Khi ly hôn đơn phương, chỉ một bên có yêu cầu ly hôn và chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Ly hôn đơn phương mất bao nhiêu tiền? Ai phải nộp?
Ly hôn đơn phương mất bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Ly hôn đơn phương hay ly hôn theo yêu cầu của một bên được hiểu đơn giản là việc chỉ có một bên vợ hoặc chồng đồng ý ly hôn, tự nguyện ký vào Đơn ly hôn.
Khi xét thấy có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được và Tòa án đã hòa giải không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Về án phí với vụ án ly hôn đơn phương, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định như sau:
- Nếu yêu cầu ly hôn không có giá ngạch (không có tranh chấp về tài sản xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể) thì án phí ly hôn sơ thẩm là 300.000 đồng.
- Nếu yêu cầu đơn phương ly hôn đồng thời với yêu cầu phân chia tài sản, tức ly hôn có giá ngạch thì án phí ly hôn được tính cụ thể theo từng mức tranh chấp khác nhau.
+ Nếu hai bên có tranh chấp tài sản từ 06 triệu đồng trở xuống mức án phí là 300.000 đồng.
+ Nếu tranh chấp tài sản từ trên 06 - 400 triệu đồng mức án phí được quy định bằng 5% giá trị tài sản tranh chấp.
+ Trường hợp tranh chấp tài sản từ 400 - 800 triệu đồng mức án phí bằng 20.000.000 đồng + 4% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng.
+ Tranh chấp tài sản từ 800 triệu đồng đến 02 tỷ đồng, mức án phí bằng 36 triệu đồng + 3% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 800 triệu đồng.
+ Tranh chấp tài sản từ trên 02 - 04 tỷ đồng mức án phí bằng 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 02 tỷ đồng.
+ Tranh chấp tài sản trên 04 tỷ đồng mức án phí bằng 112 triệu đồng + 0.1% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 04 tỷ đồng.
(Nếu yêu cầu ly hôn được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì vợ chồng phải chịu mức án phí bằng 50% mức án phí nêu trên).
Ai phải chịu án phí khi ly hôn đơn phương?
Theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, bạn - người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.”
Theo khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.
Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, nghĩa vụ chịu án phí được quy định như sau:
- Vợ chồng trong vụ án ly hôn ngoài việc phải chịu 300.000 đồng tiền án phí không có giá ngạch thì phải chịu thêm án phí của phần tài sản tương ứng với giá trị mà mình được chia;
- Vợ chồng đã tự thỏa thuận phân chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi tiến hành hòa giải thì không phải chịu án phí phần tài sản này;
- Vợ chồng phải chịu 50% mức án phí tương đương với giá trị tài sản họ được chia nếu họ không thỏa thuận được tại phiên hòa giải nhưng trước khi mở phiên tòa thì lại tự thỏa thuận được và yêu cầu công nhận trong bản án, quyết định của Tòa.
- Vợ chồng phải chịu án phí với toàn bộ tài sản phân chia nếu chỉ thống nhất được một phần trong phiên hòa giải…
Hiện nay, với tranh chấp về hôn nhân và gia đình không đặt ra vấn đề miễn/không phải nộp tiền tạm ứng án phí.Tuy nhiên, Điều 13 Nghị quyết 326 quy định giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án với người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được Tòa án giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án mà người đó phải nộp.
Trên đây là giải đáp ly hôn đơn phương mất bao nhiêu tiền? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.