hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 08/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mất giấy khai sinh xin cấp lại ở đâu? Làm lại có khó không?

Trong nhiều trường hợp, người dân cần làm lại giấy khai sinh để thực hiện các thủ tục hành chính. Mất giấy khai sinh xin cấp lại ở đâu? 

Mục lục bài viết
  • Mất giấy khai sinh bản gốc, trường hợp nào được cấp lại?
  • Mất giấy khai sinh xin cấp lại ở đâu? 
  • Thủ tục làm lại giấy khai sinh tiến hành thế nào?
Câu hỏi: Xin chào. Vừa qua tôi có đi làm Căn cước công dân. Trong quá trình làm phát sinh là hộ khẩu của tôi không có ngày, tháng sinh. Cán bộ nói tôi cần xuất trình thêm giấy khai sinh. Tuy nhiên, tôi không còn giấy tờ này, gia đình cũng đã di cư qua nhiều năm, không có giấy tờ gì để chứng minh việc cư trú ở nơi cũ. Họ hàng cũng đã chuyển đi hoặc đã mất hết. Tôi muốn hỏi khi đã mất giấy khai sinh tôi có thể xin cấp lại ở đâu? Thủ tục thế nào?

Mất giấy khai sinh bản gốc, trường hợp nào được cấp lại?

Theo Điều 40 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, có 03 điều kiện cần đáp ứng nếu muốn được cấp lại giấy khai sinh bản gốc:

- Việc khai sinh được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016;

- Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất;

- Người có yêu cầu còn sống tại thời điểm yêu cầu đăng ký lại.

Bạn có biết, tại sao lại là mốc 01/01/2016?

Bởi, đối với các trường hợp người yêu cầu đã khai sinh sau ngày 01/01/2016 (thời điểm Luật Hộ tịch 2014 có hiệu lực), các nội dung đăng ký khai sinh đã được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, đồng thời cũng được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì thế, khi bị mất giấy khai sinh bản gốc, người dân hoàn toàn có thể xin cấp bản trích lục khai sinh (bản sao) mà không cần tiến hành cấp lại giấy khai sinh với những thủ tục phức tạp hơn nhiều.

Ngoài ra, những người khai sinh trước ngày 01/01/2016 có thể không được lưu thông tin khai sinh trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng nếu cơ quan đăng ký khai sinh cũ vẫn lưu thông tin thì người dân vẫn được cấp bản trích lục khai sinh thay vì phải cấp lại bản chính.

mat giay khai sinh xin cap lai o dau
Người dân có thể xin cấp lại giấy khai sinh trong một số trường hợp (Ảnh minh họa)

Mất giấy khai sinh xin cấp lại ở đâu? 

Theo Điều 25 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, người có yêu cầu đăng ký lại khai sinh có thể thực hiện tại:

- Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây;

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể đăng ký lại khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm:

-  Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thực hiện đăng ký lại khai sinh.

- Trường hợp khai sinh trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì việc đăng ký lại khai sinh do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trên thực hiện.

- Trường hợp khai sinh trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Tư pháp thì việc đăng ký lại khai sinh do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người yêu cầu thực hiện; nếu người đó không cư trú tại Việt Nam thì do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở hiện nay của Sở Tư pháp thực hiện.

Thủ tục làm lại giấy khai sinh tiến hành thế nào?

Hồ sơ xin cấp lại giấy khai sinh gồm:

+ Tờ khai xin cấp lại giấy khai sinh, trong đó có cam đoan về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không giữ được bản chính Giấy khai sinh

+ Bản sao một trong những hồ sơ, giấy tờ quy định tại tại Điều 9 Thông tư 04/2020/TT-BTP như sau:

Điều 9. Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh

Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm:

1. Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ.

2. Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.

3. Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ sau đây là cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh:

a) Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

b) Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú;

c) Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, hồ sơ học tập do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận;

d) Giấy tờ khác có thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân.
Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao các giấy tờ nêu trên (nếu có) và cam đoan về việc đã nộp đủ các giấy tờ mình có; chịu trách nhiệm, hệ quả của việc cam đoan không đúng sự thật theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

- Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

- Giấy ủy quyền có chứng thực (nếu ủy quyền) trừ  trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền.

Ngoài ra, người đi làm thủ tục cần xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Nếu gửi hồ sơ qua bưu điện cần gửi kèm bản sao chứng thực các giấy tờ cần xuất trình.

Trên đây là hướng dẫn mất giấy khai sinh xin cấp lại ở đâu? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Mất giấy khai sinh, xin cấp lại thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X