hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 17/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nhận diện tội phạm lừa đảo đòi nợ ra sao? Xử lý tội phạm này thế nào?

Lừa đảo đòi nợ thông qua việc nhắn tin, gọi điện là thủ đoạn không còn mới hiện nay. Tuy vậy, nhiều người vẫn bị mắc lừa. Làm gì khi gặp tình huống này và xử lý tội phạm này ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

 
Câu hỏi: Chào Luật sư, thời gian trước, tôi thường xuyên bị các cá nhân là nhân viên của công ty tài chính, công ty của các app cho vay tiền trực tuyến gọi điện, nhắn tin… yêu cầu trả nợ.

Tôi không vay mượn bất kỳ khoản tiền nào tại các đơn vị, cơ quan mà các cá nhân này đề cập tới.

Không chỉ riêng tôi, khá nhiều người bạn của tôi cũng đã gặp phải tình huống nay, nhiều người trong số đó đã tin tưởng và chuyển tiền cho những đối tượng này.

Xin hỏi Luật sư cách xử lý nếu như gặp các trường hợp lừa đảo đòi nợ, lừa đảo nhắn tin đòi nợ của các đối tượng như tôi mô tả là gì?

Tôi được phép trình báo vụ việc ra cơ quan công an không Luật sư?

Những đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào và mức án cao nhất của họ là ra sao?

Cách xử lý khi bị lừa đảo đòi nợ dù không vay tiền là gì?

Dưới góc độ dân sự, cách xử lý nhanh nhất khi gặp các đối tượng lừa đảo đòi nợ qua tin nhắn, qua điện thoại…là phải chặn ngay mọi cách thức họ có thể liên lạc được với mình.

Dưới góc độ pháp lý, các biện pháp được sử dụng có thể bao gồm biện pháp dân sự, hành chính hoặc thậm chí là hình sự.

Tùy thuộc mức độ vi phạm, mức độ ảnh hưởng/hậu quả của hành vi mà công dân có thể lựa chọn các biện pháp phù hợp.

  • Cụ thể, các biện pháp xử lý nếu gặp các hành vi nhắn tin, gọi điện yêu cầu phải trả nợ mặc dù không vay tiền có thể áp dụng như sau:

  • Sử dụng các tính năng chặn cuộc gọi, chặn nhận tin nhắn, chặn gửi/nhận các đoạn hội thoại video… có sẵn trên thiết bị di động, trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo,...;

  • Thông báo cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp, những người quen biết được biết về nội dung cuộc gọi, nội dung tin nhắn đòi nợ mà bạn đã nhận được để họ có biện pháp phòng tránh;

  • Khi bị gọi điện, nhắn tin làm phiền hoặc lừa đảo để yêu cầu phải trả nợ, bạn cần bình tĩnh hỏi đầy đủ các thông tin về địa chỉ công ty, mã số thuế, số tài khoản ngân hàng của công ty, số nợ, thời gian nợ, hợp đồng vay, thông tin khoản nợ. Nếu có thể, hãy ghi âm toàn bộ các cuộc điện thoại;

  • Không cung cấp các thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số giấy tờ tùy thân, nơi làm việc, số tài khoản ngân hàng, quan hệ gia đình/đồng nghiệp/bạn bè… cho các đối tượng đòi nợ;

  • Trình báo ngay tới cơ quan công an gần nhất nơi bạn sinh sống nếu trong cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ có dấu hiệu đe dọa hoặc tình trạng làm phiền bị kéo dài, liên tục;

  • Liên hệ, hỏi ý kiến cách xử lý từ những người có chuyên môn như Luật sư, luật gia hoặc những chuyên gia pháp lý khác;

cảnh giác tội phạm lừa đảo đòi nợ bằng gọi điện qua mạng xã hội

Sở dĩ các đối tượng lừa đảo có thể gọi điện, nhắn tin qua các tài khoản xã hội, qua số điện thoại có thể xuất phát từ nguyên nhân người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn đang có khoản vay tại các tổ chức đơn vị này.

Mặc dù bạn không vay nhưng vì có quen biết nên có thể các đối tượng trên sẽ liên hệ, làm phiền và đòi nợ.

