Luật Doanh nghiệp mới nhất 2024 để điều chỉnh lĩnh vực doanh nghiệp là Luật nào? Có hiệu lực khi nào? Cùng tham khảo bài viết sau để biết chi tiết.
Luật Doanh nghiệp mới nhất 2024, đang áp dụng là Luật nào?
Luật Doanh nghiệp mới nhất 2024 đang áp dụng hiện nay
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp mới nhất 2024 đang được áp dụng tại Việt Nam chính là Luật Doanh nghiệp năm 2020 và đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2022.
Tiền thân của Luật Doanh nghiệp chính là Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Đây là những văn bản đầu tiên điều chỉnh về việc thành lập cũng như hoạt động của các cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân.
Trải qua quá trình phát triển kinh tế đất nước cùng với sự ra đời của nhiều loại hình doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp đầu tiên được ban hành vào năm 1999 trên tinh thần hợp nhất hai văn bản pháp luật nêu trên.
Về bản chất, Việt Nam là một nước phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp với truyền thống là nền nông nghiệp lúa nước. Tuy nhiên, từ nửa cuối những năm 1980 đến nay, Việt Nam đã tập trung hơn trong việc xây dựng và phát triển kinh tế năng động, hiện đại và hội nhập với thế giới. Từ đó, thương mại và kinh tế tư nhân ra đời và phát triển bền vững đến ngày nay.
Do có sự hình thành và phát triển của thương mại, kinh tế tư nhân nên Nhà nước ta đã ban hành những văn bản pháp luật, chính sách pháp lý để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.
Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực khi nào?
Luật Doanh nghiệp năm 2020 ra đời trên tinh thần kế thừa và phát huy Luật Doanh nghiệp năm 2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Như đã phân tích trên thì văn bàn pháp luật này đã được sửa đổi vào năm 2022 và đã được hợp nhất tại Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH, có hiệu lực từ ngày 01/3/2022. Có thể dùng Văn bản hợp nhất để tra cứu nhưng không được dùng làm căn cứ pháp lý.
Luật Doanh nghiệp hiện nay có bao nhiêu Điều?
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đang có hiệu lực thi hành ở thời điểm hiện tại có tất cả 10 chương và 218 điều luật điều chỉnh về lĩnh vực doanh nghiệp.
Sau khi được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022 thì Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn được giữ nguyên số lượng chương và các điều khoản mà chỉ điều chỉnh ở một số nội dung của điều luật cụ thể.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp hiện hành?
Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Doanh nghiệp hiện hành ra đời nhằm điểu chỉnh các vấn đề cơ bản sau:
Điều chỉnh về việc thành lập, tổ chức- tổ chức lại, quản lý, giải thể và các hoạt động khác có liên quan đến doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở đây bao gồm: Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân;
Điều chỉnh các nội dung về nhóm công ty.
Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định vấn đề gì?
Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 là điều đầu tiên trong Chương II quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Điều 17 được quy định chi tiết bởi 4 khoản với các nội dung cụ thể sau:
Khoản 1 quy định về chủ thể có quyền thành lập và quản lý hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam theo sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp;
Khoản 2 quy định về các cá nhân, tổ chức không có quyền được thành lập và quản lý hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam;
Khoản 3 quy định về các chủ thể có quyền được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh tại Việt Nam;
Khoản 4 quy định về các hoạt động được xem là thu lợi riêng cho các cơ quan, đơn vị của nhà nước, lực lượng vũ trang và các mục đích hợp pháp.
Như vậy, Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2017 quy định chi tiết và các chủ thể có quyền và không có quyền thành lập, tổ chức hoạt động, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Có các loại hình doanh nghiệp nào được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020?
Có các loại hình doanh nghiệp nào được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020?
