Luật Thương mại mới nhất 2024 còn hiệu lực là Luật nào? Phạm vi, đối tượng điều chỉnh như thế nào? Những thông tin cơ bản về Luật Thương mại mới nhất 2024 tham khảo dưới đây.
Luật Thương mại mới nhất 2024 còn hiệu lực là Luật nào?
Luật Thương mại mới nhất 2024 còn hiệu lực là Luật Thương mại số 36/2005/QH11 hay còn gọi là Luật Thương mại năm 2005.
Ngày 14/6/2005, Quốc hội thông qua Luật Thương mại số 36/2005/QH11 điều chỉnh hoạt động thương mại xảy ra trên lãnh thổ nước ta. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006 và đến nay vẫn chưa bị thay thế bởi bất kỳ văn bản nào.
Luật Thương mại 2005 ban hành ngày nào, áp dụng khi nào?
Luật Thương mại 2005 được ban hành vào ngày 14/6/2005 bởi Quốc hội và chính thức được áp dụng vào ngày 01/01/2006 trên toàn quốc.
Tính đến nay đã hơn 17 năm luật được áp dụng, điều chỉnh các quan hệ thương mại giữa các chủ thể trên lãnh thổ Việt Nam.
Một số nội dung của Luật Thương mại 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Quản lý ngoại thương 2017 (quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; và việc giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương) và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (quy định các biện pháp giảm tác hại của rượu bia, trách nhiệm của cơ quan nhà nước,..).
Cùng với đó, cũng có 24 văn bản pháp luật hiện đang còn hiệu lực hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều, một số nội dung của Luật Thương mại như các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định hướng dẫn về nhãn hàng hóa, hòa giải thương mại,...
Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại
Đối tượng mà Luật Thương mại 2005 áp dụng chính là các thương nhân có hoạt động thương mại; các cá nhân, tổ chức khác có hoạt động liên quan đến thương mại cùng với các cá nhân khác có hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên nhưng không phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định.
Theo Điều 1 Luật Thương mại năm 2005 thì phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm các vấn đề sau:
- Hoạt động thương mại do các thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Việt Nam.
- Hoạt động thương mại do thương nhân thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nếu các bên áp dụng Luật Thương mại.
- Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi trong giao dịch xảy ra tại Việt Nam của một bên là thương nhân - một bên là chủ thể thực hiện hoạt động không sinh lợi, mà bên này đã lựa chọn áp dụng Luật Thương mại để điều chỉnh mối quan hệ phát sinh.
Điều 3, 6, 7, 8 Luật Thương mại 2005 quy định về vấn đề gì?
Điều 3 Luật Thương mại 2005
Điều 3 Luật Thương mại 2005 gồm có 15 khoản, trong đó giải thích cách hiểu của một số thuật ngữ được Luật này đề cập, giúp việc hiểu và áp dụng luật trên thực tế diễn ra một cách dễ dàng và chính xác nhất.
Theo đó, Điều luật đưa ra định nghĩa về hoạt động thương mại, hàng hóa, xúc tiến thương mại, các hoạt động trung gian thương mại, vi phạm hợp đồng, xuất xứ hàng hóa,...
Điều 6 Luật Thương mại 2005
Điều 6 của Luật Thương mại quy định về thương nhân.
- Thương nhân gồm có tổ chức kinh tế hoặc cá nhân. Trong đó, yêu cầu tổ chức kinh tế phải được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và phải có tiến hành đăng ký kinh doanh.
- Quyền của thương nhân: Được hoạt động thương mại trong các ngành nghề khác nhau, tại các địa bàn khác nhau, dưới các hình thức và phương thức mà pháp luật hiện hành không cấm.
- Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân nêu trên được bảo hộ bởi Nhà nước.
- Một số hoạt động thương mại với hàng hóa, dịch vụ, địa bàn nhất định sẽ được Nhà nước thực hiện độc quyền nhằm mục đích bảo đảm lợi ích của quốc gia.
Điều 7 Luật Thương mại 2005
Điều 7 của Luật Thương mại năm 2005 quy định nghĩa vụ thực hiện đăng ký kinh doanh của thương nhân. Theo đó, việc đăng ký kinh doanh theo đúng quy định pháp luật là nghĩa vụ mà thương nhân phải thực hiện. Nếu chưa đăng ký kinh doanh thì thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động thương mại của mình.
Điều 8 Luật Thương mại 2005
Điều 8 Luật Thương mại quy định hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại. Theo đó, Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động này. Tiếp theo đó là Bộ Công thương, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp thực hiện hoạt động quản lý trong phạm vi quyền hạn của mình và theo sự phân công của cấp trên.
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại như thế nào?
Nội dung bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được quy định tại Điều 302, Điều 303 Luật Thương mại.
- Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được phát sinh khi xảy ra đầy đủ các điều kiện sau:
Có hành vi vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mà 02 bên đã ký kết;
Có thiệt hại thực tế xảy ra;
Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra (hành vi vi phạm hợp đồng chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại hợp đồng).
Quy định này không áp dụng với các trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại như xảy ra sự kiện bất khả kháng, do lỗi của bên bị thiệt hại,...
- Việc bồi thường thiệt hại sẽ do bên vi phạm thực hiện, mục đích là bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra cho bên bị vi phạm.
- Giá trị bồi thường thiệt hại gồm có: Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu bên vi phạm không có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra.
Quy định của Luật Thương mại về mua bán hàng hóa
Theo giải thích tại Điều 3 Luật Thương mại thì mua bán hàng hóa chính là hoạt động thương mại, gồm có 02 bên là bên bán và bên mua hàng hóa.
Trong đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hóa của mình cho bên mua, đồng thời được nhận thanh toán tiền mua hàng; bên mua hàng hóa có nghĩa vụ thanh toán, được nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Tại Chương II của Luật này có các quy định về mua bán hàng hóa, gồm các nội dung:
* Quy định chung, cơ bản về hoạt động này:
- Hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá: Có thể thể hiện bằng lời nói, hành vi, hoặc ghi nhận bằng văn bản. Riêng những loại hợp đồng mà pháp luật quy định hình thức cụ thể thì phải tuân thủ theo hình thức đó.
- Nội dung về mua bán hàng hóa quốc tế dưới các hình thức khác nhau: xuất/nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất,...;
- Nhãn hàng hóa;
- …
* Các quy định về quyền, nghĩa vụ của bên bán, bên mua trong hoạt động mua bán hàng hóa: Vấn đề giao hàng và giao chứng từ, địa điểm giao hàng, trách nhiệm của các bên khi tiến hành giao hàng, thời hạn giao hàng, trách nhiệm khi giao hàng không phù hợp/giao trước thời hạn, khắc phục hậu quả khi giao hàng không đúng, kiểm tra hàng hóa, nghĩa vụ thanh toán, nghĩa vụ bảo hành, vấn đề nhận hàng, vấn đề chuyển rủi ro,...
* Các quy định về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch: Cách hiểu, hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng này, các hành vi bị cấm thực hiện khi tiến hành mua bán qua Sở giao dịch,..
Bài viết trên đây đã giải đáp cho các bạn về Luật Thương mại mới nhất 2024. Nếu còn vấn đề nào liên quan đến pháp luật chưa rõ, cần được tư vấn thêm các bạn vui lòng liên hệ tổng đài: 19006192 .Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số 19006192 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật