Lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng, lừa đảo làm thẻ tín dụng, lừa đảo hoàn tiền thẻ tín dụng… là những chiêu trò lừa đảo đánh vào tâm lý của những người ham làm giàu nhanh, thiếu hiểu biết. Vậy, nhận diện loại tội phạm này như thế nào? Làm gì để không bị lừa?
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, hiện nay, tình trạng lừa đảo thông qua việc đăng ký tài khoản ngân hàng, mở thẻ tín dụng, hoàn tiền thẻ tín dụng với số tiền lớn, lãi suất thấp… đang diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi và phức tạp.
Vậy, làm sao để có thể nhận diện loại tội phạm này?
Có cách nào để phòng tránh việc bị lừa đảo không thưa Luật sư (đặc biệt là với những người chưa có nhiều hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng, tín dụng)?
Chào bạn, hành vi lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng, lừa đảo mở thẻ tín dụng…về bản chất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhận diện, xử lý và phòng tránh loại tội phạm tinh vi, phức tạp này cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và của chính mỗi người chúng ta.
HieuLuat xin giải đáp toàn bộ những vướng mắc về loại tội phạm lừa đảo trên như sau:
Nhận diện tội phạm lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng thế nào?
Tội phạm lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng là một trong những loại tội phạm đang diễn ra ngày một phổ biến trong xã hội hiện nay.
Diễn biến của loại tội phạm này có thể liệt kê như sau:
Bước 1: Đối tượng lừa đảo tìm kiếm thông tin của bị hại qua các trang mạng xã hội, qua các đầu mối bán thông tin cá nhân khác
Người phạm tội thông qua mạng xã hội facebook, zalo, instagram,... đặc biệt là các hội nhóm được lập trên các trang mạng này.
Bước 2: Mời chào, thuyết phục bị hại mở tài khoản ngân hàng
Thông qua thông tin mà người dùng tài khoản có được như số điện thoại, email, tài khoản facebook, zalo, instagram… các đối tượng sẽ tiếp cận, mời chào việc mở tài khoản ngân hàng để sử dụng;
Đối tượng tự nhận là cán bộ tín dụng, cán bộ ngân hàng đang thực hiện dự án hoặc chương trình khuyến mại đối với những khách hàng mới để thuyết phục khách hàng mở tài khoản;
Để làm được điều này, đối tượng phạm tội có thể móc nối với các nhân viên của các ngân hàng, thuyết phục bị hại mở tài khoản ngân hàng, kể cả khi không có nhu cầu sử dụng;
Nhằm tăng uy tín, độ tin cậy, chính xác về thông tin cung cấp, đối tượng còn có thể cắt ghép hình ảnh, quảng cáo của các ngân hàng về chương trình khuyến mại của mình;
Sau khi bị hại đã đồng ý mở thẻ, đối tượng yêu cầu chụp chứng minh nhân dân/căn cước công dân, mã OTP được gửi về, số điện thoại đăng ký/ hoặc sau khi đã cung cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân, đối tượng thực hiện cắt, ghép hình ảnh của chính mình để mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại;
Bước 3: Chiếm đoạt hoặc lừa đảo lấy thông tin về tài khoản ngân hàng của khách hàng để bán kiếm lời
Khi có được thông tin về mã OTP, giấy tờ tùy thân của bị hại, số điện thoại dùng để đăng ký, đối tượng dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng mà khách hàng đã mở, từ đó, bán lại thông tin về các tài khoản ngân hàng này cho người có nhu cầu khác;
Hoặc khi cắt ghép hình ảnh của mình, đối tượng sử dụng sim rác để mở các tài khoản ngân hàng ở các ngân hàng khác nhau nhằm mục đích như vay tín chấp, chiếm đoạt tiền/hoặc bán lại cho các đối tượng khác nhằm kiếm lời, thu lợi nhuận;
Bước 4: Cắt đứt mọi liên hệ với bị hại
Sau khi đã hoàn tất được việc chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của bị hại, các đối tượng cắt đứt mọi liên hệ với bị hại;
Đến khi phát hiện ra thì bị hại đã không còn liên hệ được với đối tượng lừa đảo, tài khoản mạng xã hội cũng có thể bị khóa, bị chặn hoặc là không còn tồn tại;
Hậu quả để lại từ hành vi này là thông tin cá nhân của nhiều người bị lộ, được dùng làm hàng hóa để mua bán, trao đổi, thậm chí sử dụng vào mục đích phi pháp;
Nhiều trường hợp, bị hại khi được công an mời lên làm việc thì thấy mình có hồ sơ vay, hồ sơ tín dụng ở vài ngân hàng, công ty tài chính với số tiền vay lớn, trong khi bản thân mình không tham gia việc vay mượn;
Mặt khác, thông tin cá nhân bị lộ tạo điều kiện cho các đối tượng có ý đồ phạm pháp làm căn cứ để trục lợi, kiếm chác lấy lời;
Kết luận: Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin của người khác và lợi nhuận từ hành vi lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng là quá lớn, dẫn đến số lượng người bị lừa đảo, số tiền bị chiếm đoạt đang tăng lên từng ngày.