Hiện nay, tại Việt Nam có tất cả 05 loại hình doanh nghiệp được Luật Doanh nghiệp năm 2020 điều chỉnh, bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Điều 46 Luật Doanh nghiệp): là loại hình doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là cá nhân, các tổ chức khác nhau và các thành viên phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn mà mình đã góp;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Điều 74 Luật Doanh nghiệp): là một loại hình doanh nghiệp do một cá nhân hoặc một tổ chức nhất định làm chủ sở hữu và phải chịu trách nhiệm toàn bộ với khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn điều lệ của công ty đã đăng ký trước đó;
- Công ty cổ phần (Điều 111 Luật Doanh nghiệp): là loại hình doanh nghiệp mang các đặc trưng cơ bản sau:
Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau, gọi chung là cổ phần;
Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức với số lượng tối thiểu là 03 và không bị giới hạn về số lượng tối đa;
Cổ đông của CTCP phải chịu trách nhiệm về khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn đã góp;
- Cổ đông của CTCP có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình một cách tự do (trừ các trường hợp khác được luật quy định).
- Công ty hợp danh (Điều 177 Luật Doanh nghiệp): là loại hình doanh nghiệp có những đặc trưng cơ bản sau:
Có ít nhất 02 thành viên là cùng là chủ sở hữu, cùng hoạt động với một tên chung, gọi tắt là thành viên hợp danh. Ngoài các thành viên hợp danh nêu trên thì có thể có thêm các thành viên góp vốn theo quy định;
Thành viên hợp danh của công ty phải là cá nhân và phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình;
- Thành viên góp vốn của công ty hợp danh có thể là cá nhân hoặc là tổ chức và họ chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty hợp danh trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
- Doanh nghiệp tư nhân (Điều 188 Luật Doanh nghiệp): là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và phải chịu trách nhiệm về mọ hoạt động của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình.
Theo Luật Doanh nghiệp, các dấu hiệu của doanh nghiệp bao gồm?
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp tại Việt Nam phải có các dấu hiệu sau:
Doanh nghiệp phải có tên riêng gắn tại trụ sở chính, chi nhắn hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp được đặt theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành;
Doanh nghiệp phải có tài sản riêng;
Doanh nghiệp phải có trụ sở làm việc ổn định (gọi là trụ sở chính) với địa chỉ cụ thể, số điện thoại, số fax, địa chỉ email (nếu có);
Doanh nghiệp phải được thành lập theo thủ tục mà pháp luật quy định;
Doanh nghiệp được thành lập với mục đích là để kinh doanh hợp pháp.
Trên đây là 05 dấu hiệu pháp lý cơ bản để xác định một doanh nghiệp hợp pháp tại Việt Nam. Nếu không thể hiện được đầy đủ các dấu hiệu cơ bản trên thì không được xem là doanh nghiệp và ngôn ngữ thông thường gọi là “công ty ma”.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 doanh nghiệp có tối đa bao nhiêu con dấu?
Doanh nghiệp có tối đa bao nhiêu con dấu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp năm 2020, một doanh nghiệp có thể khắc con dấu hoặc làm dấu dưới dạng chữ ký số, bên cạnh đó doanh nghiệp còn có quyền quyết định loại dấu, thức thức, nội dung và cả số lượng con dấu.
Theo quy định trên thì có thể thấy doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu và pháp luật không quy định số lượng tối đa mà cho phép doanh nghiệp tự quyết định vấn đề này.
Luật Doanh nghiệp đã có những văn bản nào hướng dẫn?
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 được hướng dẫn chi tiết bởi các văn bản sau:
Nghị định số 153/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 04/1/2021 Quy định về đăng ký doanh nghiệp;
Nghị định số 47/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/4/2021 Hướng dẫn Luật doanh nghiệp;
Nghị định số 122/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
Nghị định số 23/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 05/4/2022 Quy định về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
Thông tư số 122/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP;
Thông tư số 16/2021/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp;
Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch đầu tư ban hành ngày 16/3/2021 Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số 19006192 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật