hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 22/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lừa đảo tuyển dụng dịp Tết, người lao động nhận biết bằng cách nào?

Lừa đảo tuyển dụng dịp Tết diễn ra khá phổ biến bởi các đối tượng lừa đảo nắm bắt được nhu cầu của nhiều người là muốn có thêm thu nhập vào dịp này. Vậy người lao động có thể nhận biết các hình thức lừa đảo bằng cách nào?

Câu hỏi: Tôi đang có nhu cầu tìm việc làm thời vụ Tết Dương lịch lẫn Âm lịch nhưng thấy quá nhiều thông tin tuyển dụng không rõ ràng. Để tránh bị lừa đảo khi tìm việc thời vụ dịp Tết thì có dấu hiệu nào nhận biết không, xin thông tin giúp tôi.

Thông tin tuyển dụng lừa đảo phổ biến dịp cuối năm là gì?

Nhu cầu tìm việc làm, nhất là làm thời vụ mỗi dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán tăng cao so với các thời điểm khác trong năm. Các đối tượng lừa đảo cũng nhân cơ hội này để đăng các thông tin tuyển dụng nhằm lừa tiền người lao động.

Nắm bắt được nhu cầu muốn có thêm thu nhập dịp tết, nhiều đối tượng xấu sử dụng chiêu trò để có lòng tin của một số người rồi lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của họ.

Một số thông tin tuyển dụng hấp dẫn của các đối tượng lừa đảo như sau:

- Viết nội dung quảng cáo cho website, yêu cầu có điện thoại, máy tính, thời gian làm từ 2-3 tiếng/ngày. Thu nhập từ 100 – 150.000 đồng/bài viết (tùy độ dài).

- Tuyển nhân viên đánh máy theo mẫu bài có sẵn, làm việc tại nhà, không giới hạn số lượng mỗi ngày; công là 50k/bài…

- Tuyển nhân viên đánh giá sản phẩm , đăng bài theo các mẫu sẵn, thu nhập cao, trả theo ngày.

….

Thông thường các bài tuyển dụng không có thông tin rõ ràng về công việc mà chỉ có số điện thoại liên lạc hoặc nhắn tin liên hệ qua mạng xã hội.

Người có nhu cầu xin việc sau khi liên hệ sẽ dễ dàng được tuyển dụng, sau đó được add vào một nhóm kín (zalo, messenger facebook).

Một số đối tượng xấu còn yêu cầu người xin việc tải các ứng dụng lạ để thực hiện chấm công hoặc thông tin số tài khoản để chuyển tiền lương. Khi người dùng tải ứng dụng về đăng nhập, cung cấp các thông tin các nhân thì có thể những thông tin này đều bị đánh cắp.

người lao động cần lưu ý chiêu trò lừa đảo tuyển dụng dịp Tết
Người lao động cần lưu ý các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng dịp Tết.

Nhận biết lừa đảo tuyển dụng dịp Tết 2024 bằng cách nào?

Người dân có thể dễ dàng nhận biết các hành vi lừa đảo tuyển dụng dịp Tết năm 2024 thông qua một số dấu hiệu như sau:

- Không chuyển khoản lương như hứa hẹn

Theo đó, trên thông tin tuyển dụng có thể là trả lương theo ngày, theo tuần, tuy nhiên các đối tượng tuyển dụng có thể yêu cầu người làm thực hiện công việc suốt cả tháng nhưng lại không chuyển lương. Sau khi người làm hoàn thành công việc sẽ bị đẩy ra khỏi nhóm trao đổi công việc mà không được trả lương.

Tuy nhiên, vì không có hợp đồng lao đồng, thỏa thuận công việc cũng không được kí kết mà chỉ thông qua hình thức tin nhắn, đồng thời thông tin người sử dụng lao động cũng không rõ ràng nên người làm cũng khó có thể đòi được quyền lợi cho mình.

- Thu tiền người lao động khi tuyển dụng

Đây là một hình thức lừa đảo diễn ra khá phổ biến. Căn cứ quy định tại Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 về việc tuyển dụng lao động như sau:

Điều 11. Tuyển dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.

2. Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.

Có thể thấy, người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.  Nếu người sử dụng lao động thu tiền khi tuyển dụng thì có thể bị xử phạt từ 01 - 03 triệu đồng (điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Với tổ chức có hành vi tương tự thì mức phạt là gấp đôi (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022)

- Yêu cầu đặt cọc trước khi nhận việc

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 về một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

“2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Do đó, nếu tuyển dụng việc làm thời vụ dịp Tết 2023, người sử dụng lao động có yêu cầu người lao động phải đóng tiền đặt cọc trước khi vào làm việc là sai quy định và có thể bị xử phạt từ 20 - 25 triệu đồng (theo điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt nêu trên là gấp đôi (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022)

- Yêu cầu nộp phí mở tài khoản chuyển lương

Theo khoản 2 Điều 96 Bộ luật Lao động 2019:

“2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.

Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.

Người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động phải trả phí cho việc mở tài khoản để trả lương là không đúng quy định.

Trên đây là các thông tin liên quan đến lừa đảo tuyển dụng dịp Tết. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X