hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 25/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mẫu Tờ khai hải quan mới nhất và hướng dẫn cách điền chi tiết

Là một trong những giấy tờ có trong hồ sơ hải quan, mẫu tờ khai hải quan mới nhất và hướng dẫn cách điền chi tiết được chúng tôi cung cấp dưới đây. Hãy cùng tham khảo.

Mục lục bài viết
  • Tờ khai hải quan là gì?
  • Mẫu tờ khai hải quan mới nhất và cách điền
  • Tờ khai hải quan có mấy loại?
  • Tờ khai hải quan có sửa được không?
  • Tờ khai hải quan có giá trị bao nhiêu ngày?
Câu hỏi: Mình đang tìm hiểu về tờ khai hải quan nhưng không rõ về các loại cũng như cách điền. Nhờ các bạn cung cấp mẫu tờ khai hải quan mới nhất và hướng dẫn cách điền chi tiết.

Tờ khai hải quan là gì?

Pháp luật hiện hành chưa quy định về cách hiểu tờ khai hải quan là gì? Tại khoản 8 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014 có quy định như sau:

Hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan, các chứng từ phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan theo quy định của Luật này.

Theo quy định này có thể hiểu tờ khai hải quan là một trong những giấy tờ trong hồ sơ hải quan, được nộp/ xuất trình cho cơ quan hải quan. Đây là văn bản để ghi nhận các thông tin về hàng hóa, sản phẩm,... khi ra vào lãnh thổ Việt Nam.

Tờ khai hải quan thường có những thông tin cơ bản của hàng hóa cần kê khai sau đây: Tên loại hàng hóa, mã số, số lượng, nguồn gốc xuất xứ, đơn giá,..; các thông tin của người kê khai hàng hóa (người xuất khẩu/nhập khẩu); thông tin hợp đồng; thông tin cửa khẩu,...

Theo Điều 30 Luật này thì tờ khai hải quan được đăng ký theo một 02 phương thức sau: Phương thức điện tử hoặc trực tiếp đăng ký tại cơ quan hải quan có thẩm quyền.

Mẫu tờ khai hải quan mới nhất và cách điền

Mẫu tờ khai hải quan mới nhất và cách điền

* Mẫu Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu mới nhất được sử dụng là Mẫu HQ/2015/XK ban hành theo Thông tư 38/2015/TT-BTC:
Mẫu Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu

Mẫu Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu  

* Mẫu Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu mới nhất được sử dụng là Mẫu HQ/2015/NK ban hành theo Thông tư 38/2015/TT-BTC:

Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu

Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu  

* Cách điền tờ khai hải quan đầy đủ, chính xác nhất:

Đối với tờ khai hải quan trong trường hợp xuất khẩu:

- Ghi tên Chi cục Hải quan nơi tiến hành đăng ký tờ khai, tên Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất khẩu 1 cách đầy đủ, chính xác;

- Số tờ khai, ngày giờ đăng ký: ghi theo số thứ tự của số đăng ký tờ khai;

- Số lượng phụ lục tờ khai: Ghi theo số lượng thực tế các phụ lục nếu có;

- Ô số 1: Ghi đầy đủ thông tin tên người xuất khẩu, địa chỉ, điện thoại liên hệ, mã số thuế, CCCD,..

- Ô số 2: Ghi đầy đủ thông tin tên người nhập khẩu, địa chỉ, điện thoại liên hệ, mã số thuế, CCCD,...

- Ô số 3: Ghi đầy đủ thông tin tên người ủy thác/người được ủy quyền, địa chỉ, điện thoại liên hệ, mã số thuế, CCCD,..

- Ô số 4: Ghi thông tin của đại lý hải quan 1 cách đầy đủ, gồm các thông tin về tên, địa chỉ, SĐT, fax, mã số thuế.

- Ô số 5: Ghi rõ loại hình xuất khẩu trong trường hợp của mình.

- Ô số 6: Ghi số, ngày, tháng, năm của giấy phép mà cơ quan quản lý chuyên ngành đã cấp đối với hàng hóa xuất khẩu và ngày, tháng, năm hết hạn của giấy phép này (nếu có).

- Ô số 7: Ghi số, ngày, tháng, năm của hợp đồng và ngày, tháng, năm hết hạn của hợp đồng (nếu có).

- Ô số 8: Ghi thông tin hóa đơn thương mại (nếu có phát sinh).

- Ô số 9: Ghi thông tin cửa khẩu xuất hàng (ghi rõ tên, địa chỉ đã thỏa thuận để xuất hàng.

- Ô số 10: Ghi tên nước, tên vùng lãnh thổ.

- Ô số 11: Ghi rõ điều kiện giao hàng mà 2 bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

- Ô số 12: Ghi rõ phương thức thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng, ví dụ thanh toán bằng L/C,..

- Ô số 13:  Ghi mã của loại tiền tệ dùng để thanh toán mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, ví dụ thanh toán bằng đô la Mỹ thì ghi USD.

- Ô số 14: Ghi tỷ giá tính thuế, ghi tỷ giá giữa đơn vị nguyên tệ với tiền Việt Nam được áp dụng để tính thuế (nếu có).

- Ô số 15: Mô tả về hàng hàng hóa, đơn hàng: Ghi tên hàng, các phẩm chất hàng hóa, tài liệu,...

Nếu lô hàng có 04 mặt hàng trở lên thì trên tờ khai hải quan => ghi "theo Phụ lục tờ khai" và trên phụ lục sẽ ghi đầy đủ thông tin tn, quy cách sản phẩm.

- Ô số 16: Ghi mã số hàng hóa theo phân loại tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà Bộ Tài chính đã ban hành.

