Lý lịch Đảng viên là giấy tờ quan trọng của Đảng viên, ghi rõ tiểu sử của bản thân và những cá nhân khác có mối quan hệ mật thiết với người muốn vào Đảng như vợ, chồng, anh chị em, ông bà… Vậy, theo quy định pháp luật, lý lịch Đảng viên có chứng thực được không?
Có được chứng thực lý lịch Đảng viên không?
Tại Hướng dẫn số 01 năm 2021 nêu rõ:
3.3. Lý lịch của người vào Đảng
a) Người vào Đảng tự khai lý lịch, đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có vấn đề nào không hiểu và không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ.
b) Lý lịch phải được cấp ủy cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.
Theo đó, lý lịch của người vào Đảng sẽ được cấp ủy cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.
Mặc khác, theo Điều 18 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định các giấy tờ chứng thực gồm:
- Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
- Bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các loại bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng để chứng thực bản sao được nêu tại Điều 22 Nghị định 23 nêu trên gồm:
- Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.
- Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.
- Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.
- Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.
- Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự.
- Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì lý lịch Đảng viên sẽ có xác nhận, chữ ký và đóng dấu của cấp ủy cơ sở. Do đó, theo Điều 18 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, giấy tờ này thuộc trường hợp được chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Lý lịch Đảng viên có chứng thực được không? (Ảnh minh họa)
Thẻ Đảng có chứng thực được không?
Khoản 7.1 Điều 7 Hướng dẫn 01/HD-TW năm 2021 quy định về phát và quản lý thẻ Đảng viên như sau:
a) Thẻ đảng viên là chứng nhận quan trọng của đảng viên, được phát khi đảng viên đã được công nhận đảng viên chính thức.
Đồng thời, theo Hướng dẫn 09 năm 2017, về hình thức, thẻ Đảng được in bằng phần mềm quản lý dữ liệu Đảng viên, dán ảnh cỡ 2x3cm, được đóng dấu nổi thu nhỏ của tỉnh ủy, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương vào góc phải của ảnh Đảng viên.
Như vậy, thẻ Đảng viên là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp, không thuộc các trường hợp không được chứng thực bản sao từ bản chính nêu trên nên thẻ Đảng vẫn được chứng thực.
Trên đây là các vấn đề liên quan đến Lý lịch Đảng viên có chứng thực được không. Nếu còn có thêm vướng mắc, chúng tôi xin được tiếp tục hỗ trợ bạn tại hotline 19006192
>> Những điều Đảng viên không được làm từ 25/10/2021 có gì khác trước?