hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 12/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lừa đảo đa cấp: Nhận biết thế nào, phòng tránh ra sao?

Lừa đảo đa cấp không còn là từ ngữ mới lạ trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Thủ đoạn lừa đảo đa cấp ngày càng phức tạp, tinh vi, do vậy, việc phát hiện, xử lý cũng như phòng tránh tội phạm này cũng cần phải thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng hơn.

 
Mục lục bài viết
  • Cách nhận biết thủ đoạn lừa đảo đa cấp hiện nay?
  • Xử lý, phòng tránh tội phạm lừa đảo đa cấp thế nào?
  • Mức tù của tội phạm lừa đảo đa cấp là gì?
  • Làm gì để phòng tránh tội phạm lừa đảo đa cấp? 

Câu hỏi: Chào Luật sư, nơi tôi sinh sống là một vùng quê nghèo của khu vực Bắc Bộ.

Thời gian gần đây, nơi đây có khá nhiều đoàn bán hàng, tiếp thị sản phẩm đến quảng cáo, chào bán hàng hóa cho người dân.

Đối tượng mà họ hướng tới nhiều hơn cả là những người nội trợ, người về hưu có lương hoặc nhận trợ cấp.

Sản phẩm mà họ mang tới là các dụng cụ nhà bếp, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh cho người cao tuổi,...

Người mua được giảm giá nhiều cho các sản phẩm đầu tiên, các sản phẩm tiếp theo, người mua chỉ cần giới thiệu người khác tới mua là cũng được hưởng hoa hồng.

Thậm chí, họ cung cấp thông tin về khoản lợi nhuận, hoa hồng cũng như thu nhập rất khổng lồ từ việc bán sản phẩm, hàng hóa này, đề nghị mọi người cùng tham gia.

Người tham gia cần phải đặt cọc mua sản phẩm, số tiền hoa hồng có được sẽ được công ty chuyển lại cho người bán sau khi họ đã bán được sản phẩm.

Và còn rất nhiều những hành vi khác mà tôi thấy đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Xin hỏi Luật sư, một số hành vi mà tôi đã nêu trên đã đủ để xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo đa cấp hay chưa?

Mức phạt áp dụng đối với hành vi này là gì?

Làm gì để có thể phòng tránh tội phạm này?

Chào bạn, lừa đảo đa cấp là một trong những hành vi khá điển hình và phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Lợi dụng tâm lý dễ tin người khác, lòng tham tiềm ẩn trong mỗi con người, sự thiếu hiểu biết mà các đối tượng có thể thực hiện các thủ đoạn lừa đảo dễ dàng hơn.

Vậy, hành vi lừa đảo đa cấp hiện nay có biểu hiện như thế nào, làm sao nhận diện tội phạm này, xử lý và phòng tránh tội phạm này ra sao? HieuLuat sẽ giải đáp những vướng mắc của bạn về vấn đề này như sau:

Cách nhận biết thủ đoạn lừa đảo đa cấp hiện nay?

Trước hết, đa cấp là một trong những hình thức kinh doanh mà pháp luật Việt Nam cho phép các thương nhân được thực hiện.

Theo đó, hình thức bán hàng đa cấp phải được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định.

Về bản chất, khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP mô tả về hình thức kinh doanh đa cấp như sau:

1. Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.

Vậy nên, mọi hành vi vi phạm quy định về phương thức kinh doanh đa cấp hoặc thuộc một trong những hành vi mà pháp luật về kinh doanh đa cấp cấm thực hiện đều có thể trở thành những thủ đoạn lừa đảo đa cấp.

Đã là hành vi lừa đảo thì chắc chắn rằng sẽ có những dấu hiệu, thủ đoạn gian dối, cung cấp những thông tin sai sự thật, làm cho bị hại, nạn nhân tin rằng những gì họ được tiếp nhận là đúng đắn, từ đó tự mình giao nộp tiền cho bên lừa đảo.

Thực tế cho thấy, có một số thủ đoạn lừa đảo đa cấp/lừa đảo tham gia mạng lưới đa cấp để nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác mà không phải là hoạt động kinh doanh đa cấp theo quy định pháp luật gồm:

Một là, đề nghị nạn nhân tham gia cùng góp vốn với số tiền ban đầu rất nhỏ

  • Nạn nhân được quảng cáo, cung cấp thông tin rằng, chỉ cần bỏ ra số tiền rất nhỏ, từ vài nghìn đồng trở lên là có thể tạo ra lợi nhuận lớn hơn con số nghìn gấp nhiều lần;

  • Người tham gia chỉ cần rủ thêm bạn bè, người thân, đối tác, … cùng tham gia để cùng hưởng lợi. Số tiền hoa hồng lớn hay nhỏ phụ thuộc vào số lượng người mà nạn nhân có thể lôi kéo tham gia mạng lưới đa cấp;

  • Đội ngũ quảng cáo của mạng lưới đa cấp không cung cấp thông tin cụ thể về việc đầu tư vào danh mục gì, đầu tư như thế nào, chịu lỗ ra sao khi góp vốn đầu tư… mà đội ngũ này chỉ nhấn mạnh vào lợi nhuận thu được, số tiền hoa hồng nhận được;

  • Đây cũng được coi là “chiêu trò” trong quảng cáo, giới thiệu dịch vụ, chỉ cung cấp những điểm lợi thế mà bỏ qua những điểm bất lợi;

  • Thực chất, mạng lưới đa cấp không hề có đầu tư kinh doanh gì cả, thậm chí hàng hoá sản phẩm bán ra, dịch vụ cung cấp cũng không phải như lời quảng cáo hoặc không có sản phẩm hàng hóa để kinh doanh;

Những thành viên trong mạng lưới này chỉ sử dụng vỏ bọc là các sản phẩm hàng hóa, các dịch vụ, nghiệp vụ đầu tư để lôi kéo càng đông người tham gia càng tốt, lợi nhuận của người trước được lấy từ tiền do người sau góp lại mà thành.

Hai là, yêu cầu đặt cọc, mua hàng hóa sản phẩm của doanh nghiệp để bán

  • Khác với các hình thức kinh doanh chính thống, hành vi lừa đảo bán hàng đa cấp đã không còn mang bản chất ban đầu là tiêu thụ sản phẩm kinh doanh;

  • Lừa đảo đa cấp chỉ sử dụng hàng hóa làm công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội, theo đó, nạn nhân phải đặt trước một số tiền để được là thành viên của mạng lưới;

  • Nạn nhân không được hưởng lợi nhuận từ việc bán hàng hóa mà được hưởng lợi nhuận từ việc lôi kéo người khác tham gia mạng lưới, tuyển dụng người tham gia;

  • Nạn nhân cũng không thể được quyền rút vốn khỏi hệ thống sau khi đã đặt cọc. Lợi nhuận họ thu được được tính từ việc có lôi kéo thêm người tham gia hay không, tỉ lệ lợi nhuận cao hay thấp/hoặc mặt hàng được bán phụ thuộc vào số tiền mà họ dùng để đặt cọc;

  • Do vậy, nạn nhân liên tục được nhận lời khuyến khích động viên gia tăng tiền đặt cọc vào hệ thống, lôi kéo, mời chào nhiều người tham gia hơn nữa để được hưởng lợi lớn hơn, nếu không sẽ không thể nhận lại tiền đặt cọc;

Ba là, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên thường xuyên

  • Tổ chức các cuộc hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, đầu tư để làm sao người không hiểu biết gì về tài chính, tiền tệ, buôn bán cũng có thể làm giàu nhanh chóng;

  • Trong các buổi hội thảo, nạn nhân được các nhân viên của hệ thống chia sẻ cách làm giàu từ kinh nghiệm của mình, được tặng các sản phẩm miễn phí, được mua các sản phẩm với giá rất rẻ so với giá gốc, nếu là thành viên thì còn được hưởng nhiều ưu đãi hơn nữa;

  • Táo tợn hơn, nhiều cuộc hội thảo của hệ thống kinh doanh đa cấp có thể đề nghị giữ giấy tờ tùy thân của người tham gia lúc mới bắt đầu hội thảo, nếu họ không mua sản phẩm, hàng hóa thì không được trả lại giấy tờ này;

  • Bên cạnh đó, nhân viên của mạng lưới sử dụng thủ đoạn giới thiệu sai về công năng, giá thành sản phẩm, công dụng của sản phẩm hàng hóa, “thổi phồng” lên mức lợi nhuận, công dụng của sản phẩm hoặc lợi nhuận khi tham gia mạng lưới để nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý của nạn nhân;

  • Mạng lưới này thường xuyên tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên cho mọi vị trí làm việc với lời mời chào và chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn;

Bốn là, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đúng với quảng cáo và không tập trung vào sản phẩm hàng hóa

Lừa đảo đa cấp chỉ chú trọng tuyển dụng người tham gia mạng lưới mà không ưu tiên đến sản phẩm, chất lượng, phương thức bán hàng trong khi đây mới chính là vấn đề chính cần phải chú trọng.

Năm là, chỉ tập trung vào những hứa hẹn bởi những khoản lợi nhuận cao, hấp dẫn khi tham gia mạng lưới

Khi được rủ rê, giới thiệu, nạn nhân được hướng tới những khoản lợi nhuận hấp dẫn, những con số rất cao về lợi nhuận/hoa hồng mình được hưởng.

Tuy nhiên, nạn nhân lại không được giới thiệu, cảnh báo về những nhược điểm, hậu quả hoặc phương thức kinh doanh của hệ thống.

Như vậy, lừa đảo đa cấp có một số biểu hiện thông dụng như chúng tôi đã nêu trên.

lua dao da cap


Xử lý, phòng tránh tội phạm lừa đảo đa cấp thế nào?

Việc xử lý tội phạm đa cấp được thực hiện theo quy định pháp luật hình sự.

Mức tù của tội phạm lừa đảo đa cấp là gì?

Đối với hành vi lừa đảo đa cấp, tội phạm có thể thực hiện hành vi lừa đảo qua các mạng xã hội, qua sự quen biết, qua các buổi tụ tập đông người,...

Nạn nhân đưa tiền/giao tiền cho nhân viên của mạng lưới, cho người lừa đảo qua chuyển khoản, đưa trực tiếp hoặc qua bất kỳ phương thức nào.

Hành vi lừa đảo bán hàng, kinh doanh đa cấp để chiếm đoạt tiền của người khác là hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo đó, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này nếu ngoài yếu tố hành vi lừa đảo, dùng các thủ đoạn gian dối làm cho người khác tin rằng mình đang tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp đúng luật để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội còn phải thỏa mãn các yếu tố khác như:

  • Lỗi: Lỗi cố ý (cố ý trực tiếp);

  • Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà nay còn vi phạm với trị giá tiền bị lừa đảo dưới 2 triệu;

  • Đã bị kết án về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (trị giá tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu);

  • Trị giá tiền chiếm đoạt từ 2 triệu trở lên;

  • Nếu trị giá tiền lớn hơn hoặc phạm tội trong các trường hợp mang yếu tố định khung hình phạt thì người phạm tội còn phải chịu mức án phạt nghiêm khắc hơn.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người phạm tội có thể phải chịu mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Kết luận: Tùy thuộc vào mức độ, hậu quả…của hành vi lừa đảo đa cấp mà người phạm tội có thể phải chịu mức án phạt cao nhất là tù chung thân.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm hành nghề hoặc công việc trong thời hạn nhất định…

Làm gì để phòng tránh tội phạm lừa đảo đa cấp? 

Từ những biểu hiện, thủ đoạn thường dùng của tội phạm này mà các biện pháp phòng tránh cũng có thể có nhiều cách thức khác nhau.

Cụ thể, để phòng tránh, người dân có thể thực hiện như sau:

  • Cảnh giác với toàn bộ những lời mời chào, kêu gọi, quảng cáo,... từ những đối tượng mời chào góp tiền lấy lợi nhuận, tìm kiếm người tham gia cùng để lấy lợi nhuận hoa hồng, ….;

  • Tìm hiểu kỹ về công ty/doanh nghiệp tham gia quảng cáo, giới thiệu công việc như: Giấy tờ chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy tờ chứng minh được kinh doanh sản phẩm, giấy tờ về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm mà mình bán…;

  • Cần lưu ý đến phương thức bán hàng để tránh bị lừa đảo. Kiểm tra về hình thức đầu tư, góp vốn, cách nhận lợi nhuận, cách tính toán lợi nhuận. Nếu nhận thấy, việc hưởng lợi nhuận không xuất phát từ doanh thu bán hàng, không có chính sách phát triển hàng hóa của doanh nghiệp để bán thì nên dừng lại vì rất có thể đây là hình thức kinh doanh đa cấp trái pháp luật;

  • Thông báo ngay cho cơ quan chức năng (ví dụ công an, Ủy ban nhân dân cấp xã phường…) nếu nhận thấy có những dấu hiệu nghi ngờ trong kinh doanh của các đơn vị, cá nhân, tổ chức;

  • Thông báo và chấm dứt hợp đồng làm việc với các đơn vị tuyển dụng theo quy định pháp luật. Nếu đơn vị tuyển dụng gây khó khăn, ép buộc không cho nghỉ việc thì có thể trình báo đến cơ quan quản lý Nhà nước về lao động như phòng lao động thương binh xã hội, thanh tra lao động, công đoàn cấp trên…;

  • Thường xuyên cập nhật tin tức, tự mình trau dồi, nâng cao nhận thức về các đối tượng lừa đảo, hành vi lừa đảo;

Như vậy, để phòng chống tội phạm lừa đảo đa cấp thì ngoài những biện pháp xử lý hình sự nghiêm khắc, bản thân mỗi người chúng ta cần tự mình nâng cao nhận thức, kỹ năng cũng như tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan đến tội phạm này.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về lừa đảo đa cấp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X