Nếu lô hàng có 04 mặt hàng trở lên thì trên tờ khai hải quan => không ghi thông tin, trên phụ lục tờ khai => ghi rõ mã số của từng mặt hàng.

- Ô số 17: Ghi xuất xứ hàng hóa như ghi tên nước, tên vùng lãnh thổ nơi đã sản xuất ra hàng hóa. Nếu có từ 4 sản phẩm trở lên thì ghi tương tự như ô số 16.

- Ô số 18: Nếu lô hàng có từ 4 mặt hàng trở lên thi ghi tương tự như cách đã hướng dẫn tại ô số 16. Còn lại ghi số lượng, khối lượng hoặc trọng lượng tương ứng của loại hàng.

- Ô số 19: Ghi đơn vị tính như kg, mét,... theo đúng quy định về Danh mục hàng hóa xuất/nhập khẩu hoặc ghi theo giao dịch thực tế.

Nếu lô hàng có từ 4 mặt hàng trở lên thi ghi tương tự như cách đã hướng dẫn tại ô số 16.

- Ô số 20: Ghi đơn giá của hàng hóa bằng loại tiền tệ đã ghi tại mục 13.

- Ô số 21: Kết quả của ô số 18 "Lượng hàng" x Ô số 20 "Đơn giá"

Nếu lô hàng có từ 4 (bốn) mặt hàng trở lên thì ghi tờ khai, phụ lục tờ khai như sau:

Tại tờ khai hải quan => Ghi tổng trị giá nguyên tệ của toàn bộ các mặt hàng trong lô hàng; tại Phụ lục tờ khai=> Ghi trị giá nguyên tệ cho từng mặt hàng cụ thể.

- Ô số 22: Phần ghi thuế xuất khẩu, cụ thể như sau:

+ Trị giá tính thuế: Ghi trị giá của từng mặt hàng, trị giá này được tính bằng đơn vị là tiền đồng Việt Nam;

+ Thuế suất: Ghi thuế suất tương ứng với ô số 16;

+ Số thuế xuất khẩu phải nộp của từng mặt hàng: Ghi rõ, chính xác.

+ Nếu lô hàng có từ 4 mặt hàng trở lên thì trên tờ khai ghi tổng thuế phải nộp tại ô "Cộng" và trên phụ lục sẽ ghi rõ thông tin thuế tương ứng với từng mặt hàng.

- Ô số 23: Ghi trị giá (số tiền) tính thu khác, tỷ lệ % và số tiền phải nộp.

- Ô số 24: Bằng tổng ô 22 cộng ô 23, ghi tiền thuế xuất khẩu, thu khác bằng chữ và bằng số.

- Ô số 25: Ghi thông tin của container bao gồm thông tin số hiệu, số lượng kiện hàng, trọng hàng chứa trong container, điểm đóng hàng.

Nếu có từ 04 container trở lên thì trong tờ khai không ghi mà chỉ ghi thông tin chi tiết tại phụ lục của tờ khai.

- Ô số 26: Ghi những chứng từ kèm theo của tờ khai hải quan một cách đầy đủ, chính xác.

- Ô số 27: Người khai tờ khai ghi thông tin ngày khai báo, ký và ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu.

- Ô số 28 - 31: Cơ quan hải quan sẽ xác nhận, điền thông tin.

Đối với tờ khai hải quan trong trường hợp nhập khẩu: Thực hiện tương tự như khai tại tờ khai xuất khẩu với các nội dung về người khai, thông tin hàng hóa và thông tin thuế.

Tờ khai hải quan có mấy loại?

Hiện nay có 02 loại tờ khai hải quan: Tờ khai hải quan nhập khẩu và tờ khai hải quan xuất khẩu. 

Chi tiết về nội dung, cách viết hai loại tờ khai hải quan này đã được chúng tôi chia sẻ ở mục trên, bạn đọc có thể theo dõi để nắm thông tin chi tiết.

Tờ khai hải quan có sửa được không?

Tờ khai hải quan có sửa được không?

Khoản 9 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC có quy định về việc sửa đổi tờ khai hải quan như sau:

1. Các trường hợp khai bổ sung

Trừ các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan không được khai bổ sung quy định tại mục 3 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này, người khai hải quan được khai bổ sung các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan trong các trường hợp sau:

a) Khai bổ sung trong thông quan:

a.2) Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng nhưng trước khi thông quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Khai bổ sung sau khi hàng hóa đã được thông quan:

Trừ nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm, người khai hải quan thực hiện khai bổ sung sau thông quan trong các trường hợp sau:

b.1) Người khai hải quan, người nộp thuế xác định có sai sót trong việc khai hải quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra;

b.2) Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, người khai hải quan, người nộp thuế mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định nêu trên, tùy trường hợp hàng hóa đang trong thông quan hoặc đã được thông tin mà xử lý sai sót trên tờ khai hải quan. Về cơ bản, cách xử lý sẽ là khai bổ sung tờ khai/hồ sơ hải quan chứ không phải sửa trực tiếp trên tờ khai đã nộp.

Tờ khai hải quan có giá trị bao nhiêu ngày?

Căn cứ quy định tại Điều 25 của Luật Hải quan 2014 thì Tờ khai hải quan có giá trị dùng làm thủ tục hải quan trong thời hạn cụ thể là 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày đăng ký điện tử hoặc đăng ký với cơ quan hải quan.

Bài viết trên đây đã cung cấp cho các bạn thông tin về Tờ khai hải quan và các quy định liên quan. Nếu còn vấn đề pháp luật nào liên quan chưa rõ, cần được tư vấn thêm các bạn vui lòng liên hệ tổng đài:  19006199 .

Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số  1900.6199 để hỗ trợ, giải đáp

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X