hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 09/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lừa đảo đặt đơn hàng ảo bị đi tù không? Làm gì để tránh?

Hành vi lừa đảo đặt đơn hàng ảo đang ngày có nhiều những thủ đoạn rất tinh vi và xảo quyệt. Vậy xử lý hình sự đối với hành vi này ra sao? Làm gì để không bị lừa?

 
Câu hỏi: Chào Luật sư, bạn bè tôi gần đây có gặp tình huống được mời cộng tác viên cho một số trang mạng điện tử hoặc các nền tảng mạng xã hội trực tuyến.

Bản thân tôi khi truy cập vào các trang mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến cũng thấy rất nhiều quảng cáo về công việc làm cộng tác viên bán hàng, cộng tác viên mua hàng, cộng tác viên đặt đơn hàng… để nhận hoa hồng hấp dẫn, có thể lên đến 15%, 17% số tiền của sản phẩm hàng hóa mà lại không cần tiêu hao chất xám hoặc công sức.

Nhiều người xung quanh tôi đã sập bẫy trước những lời mời gọi như thế này.

Xin hỏi Luật sư, hành vi lừa đảo đặt đơn hàng ảo bị xử lý hình sự ra sao?

Người dân cần làm gì để phòng và tránh bị lừa đảo, mất tiền oan, thưa Luật sư?

Chào bạn, hành vi lừa đảo hiện nay đang diễn biến rất đa dạng và có nhiều diễn biến phức tạp, các thủ đoạn ngày càng tinh vi, thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau.

Một trong những biểu hiện cụ thể của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là lừa đảo đặt đơn hàng ảo. Thủ đoạn lừa đảo này có thể diễn ra qua rất nhiều phương tiện, kênh thông tin khác nhau.

Vậy, pháp luật hình sự xử lý tội danh này ra sao, người dân cần làm gì để phòng tránh? HieuLuat sẽ giải đáp cho bạn đọc như sau:

Khi nào hành vi lừa đảo đặt đơn hàng ảo bị xử lý hình sự?

Trước khi cung cấp các phương thức xử lý hình sự đối với hành vi lừa đảo đặt đơn hàng ảo thì cần tìm hiểu những thủ đoạn mà tội phạm này sử dụng nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Theo những thông tin được phản ánh qua các đơn vị truyền thông, trang thông tin điện tử của cơ quan công an một số tỉnh thành, qua bản tin của đài truyền hình Việt Nam,... một số biểu hiện, thủ đoạn chính, đặc trưng của tội phạm này gồm:

  • Mạo danh là nhân viên hoặc các cửa hàng, chủ cửa hàng đang kinh doanh trên nền tảng điện tử của các công ty thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki,... và đăng tải thông tin tuyển dụng nhân viên, cộng tác viên lên mạng xã hội. Thông tin tuyển dụng ghi nhận rằng:

    • Việc đặt hàng là thật, thanh toán tiền cho sản phẩm hàng hóa cũng là thật, nhưng không có hàng hóa được chuyển cho nạn nhân. Bị hại đặt hàng, thanh toán đơn hàng nhằm mục đích làm tăng tỷ lệ bán hàng ảo cho sản phẩm để thu hút khách hàng hoặc tìm kiếm đối tác để mua đơn hàng ảo cho sản phẩm đó. Bị hại nhận được tiền hoa hồng theo giá trị sản phẩm đặt;

    • Nạn nhân/bị hại được nhận tiền hoa hồng có thể lên tới 20% cùng tiền gốc đã thanh toán cho bên tuyển dụng;

  • Sau khi đã xác nhận là cộng tác viên, bị hại sẽ tiến hành đặt hàng, chuyển tiền, nhận lại tiền hoa hồng và tiền gốc. Nắm bắt được tâm lý có thể còn nghi ngờ của bị hại, thường khoảng 10 đơn đặt hàng đầu tiên, bị hại sẽ được tội phạm chuyển tiền gốc, tiền hoa hồng rất nhanh chóng (thường trong vài phút), giá trị tiền đối với những đơn hàng này là không cao;