Để giảm thiểu tối đa rủi ro, mỗi người chúng ta nên thận trọng hơn khi sử dụng mạng xã hội, tỉnh táo trong những lời mời quảng cáo, lời chào khuyến mại.
Thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo làm thẻ tín dụng, rút tiền thẻ tín dụng… được chúng tôi trình bày dưới đây.
Lừa đảo làm thẻ tín dụng có thủ đoạn gì? Xử lý thế nào?
Ngoài lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng thì đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo mở thẻ tín dụng, rút tiền thẻ tín dụng… cũng là những hành vi vi phạm pháp luật và được xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật hình sự.
Biểu hiện lừa đảo của loại tội phạm này cũng như trách nhiệm hình sự phải gánh chịu đối với từng đối tượng được chúng tôi trình bày như sau:
Lừa đảo hoàn tiền thẻ tín dụng có dấu hiệu nhận biết ra sao?
Lừa đảo hoàn tiền thẻ tín dụng, rút tiền thẻ tín dụng… là những chiêu trò không mới, tưởng chừng như không ảnh hưởng đến chủ thẻ nhưng lại là hành vi khiến chủ thẻ bị chiếm đoạt tiền.
Hoàn tiền thẻ tín dụng thực chất là việc khách hàng nhận lại được một phần tiền tương tự như tiền thưởng mà các ngân hàng/tổ chức tín dụng gửi lại khi sử dụng tương ứng với hạn mức đã được quy định.
Phương án này nhằm khuyến khích chủ thẻ sử dụng nhiều hơn, sử dụng nhiều thì được hoàn lại nhiều, từ đó làm gia tăng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, thủ đoạn lừa đảo này được thực hiện như sau:
Đánh vào tâm lý sử dụng nhiều hoàn nhiều của chủ thẻ, các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, nhân viên tín dụng chào mời gói dịch vụ, phương án hoàn tiền thẻ tín dụng mới của đơn vị;
Với việc hoàn tiền, nhân viên ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng thực hiện bằng cách cung cấp cho họ đoạn mã hợp đồng/mã dịch vụ được gửi đến số điện thoại của khách hàng (thực chất đoạn mã này là mã giao dịch trừ tiền sử dụng của thẻ tín dụng);
Khách hàng chỉ cần cung cấp số thẻ tín dụng (mã CVV/CVC) và đoạn mã nhận được cho đối tượng để hoàn thiện thủ tục;
Sau khi nhận được số thẻ tín dụng và đoạn mã trên, đối tượng lừa đảo tiến hành rút tiền trong tài khoản thẻ tín dụng của bị hại là hoàn tất hành vi lừa đảo;
Nhiều người bị lừa đảo cũng là do không để ý hoặc không kiểm tra lại các thông tin được cấp, được nhận từ các đối tượng lừa đảo nên đã tin tưởng, gửi các số liệu theo yêu cầu cho đối tượng lừa đảo;
Như vậy, hành vi lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng và lừa đảo hoàn tiền thẻ tín dụng tuy có khác nhau về cách thức nhưng lại giống nhau về mục đích.
Theo đó, người thực hiện hành vi hướng tới mục đích chiếm đoạt tiền của bị hại để tìm kiếm lợi nhuận.
Lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng lãi suất thấp là làm gì?
Lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng lãi suất thấp, lừa đảo rút tiền từ thẻ tín dụng với lãi suất 0%, hoàn tiền thẻ tín dụng với số tiền hoàn cao… là những lời quảng cáo, lời mời gọi sử dụng dịch vụ được các đối tượng sử dụng khi thuyết phục bị hại cung cấp các thông tin cần thiết cho mình để chiếm đoạt tiền.
