hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 12/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Án phí khi ly hôn không yêu cầu chia tài sản là bao nhiêu?

Ly hôn được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Nếu vợ chồng ly hôn mà không yêu cầu chia tài sản thì mức án phí được tính như thế nào? Tài sản của vợ chồng thì con có được chia không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, vợ chồng tôi đã chung sống với nhau được hơn 20 năm nay. Con cái đều đã qua tuổi 18. Trong suốt quá trình chung sống, chúng tôi có cùng nhau tạo lập được khối tài sản chung là 01 căn hộ chung cư (nay đang để đứa con út của chúng tôi ở đó cho thuận tiện việc học hành), 01 chiếc xe ô tô mới mua được 01 năm, 01 căn nhà riêng (nhà mặt đất) là nơi vợ chồng tôi đang ở.

Nay, do có quá nhiều mâu thuẫn về cuộc sống, quan điểm sống, cách sống mà chúng tôi đã cố gắng níu kéo, hàn gắn trong suốt khoảng thời gian dài vẫn không có kết quả tích cực nên tôi quyết định ly hôn. Đây có lẽ là phương án mà bản thân tôi cũng không mong muốn, nhưng không còn cách nào khác để có thể chung sống cùng một mái nhà với chồng của tôi.

Tôi hi vọng Luật sư có thể giải đáp cho tôi một số vấn đề liên quan đến tài sản khi ly hôn như sau:

1. Nếu vợ chồng tôi ra tòa mà không yêu cầu Tòa phân chia tài sản chung thì mức án phí mà chúng tôi phải chịu là bao nhiêu?

2. Khi chúng tôi ly hôn thì các con của tôi có quyền yêu cầu chia tài sản mà vợ chồng tôi tạo dựng trong thời kỳ chung sống hôn nhân hay không?

Chào bạn, với những vướng mắc của bạn về án phí ly hôn và việc chia tài sản khi ly hôn, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Mức án phí khi ly hôn không yêu cầu chia tài sản là bao nhiêu?

Hiện nay, việc chịu án phí, lệ phí tòa án khi ly hôn được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 và các văn bản khác có liên quan. Ly hôn được thực hiện theo 02 hình thức là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương nên với mỗi hình thức ly hôn bạn lựa chọn thì bạn sẽ phải chịu mức án phí khác nhau.

Theo thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn có mong muốn, yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn (chấm dứt quan hệ hôn nhân/vợ chồng) nhưng không yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung mà chưa nói rõ cho chúng tôi thông tin vợ chồng bạn có đồng thuận ly hôn hay không. Do đó, có thể phát sinh 02 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Vợ chồng bạn thuận tình ly hôn (đồng thuận ly hôn)

Đây là trường hợp ly hôn mà vợ chồng bạn phải đảm bảo không phát sinh bất kỳ tranh chấp nào về tài sản, về việc nuôi dưỡng con cái (nếu có), cùng thực hiện thủ tục yêu cầu tòa công nhận thuận tình ly hôn (cùng ký tên vào đơn yêu cầu và cùng có mặt tại Tòa án theo giấy triệu tập/giấy mời…để giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn), các nghĩa vụ hoặc tài sản và quan hệ hôn nhân.

Chi phí để giải quyết yêu cầu ly hôn này của vợ chồng bạn được gọi là lệ phí tòa án. Khi đảm bảo các yếu tố ly hôn thuận tình nêu trên thì căn cứ Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, mức lệ phí tòa án mà vợ chồng bạn phải chịu là 300.000 đồng.

Mức lệ phí này do vợ chồng bạn thỏa thuận người nộp, nếu không thỏa thuận được thì mỗi người chịu một nửa (mỗi người chịu 150.000 đồng).

Trường hợp 2: Vợ chồng bạn không đồng thuận ly hôn (ly hôn đơn phương)

- Trái ngược với ly hôn thuận tình là ly hôn đơn phương. Đây có thể hiểu là hình thức ly hôn theo yêu cầu của một bên (tức chỉ có một bên mong muốn ly hôn).

Chi phí để Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn này của vợ chồng bạn được gọi là án phí.

Do theo thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn không có tranh chấp về tài sản chung (không có yêu cầu phân chia) mà chỉ có yêu cầu Tòa án giải quyết để chấm dứt quan hệ hôn nhân nên theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 đây là khoản án phí sơ thẩm của vụ án hôn nhân gia đình không có giá ngạch.

Mức tiền án phí giải quyết cho yêu cầu ly hôn trong trường hợp này của vợ chồng bạn là 300.000 đồng (căn cứ theo Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14)

Người có yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương (bên nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn) là người phải chịu số tiền án phí này.

- Nếu vụ án ly hôn của bạn có kháng cáo thì người kháng cáo là người phải chịu mức án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hôn nhân gia đình và mức án phí này là 300.000 đồng (Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).

Như vậy, vợ chồng bạn ly hôn nhưng không yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung/nghĩa vụ chung thì mức án phí, lệ phí tòa án phải chịu là 300.000 đồng (bao gồm cả trường hợp có kháng cáo). Tùy thuộc vào hình thức ly hôn là đơn phương hay thuận tình mà người chịu án phí, lệ phí tòa án có thể là cả hai vợ chồng hoặc chỉ người yêu cầu ly hôn, người kháng cáo.

ly hon khong yeu cau chia tai san


Khi vợ chồng ly hôn, con có được chia tài sản không? 

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng, bạn đang muốn chúng tôi giải đáp về việc con của bạn có được quyền yêu cầu phân chia tài sản chung mà vợ chồng bạn đã tạo lập nên trong quá trình chung sống.

Các tài sản mà bạn liệt kê đều là những tài sản có đăng ký với cơ quan Nhà nước hay chỉ khi được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận (đối với nhà, đất), đăng ký xe ô tô thì vợ chồng bạn mới là chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp của các tài sản này. Trong trường hợp của bạn, chúng tôi ghi nhận rằng, các tài sản này hình thành mà không có sự đóng góp hay được tặng cho, thừa kế chung đối với các thành viên trong gia đình mà nó được hình thành từ nguồn lực của riêng vợ chồng bạn.

Do đó, đây là tài sản được coi là tài sản chung hợp nhất có thể phân chia của vợ chồng bạn, và chỉ có vợ, chồng bạn được quyền định đoạt theo quy định tại Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 213. Sở hữu chung của vợ chồng

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.

5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.

=> Từ căn cứ trên, suy ra, các con của bạn không là người có quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp đối với khối tài sản do vợ chồng bạn tạo dựng, phát triển, quản lý, gìn giữ, nên không có quyền yêu cầu phân chia.

Các con của bạn chỉ được quyền yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng bạn nếu tài sản đó được cấp cho hộ gia đình (ví dụ đất đai được Nhà nước giao cho hộ gia đình bạn…) và các con của bạn là những người có tên trong hồ sơ/quyết định giao đất/cho thuê…quyền sử dụng đất từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, tài sản được Nhà nước công nhận quyền sử dụng, sở hữu của hai vợ chồng bạn thì các con bạn không có quyền yêu cầu phân chia. Các con của bạn chỉ có quyền yêu cầu phân chia trong trường hợp tài sản đó được Nhà nước công nhận quyền cho toàn bộ các thành viên của gia đình bạn.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về ly hôn không yêu cầu chia tài sản, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Năm 2022, ly hôn cần những giấy tờ gì?

>> Phụ nữ được hưởng những quyền lợi gì khi ly hôn?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X