  • Đến khi tiền hàng lên cao, có thể lên tới vài chục triệu thì tội phạm sẽ từ chối dần và không nhận những thông tin từ bị hại hoặc kéo dài thời gian để yêu cầu bị hại chuyển thêm tiền với lý do hoàn thiện nhiệm vụ. Sau khi nhận được tiền, tội phạm hoàn toàn biến mất, bị hại không thể liên hệ được nữa;

  • Hành vi lừa đảo này ở một số tỉnh, thành phố còn có thể biến tướng thành phải giới thiệu người khác cùng làm cộng tác viên để nhận được tiền hoa hồng của lần đặt hàng trước, càng giới thiệu nhiều thì phần trăm được hưởng càng cao.

    • Bị hại cũng cần phải cung cấp, cập nhật các thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, họ tên để nhận được tiền hoa hồng. Lúc này, hành vi lừa đảo còn thể chuyển hướng thành kinh doanh đa cấp trái phép;

Tóm gọn lại, các hành vi lừa đảo đặt đơn hàng ảo này có đặc điểm chung là bị hại cần phải đặt mua hàng hóa, thanh toán tiền trước cho bên yêu cầu cộng tác và cuối cùng mới là nhận lại tiền hoa hồng và tiền đã thanh toán cho hàng hóa ảo đã đặt.

Những dấu hiệu hành vi nêu trên đã biểu hiện rất rõ ràng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo đó, để xử lý tội phạm này, ngoài các yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản như chủ thể, khách thể, lỗi cố ý,... thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt hoặc người phạm tội đã bị kết án, xử phạt hành chính hay chưa cũng là yếu tố định tội danh.

Cụ thể hành vi vi phạm định tội danh như sau:

  • Người phạm tội bằng hành vi gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 2 triệu đồng trở lên;

  • Nếu trị giá tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc trường hợp đã bị kết án về tội danh này hoặc một trong những tội danh xâm phạm tới tài sản khác được liệt kê ở khoản 1 Điều 174 nêu trên;

  • Hoặc tài sản bị chiếm đoạt có trị giá nhỏ hơn 2 triệu nhưng người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt quy định tại điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;

  • Hoặc trị giá tài sản bị chiếm đoạt là dưới 2 triệu nhưng gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của bị hại và gia đình bị hại;

Mức phạt tối đa đối với tội phạm này có thể là tù chung thân (hay còn gọi là tù không có thời hạn).

Kết luận: Để xử phạt hình sự tội phạm lừa đảo đặt đơn hàng ảo thì yếu tố hậu quả mà tội phạm này gây ra là một trong những dấu hiệu cơ bản để định tội danh.

Theo đó, nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp nêu trên và thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm khác như phạm tội với lỗi cố ý, người phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực chịu trách nhiệm hình sự… thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

lua dao dat don hang ao

Làm gì để phòng tránh tội phạm lừa đảo đặt đơn hàng ảo?

Cách thức phòng tránh tội phạm lừa đảo đặt đơn hàng ảo hoặc các hành vi lừa đảo khác đã được các cơ quan chức năng, các đơn vị truyền thông, các tổ chức/cơ quan hoạt động kinh doanh bị lừa đảo cảnh báo tới khách hàng, người dân rất rộng rãi.

Những biện pháp phòng, tránh tội phạm này chỉ có thể phát huy được tối đa hiệu quả nếu được sự kết hợp của người dân, cơ quan chức năng và của toàn xã hội.

Cụ thể, dựa trên thủ đoạn lừa đảo của tội phạm có thể liệt kê một số cách thức để phòng tránh tội phạm lừa đảo đặt đơn hàng ảo như sau:

  • Trước khi nhận lời làm cộng tác viên cho bất kỳ trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội…người dân phải kiểm tra kỹ càng thông tin của bên thuê. Ví dụ cách kiểm tra như:

    • Liên hệ với trang thương mại điện tử để xác minh thông tin tuyển dụng, thông tin về đơn vị tuyển dụng có chính xác hay không;

  • Thông thường, các trang thương mại điện tử đều có yêu cầu việc thanh toán hoặc là tiền mặt hoặc là qua các phương thức thanh toán sẵn có của hệ thống của kênh thương mại điện tử đó. Trường hợp mà bạn nhận được yêu cầu thanh toán đơn hàng nhưng không qua một trong những phương thức mà trang thương mại điện tử quy định thì nên dừng lại và xem xét, tìm hiểu thông tin;

  • Các trang thương mại điện tử (ví dụ lazada, shopee…) đều đăng tải, cung cấp các thông tin cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách lợi dụng những thông tin của các cửa hàng bán hàng trên trang thương mại điện tử này. Người dân có thể đọc, tìm hiểu qua thông tin qua nguồn này;

  • Khi phát hiện có hành vi lừa đảo, cần ngay lập tức trình báo tới cơ quan công an gần nhất để cơ quan công an có thẩm quyền thực hiện xác minh, ngăn chặn, xử lý tội phạm.

    • Người dân cũng có thể gửi kèm các thông tin về sao kê tài khoản ngân hàng, lịch sử chuyển khoản, thông tin về tài khoản nhận, nội dung cuộc nói chuyện giữa các bên, thông tin về tài khoản mạng xã hội, số điện thoại của người phạm tội…;

  • Không thực hiện thanh toán cho bất kỳ đơn vị, cá nhân nào khi chưa biết rõ ràng những thông tin về đối tượng yêu cầu, thông tin đơn vị thuê cộng tác viên…;

  • Không có công việc nào mà không cần làm việc, không cần sử dụng sức lực, công sức, trí tuệ của mình mà có thể tạo ra lợi nhuận, do đó, khi nhận được những lời mời chào này cần phải cân nhắc, tìm kiếm thông tin, tham khảo những người có kinh nghiệm…trước khi đưa ra quyết định;

  • Về nguyên tắc, chỉ khi bạn làm việc, bạn mới có thể nhận được tiền công/tiền lương/tiền hoa hồng… và bạn không phải nộp bất cứ khoản phí nào cho đơn vị tuyển dụng;

    • ​ Vậy nên, đơn vị tuyển dụng đã yêu cầu bạn nộp tiền mua hàng/thanh toán tiền mua hàng hóa trong khi không có hàng hóa, không có bảo đảm, không có hợp đồng… thì khả năng rất cao là hành vi lừa đảo. Bạn nên dừng lại và không liên hệ cũng như không thực hiện theo những yêu cầu của họ;

  • Thường xuyên cập nhật các thông tin cảnh báo trên các trang thông tin điện tử, kênh thông tin chính thức của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ví dụ như qua các chương trình đưa tin của VTV, trang thông tin điện tử của cơ quan công an các cấp,...;

  • Chặn số điện thoại, chặn các phương thức liên lạc của đối tượng mà bạn có nghi ngờ có hành vi lừa đảo nhằm mục đích ngăn chặn hậu quả xấu hơn có thể xảy ra;

  • Trau dồi kiến thức, nâng cao nhận thức của mình về tội phạm lừa đảo thông qua bạn bè, người thân, cảnh báo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

Như vậy, một số cách thức tương đối dễ để người dân có thể thực hiện nhằm phòng, tránh, ngăn chặn tội phạm lừa đảo đặt đơn hàng ảo như chúng tôi đã nêu ở trên.

Dưới quan điểm cá nhân của người viết, vấn đề nâng cao nhận thức và luôn có tính cảnh giác trước những quảng cáo, chiêu trò của các đối tượng mà nội dung là hướng tới mục đích làm ít, hưởng hoa hồng nhiều.

Ngoài ra, cần phải tìm hiểu nội dung công việc, đơn vị tuyển dụng một cách toàn diện, rõ ràng nhất có thể trước khi quyết định làm việc.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về lừa đảo đặt đơn hàng ảo, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X