hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 23/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lương thử việc so với lương chính thức thế nào?

Một trong những vấn đề người lao động thử việc quan tâm đó là mức lương thử việc so với lương chính thức thế nào? Pháp luật quy định ra sao về điều này?

Mục lục bài viết
  • Hợp đồng thử việc gồm những nội dung gì?
  • Lương thử việc so với lương chính thức thế nào?
  • Trả lương thử việc thấp hơn quy định, có bị xử phạt?
Câu hỏi: Em mới ra trường, em vừa phỏng vấn vào một công ty và đầu tháng 10 em sẽ bắt đầu thời gian thử việc. Em chưa có kinh nghiệm đi làm nên em chưa hiểu lắm về hợp đồng thử việc. Cho em hỏi hợp đồng thử việc sẽ bao gồm những nội dung nào, mức lương thử việc so với lương chính thức là bao nhiêu?

Hợp đồng thử việc gồm những nội dung gì?

Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định nội dung hợp đồng thử việc như sau:

2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.

Theo đó, nội dung của hợp đồng thử việc gồm:

- Thời gian thử việc

- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động; với người giao kết hợp đồng lao động cần có thông tin về họ tên, chức danh

- Thông tin của người lao động gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu…

- Địa điểm làm việc, các công việc cụ thể…

- Mức lương, hình thức và thời hạn trả lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác;

- Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi

- Trang bị bảo hộ lao động...

Như vậy, trong hợp đồng thử việc có quy định rõ mức lương trong thời gian thử việc. Do đó, bạn cần để ý nội dung này để biết công ty bạn thử việc có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không?

luong thu viec so voi luong chinh thuc

Lương thử việc so với lương chính thức thế nào?

Bộ luật Lao động 2019 có quy định rõ về mức lương thử việc tại Điều 26. Theo đó:

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Như vậy, mức lương tối thiểu người sử dụng lao động phải trả cho người thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức của công việc đó.

Ví dụ: mức lương chính thức của bạn là 10 triệu đồng/tháng, thì trong thời gian thử việc công ty phải trả cho bạn tối thiểu là 85% tức là 8,5 triệu đồng/tháng.

Nếu trả thấp hơn mức ngày, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt theo quy định.

Bên cạnh đó, nếu công ty không trả đúng mức lương cho bạn, bạn cũng có thể nghỉ ngang mà không cần báo trước, như theo quy định tại khoản 2Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc kết thúc thời gian thử việc như sau:

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Trả lương thử việc thấp hơn quy định, có bị xử phạt?

Căn cứ theo quy định tại khoản Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt với các hành vi vi phạm quy định về thử việc thì mức phạt cụ thể đối với hành vi trả lương thử việc thấp hơn quy định như sau:

- Phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:

Một là, yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc

Hai là, để người lao động thử việc quá thời gian quy định

Thứ ba là trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;

Và thứ tư là không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu nếu hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.

Khoản 3 Điều luật này cũng nêu rõ biện pháp khắc phục hậu quả nếu có hành vi vi phạm trên là buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.

Mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Như vậy, nếu người sử dụng lao động nếu trả lương cho người lao động thấp hơn 85% mức lương của công việc đó trong thời gian thử việc có thể sẽ bị phạt tiền từ 2- 5 triệu đồng đối với cá nhân, phạt từ 4 - 10 triệu đồng đối với tổ chức và buộc phải trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi vi phạm.

Trên đây là giải đáp cho vấn đề lương thử việc so với lương chính thức thế nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Thử việc có hợp đồng không? Rủi ro gì khi chỉ giao kết miệng?

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X