Theo đó, đối tượng lừa đảo giả mạo mình là nhân viên ngân hàng, nhân viên của các tổ chức tín dụng đang hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng với lãi suất thấp, hoặc rút tiền từ thẻ tín dụng để chi tiêu với lãi suất 0% và có các gói ưu đãi khác nếu số tiền rút tăng hoặc giảm;
Bị hại chỉ cần cung cấp hình ảnh 2 mặt của thẻ tín dụng hoặc số thẻ, CVV/CVC của thẻ, mã OTP của thẻ cùng số tiền cần rút;
Bị hại cũng có thể cung cấp thêm số tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử để đối tượng lừa đảo chuyển tiền đã rút theo yêu cầu;
Kết quả là bị hại không nhận được tiền như thỏa thuận hoặc nhận được số tiền ít hơn nhiều so với số tiền đã bị ghi nợ trên thẻ tín dụng;
Sau khi hoàn tất việc chiếm đoạt tiền của bị hại, đối tượng lừa đảo đã biến mất không còn dấu vết, bị hại không thể liên lạc hoặc khiếu nại về số tiền nhận được;
Lúc này, nhiều người mới nhận ra cần liên hệ với ngân hàng để kiểm tra tính xác thực của thông tin thì mới phát hiện ra mình bị lừa đảo, ngân hàng không có bất kỳ dịch vụ/hoặc chương trình khuyến mại nào về việc rút tiền ở thẻ tín dụng để chi tiêu;
Nhằm tăng độ tin tưởng cho bị hại, nhiều đối tượng còn sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn như lập website có giao diện/hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, hình ảnh chứng minh nhân dân/căn cước công dân của nhân viên, số điện thoại của nhân viên nếu như cần thiết để đề nghị bị hại kê khai, cung cấp các thông tin qua các website giả mạo về mã OTP, bản chụp hình ảnh thẻ tín dụng, số CVC/CVV của thẻ tín dụng nhằm mục đích chiếm đoạt;
Mỗi chủ thẻ tín dụng cần lưu ý rằng, các ngân hàng sẽ không có dịch vụ rút tiền trực tuyến với yêu cầu khách hàng của mình phải cung cấp mã OTP hay số thẻ tín dụng, bởi đây là các thông tin được bảo mật tuyệt đối.
Do vậy, khi nhận được các lời mời chào, các thông tin sử dụng dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng với lãi suất thấp, lãi suất 0% hoặc tương tự như vậy thì chủ thẻ cần phải cảnh giác, tìm hiểu và xác định tính chính xác của yêu cầu trước khi quyết định hành động.
Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng cũng cần phải thật cẩn trọng khi cung cấp mã số CVC/CVV của thẻ tín dụng khi thanh toán trực tuyến, bởi đây là cơ hội để tin tặc cũng như đối tượng phạm tội lợi dụng tiếp cận, chiếm đoạt thông tin, hạn mức thẻ, tiền trong thẻ.
Kết luận: Hành vi lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng, lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng để chi tiêu đều là những hành vi không mới nhưng lại đòi hỏi chủ thẻ tín dụng, chủ tài khoản ngân hàng và mỗi người chúng ta phải thật cảnh giác, sáng suốt khi nhận được những lời mời chào, quảng cáo.
Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng phải chịu mức phạt hình sự khi thỏa mãn các quy định của Bộ luật Hình sự, chi tiết như chúng tôi nêu dưới đây.
Lừa đảo rút tiền mặt thẻ tín dụng bị xử lý thế nào?
Lừa đảo rút tiền mặt thẻ tín dụng, lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng là hành vi thỏa mãn cấu thành tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tùy thuộc trị giá tài sản bị chiếm đoạt, hành vi cụ thể của đối tượng lừa đảo cùng các yếu tố cấu thành tội phạm, quyết định hình phạt theo quy định mà hình phạt áp dụng cho người phạm tội có thể là phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn, tù chung thân.
Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc, hành nghề trong thời hạn từ 1 - 5 năm.
Chi tiết khung hình phạt tương ứng với trị giá tiền phạm tội của người phạm tội của tội danh này như sau:
Trường hợp phạm tội | Hình phạt chính | Hình phạt bổ sung |
khoản 1 Điều 174 với các hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản, như:
| Khung hình phạt cơ bản:
|
|
khoản 2 Điều 174: Tài sản bị chiếm đoạt trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng | Khung hình phạt tăng nặng 1: Phạt tù từ 2 - 7 năm | |
khoản 3 Điều 174: Tài sản bị chiếm đoạt trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng | Khung hình phạt tăng nặng 2: Phạt tù từ 7 - 15 năm | |
khoản 4 Điều 174: Tài sản bị chiếm đoạt có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên | Khung hình phạt tăng nặng 3:
|
Như vậy, tội phạm lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng, lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tù chung thân nếu số tiền lừa đảo từ 500 triệu đồng trở lên.
