hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 23/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ly hôn giả bị xử lý thế nào? Ai có quyền xử phạt?

Nhiều cặp vợ chồng hiện nay thường thỏa thuận ly hôn giả để thực hiện một số mục đích liên quan đến tài sản, con cái chứ không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân. Vậy ly hôn giả có vi phạm pháp luật không và bị xử lý thế nào?

Mục lục bài viết
  • Thế nào là ly hôn giả tạo?
  • Ly hôn giả tạo có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
  • Ly hôn giả bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật?
  • Ai có quyền xử phạt khi phát hiện trường hợp ly hôn giả?
Câu hỏi: Tôi có người quen muốn ly hôn và chia tài sản. Nhưng mục đích của việc ly hôn này là người đó muốn chuyển hết số tài sản mà mình có qua cho đối phương bên kia để không phải trả nợ. Việc ly hôn giả này nếu bị phát hiện thì bị xử lý thế nào?

Thế nào là ly hôn giả tạo?

Căn cứ quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn giả hay ly hôn giả tạo:

...là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

Thế nào là ly hôn giả tạo?
Theo đó, hành vi được xem là ly hôn giả tạo phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Lợi dụng ly hôn để:

+ Trốn tránh nghĩa vụ tài sản;

+ Vi phạm chính sách, pháp luật về dân số;

+ Để đạt được mục đích khác.

- Không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

Ly hôn giả tạo có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?

Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong chế độ hôn nhân và gia đình. Trong đó, cấm việc kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.

Như vậy, hành vi ly hôn giả tạo được xem là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Về hình thức và mức độ xử lý như thế nào, bạn có thể theo dõi nội dung dưới đây để biết thêm chi tiết.

Ly hôn giả bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật?

* Mức xử phạt vi phạm hành chính người ly hôn giả tạo:

Người có hành vi ly hôn giả tạo có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Theo đó, áp dụng mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người “lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.”

Đồng thời, người vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải nộp lại toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi ly hôn giả tạo.

Ly hôn giả bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật?

* Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức ly hôn giả:

Ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi ly hôn giả tạo được xem là vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình còn có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 8 và Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:

Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình;...

Hình thức kỷ luật khiển trách chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm lần đầu và gây hậu quả ít nghiêm trọng.

(Trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 và khoản 3 Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.)

* Đảng viên ly hôn giả bị xử lý thế nào?

Theo Điều 51 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 về kỷ luật Đảng viên hiện nay, hành vi ly hôn giả tạo không được liệt kê vào một trong những hành vi vi phạm quy định hôn nhân gia đình có thể bị xử lý kỷ luật Đảng viên.

Tuy nhiên, trường hợp Đảng viên có hành vi ly hôn giả tạo nhằm vi phạm quy định chính sách dân số nhưng gây hậu quả ít nghiêm trọng tại Điều 52 Quy định 69-QĐ/TW, thì có thể bị xử lý kỷ luật khiển trách.

Trường hợp tái phạm, hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc rơi vào các trường hợp tại khoản 2, 3 Điều 52 Quy định 69-QĐ/TW, mức xử lỷ kỷ luật cao nhất có thể là bị khai trừ khỏi đảng.

Ai có quyền xử phạt khi phát hiện trường hợp ly hôn giả?

Căn cứ khoản 2 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện hành vi ly hôn giả tạo là công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.

Ai có quyền xử phạt khi phát hiện trường hợp ly hôn giả?

Ai có quyền xử phạt khi phát hiện trường hợp ly hôn giả?

Đồng thời, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hành vi ly hôn giả tạo bao gồm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (điểm c khoản 1 Điều 88 Nghị định 82/2020/NĐ-CP);

- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Tư pháp (điểm b khoản 2 Điều 88 Nghị định 82/2020/NĐ-CP);

- Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp (điểm c khoản 2 Điều 88 Nghị định 82/2020/NĐ-CP).

Trên đây là một số thông tin về thế nào là ly hôn giả và mức phạt đối với hành vi ly hôn giả tạo mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc.

Nếu có thắc mắc về ly hôn giả và các quy định liên quan đến hôn nhân, gia đình khác, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X