Lý lịch tư pháp là loại giấy tờ khá quen thuộc với người dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ về các vấn đề liên quan đến giấy tờ này, nhất là trình tự, thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp. Có không ít người thắc mắc rằng vậy có thể làm lý lịch tư pháp tại xã được không?
Lý lịch tư pháp làm ở xã được không?
Trước tiên, cần hiểu rõ thế nào là lý lịch tư pháp? Tại khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009 nêu rõ:
Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Tại Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp 2009, quy định các cơ quan sau đây sẽ có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp. Cụ thể:
- Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia sẽ cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho:
+ Công dân Việt Nam không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú;
+ Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.
- Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho:
+ Công dân Việt Nam thường trú, tạm trú ở trong nước;
+ Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;
+ Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, nếu trường hợp bạn không xác định được nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc nơi cư trú) thì có thể tới Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia để làm lý lịch tư pháp.
Mặc khác, trường hợp xác định được nơi tạm trú, nơi thường trú thì tới Sở Tư pháp để thực hiện làm lý lịch tư pháp.
Điều này cũng có nghĩa pháp luật cho phép người dân được làm lý lịch tư pháp tại nơi đăng ký tạm trú (Sở Tư pháp).
Tóm lại, bạn không thể làm lý lịch tư pháp tại ủy ban xã mà cần tới Sở Tư pháp nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú để làm lý lịch tư pháp. Còn với trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú thì tới Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia để xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Lý lịch tư pháp làm ở xã được không? (Ảnh minh họa)
Đi làm lý lịch tư pháp có cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu không?
Trước đây, theo quy định tại Quyết định 2244/QĐ-BTP, yêu cầu người dân khi đi làm lý lịch tư pháp phải có các giấy tờ sau:
- Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp…
Hiện nay, theo quy định tại Quyết định 1050/QĐ-BTP, từ ngày 01/7/2021, người dân khi làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ không cần mang theo sổ hộ khẩu/sổ tạm trú.
Theo đó, người dân chỉ cần mang các giấy tờ sau đây:
- Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu.
Lưu ý, trường hợp bạn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì mẫu tờ khai là mẫu số 03/2013/TT-LLTP.
- Bản chụp CMND/CCCD/Hộ chiếu của công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú và xuất trình bản chính để đối chiếu.
Trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bạn có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 bằng văn bản, trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền.
Tóm lại, từ ngày 01/7/2021, khi đi làm lý lịch tư pháp bạn không cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như trước đây.
Trên đây là giải đáp về lý lịch tư pháp làm ở xã được không? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.