hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 23/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024 là Luật ban hành năm nào?

Luật Hôn nhân Gia đình là một trong văn bản quy định về các quyền và nghĩa vụ của mối quan hệ hôn nhân, cũng như các quy định về hôn nhân. Vậy Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024 là Luật được ban hành năm nào? Thông tin sẽ được gửi đến cho bạn đọc trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024 là Luật ban hành năm nào?
  • Luật Hôn nhân gia đình 2014 có những văn bản hướng dẫn nào?
  • Điều 2 Luật Hôn nhân Gia đình quy định vấn đề gì?
  • Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024 có nội dung gì?
  • Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định gì?
Câu hỏi: Cho tôi hỏi Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024 là Luật ban hành năm nào? Có những văn bản hướng dẫn nào? Có quy định nào cần chú ý trong Luật Hôn nhân Gia đình không? Xin cảm ơn.

Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024 là Luật ban hành năm nào?

Hiện nay, Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024 là Luật Hôn nhân Gia đình số 52/2014/QH13 hay còn gọi là Luât Hôn nhân Gia đình 2014. Luật Hôn nhân Gia đình 2014 được Quốc hội ban hành vào ngày 19/06/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 và được áp dụng cho năm 2024.

Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024 là Luật ban hành năm nào?

Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 bao gồm 09 Chương và 133 Điều. Trong đó, đề ra các quy định về chế độ hôn nhân và gia đình, cung cấp một bộ tiêu chuẩn pháp lý để quy định cách các thành viên trong gia đình tương tác với nhau; xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng và tăng cường sự ổn định của chế độ hôn nhân và gia đình.

Luật Hôn nhân gia đình 2014 có những văn bản hướng dẫn nào?

Luật Hôn nhân Gia đình 2014 có các văn bản hướng dẫn như sau:

- Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Nghị định 98/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, điều kiện mang thai hộ mục đích nhân đạo.

- Nghị định 123/2015/NĐ-CP chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

- Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, điều kiện mang thai hộ mục đích nhân đạo.

- Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Hôn nhân và gia đình

- Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình.

Điều 2 Luật Hôn nhân Gia đình quy định vấn đề gì?

Điều 2 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 quy định về các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, cụ thể gồm các nguyên tắc sau:

Điều 2 Luật Hôn nhân Gia đình quy định vấn đề gì?

Điều 2 Luật Hôn nhân Gia đình quy định vấn đề gì?

1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

Những nguyên tắc này thể hiện sự tự nguyện và bình đẳng trong hôn nhân, sự đa dạng văn hóa và tôn giáo, cũng như trách nhiệm của nhà nước, xã hội và gia đình đối với việc bảo vệ và hỗ trợ các thành viên gia đình, đồng thời kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc về hôn nhân và gia đình, đồng thời nhấn mạnh sự quan tâm và bảo vệ của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024 có nội dung gì?

Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 quy định về những hành vi bị cấm và không được thực hiện theo quy định pháp luật về hôn nhân gia đình, bao gồm các hành vi sau:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Có thể thấy rằng, những hành vi này bị cấm do vi phạm đạo đức cũng như không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của hôn nhân và gia đình. Đồng thời, có những hành vi còn gây tổn hại đến người thân trong gia đình và bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình một cách hợp pháp, đúng chuẩn mực.

Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định gì?

Theo Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân Gia đình 2014:

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Theo quy định này, ngoài vợ/chồng thì cha, mẹ, người thân khác của vợ/chồng cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp:

- Vợ/chồng không thể nhận thức, làm chủ hành vi do bị bệnh tâm thần/bệnh khác.

- Đồng thời, người này là nạn nhân của bạo lực gia đình do đối phương gây ra, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của họ.

4 nội dung đáng chú ý của Luật Hôn nhân Gia đình 

Quy định về điều kiện kết hôn

Điều kiện kết hôn giữa nam và nữ được quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, cụ thể gồm các điều kiện sau:

- Về độ tuổi: Đối với nam giới phải từ đủ 20 tuổi trở lên, đối với nữ thì phải đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn phải được hai người nam và nữ tự nguyện quyết định, không bị ép buộc, cưỡng bức

- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Việc kết hôn không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm kết hôn theo quy định.

Lưu ý: Pháp luật Việt Nam không công nhận hôn nhân giữa những người đồng giới.

Quy định về tài sản chung/tài sản riêng vợ, chồng

Tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, cụ thể như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Tài sản riêng của vợ, chồng được quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân Gia đình 2014: 

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Quy định về ly hôn đơn phương, thuận tình

Về ly hôn đơn phương: Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, ly hôn theo yêu cầu của một bên/ly hôn đơn phương được quy định như sau:

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Về ly hôn thuận tình, theo Điều 55 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, trong trường hợp vợ và chồng cùng đồng ý ly hôn, nếu Tòa án xác định rằng cả hai bên có sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận được về việc chia tài sản, trách nhiệm trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, và giáo dục con, thì Tòa án sẽ công nhận quyết định ly hôn theo ý muốn của cả hai bên.

Nếu không có thỏa thuận/thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vấn đề ly hôn.

Quy định về quyền nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn bao gồm:

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.

Về quyền nuôi con khi ly hôn: Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền nuôi con sau ly hôn như sau:

- Vợ và chồng có thể thỏa thuận về việc ai sẽ trực tiếp nuôi con và về nghĩa vụ, quyền của mỗi bên đối với con sau khi ly hôn (nghĩa vụ cấp dưỡng, chu cấp,...). Trong trường hợp không có thỏa thuận giữa các bên, thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dựa trên quyền lợi tốt nhất của con cái. 

- Đối với con cái từ đủ 07 tuổi trở lên, Tòa án sẽ lấy ý kiến của con để xem xét trao quyền nuôi con cho vợ/chồng sau khi ly hôn.

- Trẻ em dưới 36 tháng tuổi phải được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ khi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con, hoặc khi cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp hơn với lợi ích của con.

Trên đây là thông tin gửi đến bạn đọc về Luật Hôn nhân Gia đình mới nhất 2024. Vui lòng liên hệ theo tổng đài  19006199 nếu có các vấn đề liên quan cần giải đáp để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số  1900.6199 để hỗ trợ, giải đáp

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Văn bản liên quan

Có thể bạn quan tâm

X