hieuluat
Chia sẻ email

Người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản?

Mang thai hộ là việc một người phụ nữ mang thai và sinh con thay cho người khác. Vậy mang thai hộ có được hưởng thai sản không?

Mang thai hộ có được hưởng thai sản?

Câu hỏi: Em chồng tôi có thai và bị sẩy nhiều lần nên không có khả năng mang thai nữa, tôi nhận mang thai hộ cho em ấy. Cho tôi hỏi nếu mang thai hộ có được hưởng thai sản không?

Chào bạn, căn cứ theo Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ mang thai hộ thuộc trường hợp được hưởng chế độ thai sản (điểm c khoản 1 Điều 31).

Tuy nhiên để được hưởng chế độ này, lao động nữ phải đáp ứng điều kiện là đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì tính đến thời điểm nhận con, lao động nữ sẽ được hưởng các chế độ sau:

- Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con

- Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá 6 tháng bao gồm cả thời gian trước và sau khi sinh.

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ chế độ thai sản trước khi sinh không được quá 2 tháng.

Kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc kể từ khi đứa trẻ chết mà chưa nghỉ đủ 60 ngày thì lao động nữ sẽ được nghỉ cho đến khi đủ 60 ngày (tính cả những ngày lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần).

- Khi hết thời hạn hưởng chế độ thai sản mà lao động nữ mang thai hộ sức khỏe chưa hồi phục trong vòng 30 ngày đầu làm việc thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần), trừ trường hợp lao động nữ chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước khi sinh con.

- Khi lao động nữ mang thai hộ sinh con thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong thời hạn 5 ngày làm việc.

Nếu vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi: được nghỉ 07 ngày.

Nếu vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày, sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.

Nếu như vợ vừa sinh đôi vừa phải phẫu thuật: được nghỉ 14 ngày.

Thời gian người chồng được nghỉ chỉ trong khoảng 30 ngày đầu kể từ khi vợ sinh con.

Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ thực hiện được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ (theo Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

Trường hợp lao động nữ mang thai hộ đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh chế độ thai sản khi sinh con, người lao động mang thai hộ đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản còn được hưởng đầy đủ các chế độ khi mang thai bao gồm:

- Chế độ khi đi khám thai

- Chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

mang thai hộ có được hưởng thai sản không là băn khoăn của nhiều ngườiMang thai hộ có được hưởng thai sản không là băn khoăn của nhiều người.

Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản thế nào?

Câu hỏi: Tôi không mang thai tự nhiên được, đã nhiều lần làm thụ tinh nhân tạo nhưng cũng không giữ được. Nay tôi đã tìm được một người mang thai hộ. Cho tôi hỏi người mẹ không sinh con mà chỉ nhờ mang thai hộ thì có được hưởng chế độ thai sản hay không?

HieuLuat xin thông tin đến bạn như sau:

Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khoản 1 Điều 4 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

Thời gian hưởng chế độ thai sản

- Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kể từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Nếu sinh đôi trở lên, tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 01 tháng;

Nếu sau khi sinh con, nếu con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

“3. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Có nghĩa trong trường  hợp này, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ không vượt quá 6 tháng.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này người mẹ nhờ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng chế độ thai sản với người mẹ nhờ mang thai hộ căn cứ theo Khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 3 Nghị định 115/NĐ-CP cũng tương tự như với người mang thai hộ.

- Trợ cấp một lần cho mỗi con: bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ

- Người chồng được hưởng chế độ thai sản: Khi lao động nữ mang thai hộ sinh con nếu người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội) như đã nêu trên.

- Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ:

Được tính trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ.

Nếu lao động nữ mang thai hộ đóng BHXH chưa đủ 06 tháng: mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

Trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe:

Sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong 30 ngày đầu làm việc, lao động nữ mang thai hộ sức khỏe chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.

Trên đây là thông tin giải đáp cho vướng mắc mang thai hộ có được hưởng thai sản? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006192 để được tư vấn kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

X