Mức hình phạt cụ thể được hội đồng xét xử áp dụng tùy thuộc hồ sơ vụ án, quy định pháp luật.
Bị lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng techcombank, phải làm gì?
Bị lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng techcombank, vpbank,... là những hành vi lừa đảo đang diễn ra đối với nhiều người.
Khi gặp phải trường hợp bị lừa đảo này, chủ tài khoản thẻ tín dụng nên nhanh chóng thực hiện các công việc sau đây:
Liên hệ với các chi nhánh, điểm giao dịch của ngân hàng gần nơi mình đang sinh sống nhất để trình bày vấn đề và để được hỗ trợ;
Cùng lúc đó, trình báo tới cơ quan công an gần nhất về vụ việc, kèm theo các hình ảnh, tài liệu chứng minh về việc bị lừa tiền trong tài khoản thẻ tín dụng để được giải quyết theo trình tự, thủ tục luật định;
Bên cạnh đó, chủ thẻ tín dụng cũng cần rà soát lại các thông tin mình đã cung cấp, đăng tải trên các trang mạng xã hội và xóa bỏ những thông tin đăng tải bất lợi hoặc có phương thức xử lý phù hợp với từng thông tin.
Thông qua hướng dẫn trực tiếp từ các cán bộ ngân hàng, mỗi chủ tài khoản ngân hàng, chủ thẻ tín dụng cần phải nâng cao nhận thức, nâng cao tính cảnh giá của mình về các vấn đề liên quan đến sản phẩm tín dụng.
Đồng thời, mỗi ngân hàng đều có quy trình xử lý, quy trình làm việc liên quan đến thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng và phương thức thông báo thông tin đến khách hàng khác nhau, vậy nên, cần phải hiểu rõ những thông tin này để tránh bị lừa đảo.
Kết luận: Để phòng tránh bị lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng nói chung, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng nói riêng, mỗi người cần phải tự mình tìm hiểu thông tin của sản phẩm mình đang sử dụng, các kiến thức khác có liên quan để có nhận thức đúng đắn nếu có nhận được lời mời chào từ các đối tượng lừa đảo.
Phòng tránh tội phạm lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng bằng cách nào?
Xử lý khi bị lừa đảo, phòng tránh nếu bị lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng, rút tiền từ thẻ tín dụng là những kỹ năng cần phải có của mỗi người dân, đặc biệt là trong thời đại công nghệ đang phát triển ngày càng nhanh, mạnh hiện nay.
Một số kỹ năng cần có để phòng tránh tội phạm lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng, lừa đảo có thể liệt kê như sau:
Tìm hiểu kỹ các thông số, thông tin có trên thẻ tín dụng để hiểu rõ sản phẩm tài chính mà mình có, từ đó có thể biết được những thông số, tài liệu nào cần tuyệt đối bảo mật, những thông số nào có thể cung cấp cho người khác;
Tuyệt đối không được cung cấp mã OTP, mã CVC/CVV thẻ tín dụng, thông tin về chứng minh nhân dân/căn cước công dân cho người khác hoặc trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là khi căn cước công dân hiện nay đã gắn chip, tích hợp các thông tin khác của cá nhân;
Tuyệt đối cảnh giác, thận trọng trước mọi cuộc gọi, mọi email hay tin nhắn được gửi đến số điện thoại yêu cầu cung cấp các mã số, các thông tin liên quan đến tài khoản, giấy tờ tùy thân khác;
Mọi giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản tín dụng, các giao dịch khác đều phải thực hiện tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng, không thực hiện trực tuyến;
Gọi điện đến số hotline của các ngân hàng, tổ chức tín dụng nếu có nghi ngờ về các thông tin nhận được liên quan đến tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng;
Khi phát hiện lừa đảo, phải ngay lập tức trình báo ra cơ quan công an gần nhất nơi mình sinh sống, liên hệ với ngân hàng để khóa thẻ và thực hiện các biện pháp bảo mật khác;
Nâng cao nhận thức về các kiến thức xã hội, về sản phẩm tài chính mình đang sử dụng cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan;
Kết luận: Để các biện pháp phòng tránh hành vi lừa đảo đăng ký tài khoản ngân hàng, lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng,... được phát huy tối đa hiệu quả thì quan trọng là mỗi người dân cần phải thật cẩn trọng, cảnh giác với mọi lời mời chào, quảng cáo trực tuyến hoặc qua điện thoại.
Bên cạnh đó, cũng cần liên hệ theo số điện thoại chuẩn được cung cấp trên website chính thức của các ngân hàng hoặc trực tiếp tại quầy giao dịch của họ để có các thông tin đúng đắn.