hieuluat
Chia sẻ email

Căn cứ ly hôn theo yêu cầu của một bên gồm những gì?

Ly hôn là thủ tục pháp lý nhằm mục đích chấm dứt quan hệ hôn nhân của nam nữ. Pháp luật cũng quy định khi ly hôn thì các bên cần phải có lý do rõ ràng, phù hợp với quy định. Vậy, đối với trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên thì căn cứ ly hôn là gì? Hồ sơ để giải quyết ly hôn bao gồm những giấy tờ gì?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang có dự định ly hôn, vì vậy, đã tìm hiểu một số quy định liên quan đến thủ tục ly hôn này của mình. Tôi đã thỏa thuận với chồng của mình về việc ly hôn nhưng anh ta không đồng ý. Vợ chồng tôi có 01 con chung, năm nay cháu 05 tuổi. Về tài sản chung thì chúng tôi chỉ có căn hộ chung cư đang đứng tên vợ chồng tôi và được mua trong thời kỳ chung sống hôn nhân.

Tôi không có yêu cầu Tòa án phải phân chia tài sản chung này. Vợ chồng tôi đều là những người lao động, làm công ăn lương bình thường và cùng là người Việt Nam. Tôi muốn Luật sư giải đáp và cho tôi một vài lời khuyên cho vấn đề tôi đang vướng mắc như sau:

1. Nếu chồng tôi không đồng ý thì tôi có thể tự mình yêu cầu ly hôn được không? Lúc đó, tôi cần phải có các căn cứ gì?

2. Hồ sơ để tôi cần chuẩn bị để yêu cầu ly hôn bao gồm những loại tài liệu gì?

Chào bạn, liên quan đến vấn đề ly hôn theo yêu cầu của một bên, chúng tôi xin được giải đáp cho bạn như sau:

Căn cứ ly hôn theo yêu cầu của một bên là gì?

Pháp luật hôn nhân gia đình quy định 02 hình thức ly hôn: Thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên. Theo đó, có thể hiểu rằng, khi cả hai vợ chồng cùng đồng thuận ly hôn thì đó là ly hôn thuận tình, còn chỉ có một trong hai người (vợ hoặc chồng) có mong muốn ly hôn thì đó là ly hôn theo yêu cầu của một bên (hoặc thường gọi là ly hôn đơn phương).

Riêng đối với trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương), người có yêu cầu ly hôn được quyền gửi đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn khi có căn cứ được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

=> Theo đó, có thể nhận thấy, bạn có quyền yêu cầu ly hôn mà không cần sự đồng ý của chồng nếu có căn cứ rằng:

- Vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình làm cho mục đích hôn nhân không đạt được, mâu thuẫn vợ chồng trở nên rất trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài ví dụ có hành vi mắng chửi, nhục mạ, xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn, thường xuyên dùng những lời lẽ cay nghiệt, xâm phạm đến đời sống tinh thần của bạn,...;

- Vợ/chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng làm cho mục đích hôn nhân không đạt được, mâu thuẫn vợ chồng trở nên rất trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, ví dụ như không tôn trọng bạn, không quan tâm tới gia đình, con cái, không tạo điều kiện để bạn được làm việc, không bình đẳng/lấy ý kiến của bạn trong các vấn đề chung của gia đình,...;

- Có căn cứ xác nhận rằng chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của bạn, ví dụ như thường xuyên đánh đập gây thương tích, hoặc đánh gây thương tích đến mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, đánh vào các bộ phận gây tổn thương lớn, đe dọa/khủng bố tinh thần của bạn bằng những lời dọa nạt, mắng chửi, không tôn trọng đời sống tinh thần của bạn,...;

- Vợ/chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích.

Nếu có phát sinh một trong những lý do trên thì bạn hoàn toàn có quyền chuẩn bị hồ sơ, yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của mình. Căn cứ Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn của bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú (thường trú, tạ trú, nơi ở hiện tại) hoặc nơi làm việc.

Khi ly hôn, bạn phải thực hiện nghĩa vụ nộp án phí theo quy định pháp luật.

Xem thêm: Án phí ly hôn là bao nhiêu?

Như vậy, Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện giải quyết vụ việc ly hôn theo yêu cầu của bạn khi có một trong những căn cứ được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

ly hon theo yeu cau cua mot ben


Hồ sơ ly hôn theo yêu cầu của một bên gồm những giấy tờ gì?

Việc ly hôn theo yêu cầu một bên được gọi là vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình, căn cứ Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, bạn cần chuẩn bị những hồ sơ sau để yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn:

- Đơn khởi kiện (điền đầy đủ thông tin theo mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP);

- Giấy chứng nhận kết hôn của bạn (01 bản chính) (bạn có thể nộp bản trích lục trong trường hợp bị mất bản chính);

- Bản sao/bản trích lục giấy khai sinh của con bạn;

- Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu còn thời hạn của bạn và chồng bạn;

- Sổ hộ khẩu của cả hai;

- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh cho yêu cầu ly hôn của mình (chứng cứ chứng minh bạn có căn cứ ly hôn theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014);

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn mang nộp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định và đóng nộp tạm ứng án phí đầy đủ để được Tòa án tiếp nhận, thụ lý giải quyết vụ việc của mình nhanh chóng.

Như vậy, khi ly hôn theo yêu cầu của một bên, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ mà chúng tôi đã liệt kê ở trên để được Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về ly hôn theo yêu cầu của một bên, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Có được ly hôn khi đang mang thai? Thủ tục thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X