Trong bối cảnh xã hội hiện đại, vấn đề ly hôn ngày càng gia tăng. Bên cạnh tranh chấp tài sản, ly hôn còn dẫn đến tranh chấp về quyền nuôi con. Theo quy định hiện hành, ly hôn ai được quyền nuôi con?
Ai được nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn?
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, của con cái khi cha mẹ ly hôn, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cụ thể về nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Từ quy định trên có thể thấy việc ai là người nuôi con sau ly hôn phụ thuộc trước hết vào thỏa thuận của cha, mẹ. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án là người quyết định dựa vào những căn cứ sau:Nếu con dưới 36 tháng tuổi:
- Mẹ là người được nuôi con (trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con).
- Nếu người cha chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì Tòa án cân nhắc giao con cho người cha trực tiếp nuôi con.
Nếu con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên:
- Vợ, chồng thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
- Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án dựa vào các căn cứ sau để quyết định ai là người nuôi con sau ly hôn:
+ Quyền lợi về mọi mặt của con bằng các tiêu chí như vật chất: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập, tinh thần như: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.
+ Xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Đáng chú ý, theo Điều 52 và khoản 1 Điều 54 Bộ Luật dân sự 2015, nếu Tòa án xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ, trong đó bao gồm:
- Người giám hộ đương nhiên theo thứ tự sau:
+ Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ;
Nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ (trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác là người giám hộ).
+ Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ là người giám hộ.
+ Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
- Người giám hộ được cử, chỉ định:
+ Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì trẻ được giao cho người giám hộ cử. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
+ Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ đương nhiên về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
Thu nhập bao nhiêu thì được quyền nuôi con khi vợ chồng ly hôn?
Như phân tích ở trên,trong việc giành quyền nuôi con khi ly hôn, trước hết pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, nếu bạn và vợ không thể thỏa thuận được, Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để giao con cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
Ngoài ra, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì Tòa án có căn cứ vào nguyện vọng của con để giao con cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi.
Như vậy, rõ ràng pháp luật không có quy định cụ thể về thu nhập để giành được quyền nuôi con sau ly hôn.
Tuy nhiên, nếu thu nhập cao vượt trội, có khả năng mang lại cuộc sống sung túc nhất cho con là một điểm cộng lớn khi yêu cầu Tòa án xác định quyền nuôi con. Đồng thời với thu nhập cao, nếu bạn có thời gian yêu thương, chăm sóc con (đối với con trên 36 tháng tuổi) thì gần như quyền nuôi con sẽ nghiêng về bạn. Tuy nhiên, nếu con dưới 36 tháng tuổi thì rất khó quyền nuôi con thuộc về người cha.Trên đây là giải đáp ly hôn ai được quyền nuôi con? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.