Ngoài khoản tiền họ nói bạn đã vay từ đơn vị họ thì các đối tượng này còn đòi bạn phải khoản tiền mà chồng, con, bố mẹ… của bạn đang vay của họ.

Mục đích của họ là giả mạo các khoản vay làm cho bạn tin rằng bạn đang có nghĩa vụ trả nợ phải thực hiện nếu không họ sẽ tiếp tục làm phiền tới cuộc sống, công việc và những người thân khác.

Thậm chí, họ còn có thể cảnh báo, đe dọa đưa vụ việc ra công an, tòa án để buộc bạn, người thân thích của bạn phải chịu những trách nhiệm lớn hơn.

Nhiều trường hợp, các đối tượng còn đe dọa gây thương tích, giết, đốt nhà… để bạn tin rằng bạn cần phải trả khoản nợ này ngay.

Nắm bắt tâm lý lo sợ hoặc không muốn phải gặp rắc rối pháp lý hoặc không hiểu rõ quy định pháp luật nên các đối tượng này mới có thể thực hiện thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người khác.

Cách thức để đối tượng lấy được tiền chiếm đoạt thường là qua tài khoản ngân hàng.

Bị hại sẽ chuyển tiền theo số tài khoản mà đối tượng cung cấp. Sau khi đã chuyển tiền, các đối tượng sẽ hoàn toàn cắt đứt liên lạc hoặc có thể tiếp tục gian dối để chiếm đoạt thêm tài sản của bị hại.

Kết luận: Thủ đoạn lừa đảo đòi nợ thường áp dụng là đòi nợ từ người thân, bạn bè, vợ/chồng, con của người có khoản nợ đang vay tại các đơn vị cho vay tiền.

Đối tượng lợi dụng tâm lý lo lắng, thiếu hiểu biết pháp luật hoặc không muốn gặp rắc rối mà bị lừa chuyển tiền cho họ trong khi mình không vay.

Thậm chí, trong nhiều trường hợp, người thân thích, bạn bè của bị hại đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ nhưng bị hại vẫn bị các đối tượng này gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt tiền.

Các phương án xử lý bị đòi tiền, lừa đảo yêu cầu chuyển tiền được chúng tôi trình bày ở trên.

trình báo ngay công an khi nhận được cuộc gọi lừa đảo đòi nợ


Tội phạm lừa đảo nhắn tin đòi nợ có mức án cao nhất là gì?

Hành vi lừa đảo đòi nợ qua điện thoại, mạng xã hội/hoặc lừa đảo nhắn tin đòi nợ là một trong những yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Mức hình phạt cụ thể được áp dụng khác nhau đối với từng đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.

Theo quy định, hình phạt cao nhất được áp dụng đối với đối tượng lừa đảo nhắn tin đòi nợ, lừa đảo đòi nợ qua điện thoại… có thể là tù chung thân.

Khi công dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo đòi nợ qua điện thoại, tài khoản mạng xã hội,... nên nhanh chóng trình báo tới cơ quan công an để được hướng dẫn xử lý.

Cụ thể cấu thành tội phạm này và mức phạt cho từng trường hợp được quy định như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định trên, các khung hình phạt với các mức phạt của tội phạm lừa đảo nhắn tin đòi nợ gồm:

Khung hình phạt

Mức phạt cụ thể

Áp dụng đối với tội phạm

Khung hình phạt cơ bản

  • Cải tạo không giam giữ đến 3 năm;

  • Hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm;

Thuộc khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

Khung hình phạt tăng nặng thứ 1

Phạt tù từ 2 đến 7 năm

Thuộc khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự

Khung hình phạt tăng nặng thứ 2

Phạt tù từ 7 đến 15 năm

Thuộc khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự

Khung hình phạt tăng nặng thứ 3

  • Phạt tù từ 12 đến 20 năm;

  • Hoặc phạt tù chung thân;

Thuộc khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự

Kết luận: Đối tượng có hành vi lừa đảo đòi nợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể phải chịu mức án thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, mức cao nhất là tù chung thân.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về lừa đảo đòi nợ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X