn hoặc từ các lời mời chào, quảng cáo từ các đơn vị cho vay.

Trên đây là giải đáp về vấn đề lừa đảo app vay tiền, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X