Hộ chiếu là giấy tờ rất quan trọng của mỗi cá nhân trong việc định danh cá nhân và để làm căn cứ khi xuất cảnh/nhập cảnh. Bộ Công an ban hành Thông tư 73/2021/TT-BCA (có hiệu lực thi hành từ 14/08/2021), trong đó có quy định về mẫu hộ chiếu phổ thông mới được cấp cho công dân với rất nhiều những thay đổi.
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang chuẩn bị sang Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động. Tôi được công ty thông báo là hộ chiếu của tôi sẽ được cấp theo mẫu mới với nhiều điểm khác biệt so với mẫu cũ và việc cấp hộ chiếu phải tự tôi thực hiện. Tôi rất mong Luật sư giải đáp cho tôi một số vấn đề sau đây:
1. Mẫu hộ chiếu phổ thông mới được cấp từ thời điểm nào? Và nó có những đặc điểm gì khác so với mẫu cũ?
2. Tôi có thể đến cơ quan nào để được cấp hộ chiếu này?
Mẫu hộ chiếu phổ thông mới có những đặc điểm gì khác so với mẫu cũ?
Thông tư 73/2021/TT-BCA là văn bản có hiệu lực thi hành từ 14/08/2021, đây là văn bản pháp lý quy định về mẫu hộ chiếu phổ thông mới. Hộ chiếu phổ thông được cấp cho công dân Việt Nam đủ điều kiện theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (ngoại trừ công dân được cấp hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu ngoại giao).
Theo thông báo từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), kể từ ngày 01/07/2022, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ bắt đầu thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân Việt Nam.
Nếu hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu không thuộc trường hợp chưa cần thiết, cấp bách như đã nếu trên thì công dân đến cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi tạm trú hoặc thường trú kể từ ngày 01/7/2022 để được tiếp nhận hồ sơ và xử lý, cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới.
Căn cứ Điều 2 Thông tư 73/2021/TT-BCA, hộ chiếu theo mẫu mới có một số điểm nổi bật như sau:
Một là, mặt ngoài của trang bìa của hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử bên cạnh việc in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu như cũ;
Hai là, hình ảnh tại các trang trong mẫu hộ chiếu mới là những hình ảnh tiêu biểu về cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng như thánh địa Mỹ Sơn, vịnh Hạ Long, cột cờ Lũng Cú, bến nhà Rồng…;
Ba là, đối với hộ chiếu có gắn chíp điện từ thì chíp điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu;
Bốn là, bìa hộ chiếu mới được sử dụng là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao. Đồng thời, chữ và số trên hộ chiếu mới được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1;
Năm là, toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong mẫu hộ chiếu mới được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, bảo mật và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn ICAO;
Sáu là, màu của mẫu hộ chiếu phổ thông mới là màu xanh tím (bìa hộ chiếu ngoại giao mới là trang bìa màu nâu đỏ, còn hộ chiếu công vụ có trang bìa màu xanh lá cây đậm).
Như vậy, từ ngày 01/07/2022, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ triển khai việc cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới được ban hành theo Thông tư 73/2021/TT-BCA. Chỉ những trường hợp cấp bách như có giấy đi khám bệnh hoặc có vé máy bay hoặc có quyết định đi công tác nước ngoài…thì công dân mới được cấp hộ chiếu theo mẫu cũ.
Cấp mới hộ chiếu phổ thông ở đâu?
Việc cấp hộ chiếu phổ thông được thực hiện theo quy định của Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.
Căn cứ Điều 15, Điều 16 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 thẩm quyền thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông và trình tự cấp như sau:
Bước 1: Công dân chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu
Hồ sơ bao gồm:
- 01 tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu TK01 (dùng cho công dân xin cấp hộ chiếu trong nước) hoặc TK02 (dùng cho công dân xin cấp hộ chiếu ở nước ngoài). Cả hai mẫu tờ khai này được ban hành kèm theo Thông tư 73/2021/TT-BCA;
- 02 ảnh chân dung của người đề nghị cấp hộ chiếu;
- Các giấy tờ liên quan được quy định tại khoản 2 Điều 15 (áp dụng đối với công dân xin cấp hộ chiếu trong nước), cụ thể gồm:
2. Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;
d) Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
…
Lưu ý: Công dân Việt Nam cần chuẩn bị chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để xuất trình khi thực hiện thủ tục xin cấp hộ chiếu.
Bước 2: Nộp hồ sơ và giải quyết hồ sơ xin cấp hộ chiếu phổ thông
Đối với công dân đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trong nước:
Cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ là:
+ Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh cấp tỉnh nơi công dân đang thường trú/tạm trú;
+ Hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh cấp tỉnh nơi thuận tiện cho công dân nếu công dân đã có thẻ căn cước công dân;
+ Hoặc tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an nếu:
+) Công dân có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh hoặc công dân có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật/bị chết;
+) Hoặc công dân có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
+) Hoặc công dân đề nghị xin cấp hộ chiếu vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.
Lưu ý: Công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần thứ 2 trở đi thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi cho mình hoặc thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Đối với công dân đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài:
Cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ là: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó cư trú nếu công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu. Trường hợp công dân đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở lên thì được thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi cho công dân đó.
Bước 3: Trả kết quả
Cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu cho công dân khi hồ sơ đã phù hợp quy định pháp luật. Công dân nhận hộ chiếu theo ngày ghi trên phiếu hẹn.
Như vậy, việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh cấp tỉnh nơi công dân thường trú/tạm trú/nơi thuận tiện cho công dân (đối với công dân đề nghị cấp hộ chiếu trong nước) và tại Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi công dân cư trú/cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận tiện cho công dân (áp dụng đối với công dân đề nghị cấp hộ chiếu ở nước ngoài).