hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 27/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mẹ chồng lấy hết tiền vàng ngày cưới, đòi lại thế nào?

Tiền vàng được nhận trong ngày cưới có được tính là tài sản chung không? Mẹ chồng lấy hết tiền vàng ngày cưới và giữ không trả có được không?  Cùng chúng tôi tìm hiểu về quy định này qua bài viết dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • Tiền mừng nhận ngày cưới là tài sản riêng hay chung của vợ chồng?
  • Mẹ chồng giữ tiền vàng ngày cưới không trả, đòi lại như thế nào?
Câu hỏi: Em năm nay 22 tuổi, vừa mới lấy chồng và tổ chức hôn lễ. Ngày cưới, em được nhận tiền mừng cũng như là vàng từ người thân, bạn bè. Tuy nhiên, mẹ chồng em muốn vợ chồng em đưa hết mẹ giữ. Vậy cho em hỏi tiền vàng em nhận được có được tính là tài sản riêng trước hôn nhân không? Nếu mẹ chồng giữ mà không trả, em có thể đòi lại thế nào?

Tiền mừng nhận ngày cưới là tài sản riêng hay chung của vợ chồng?

Tiền mừng nhận ngày cưới là tài sản riêng hay chung của vợ chồng?

Tiền mừng nhận ngày cưới là tài sản riêng hay chung của vợ chồng?

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khoản 1, Điều 33 có quy định rằng: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”

Bên cạnh đó, quy định về tài sản riêng được ghi nhận tại khoản 1, Điều 43:

“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”

Như vậy, việc xem xét đây là tài sản chung hay riêng của vợ chồng tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên gia đình. Tiền cưới, vàng hay đồ trang sức mà cô dâu nhận được, có thể xem là “của hồi môn”, là tài sản riêng của cô dâu. Nhưng nếu, bố mẹ hai bên quyết định là tặng hai vợ chồng thì đó được xem là tài sản chung của vợ chồng.

Ngoài ra, theo quy định của Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có quy định: “Đồ trang sức mà người vợ hoặc người chồng được cha mẹ vợ hoặc chồng tặng cho riêng trong ngày cưới là tài sản riêng, nhưng nếu những thứ đó được cho chung cả hai người với tính chất là tạo dựng cho vợ chồng một số vốn thì coi là tài sản chung.” Sau này, Nghị quyết này được thay thế bởi Nghị quyết 02/2000 nhưng hiện nay hai Nghị quyết này đều không còn hiệu lực và vẫn chưa có văn bản thay thế hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Vì vậy, khi giải quyết các vấn đề liên quan đến chứng minh, xác định tài sản chung, tài sản riêng bao gồm tiền mừng, vàng, đồ trang sức ngày cưới đang còn nhiều khó khăn.

Trong một số trường hợp, khi xảy ra tranh chấp vợ hoặc chồng không thể có căn cứ chứng minh tiền mừng, vàng, đồ trang sức nhận được ngày cưới là tài sản riêng của mình thì tài sản đó sẽ được xem là tài sản chung theo quy định tại khoản 3, Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Mẹ chồng giữ tiền vàng ngày cưới không trả, đòi lại như thế nào?

Mẹ chồng lấy hết tiền vàng ngày cưới, đòi lại như thế nào?

Mẹ chồng lấy hết tiền vàng ngày cưới, đòi lại như thế nào?

Có thể thấy, tiền mừng, vàng, đồ trang sức mà cô dâu, chú rể nhận được trong ngày cưới dựa trên thỏa thuận giữa các bên đều có thể xem là tài sản chung hoặc tài sản riêng. Dù vậy, có nhiều lý do mà các cặp vợ chồng lựa chọn gửi cho mẹ chồng để giữ hộ. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng đến lúc muốn nhận lại tài sản để phục vụ các mục đích cá nhân hoặc hôn nhân diễn ra tranh chấp thì xảy ra vấn đề khó đòi lại từ mẹ chồng.

Việc mẹ chồng giữ hộ tài sản cho các con sẽ làm phát sinh hợp đồng gửi giữ tài sản được quy định cụ thể tại Điều 554, Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”

Bên cạnh đó, liên quan đến nghĩa vụ của các bên Điều 557, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định cụ thể:

“Bên giữ tài sản phải có nghĩa vụ bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ”

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự và hành vi mẹ chồng giữ hộ các con tiền vàng ngày cưới, đây là hợp đồng gửi giữ tài sản được thành lập bằng lời nói và đây là trường hợp bên gửi tài sản không phải trả công cho bên giữ tài sản. Cụ thể, hành vi giữ tài sản được xác lập sau khi mẹ chồng ngỏ lời muốn giữ tiền mừng, vàng, đồ trang sức hộ các con và các con đồng ý. Các con cũng không phải trả công gửi giữ cho mẹ chồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Theo đó, khi vợ hoặc chồng có nhu cầu lấy lại tài sản là tiền mừng, vàng, đồ trang sức thì mẹ chồng có nghĩa vụ phải hoàn trả lại nguyên trạng toàn bộ như khi nhận giữ.

Trong trường hợp mẹ chồng lấy hết tiền vàng ngày cưới mà không có ý định trả lại, bạn có thể:

  • Thỏa thuận với mẹ chồng: Đây được xem là biện pháp tối ưu để hạn chế tổn thương tình cảm, tranh chấp với người thân trong gia đình. Tuy nhiên, có một số trường hợp liên quan đến hôn nhân xảy ra mâu thuẫn hoặc vợ chồng đang bàn bạc đến chuyện ly hôn, mẹ chồng thường gây khó khăn hoặc không chấp nhận thỏa thuận trả lại tiền mừng, vàng, đồ trang sức được nhận trong ngày cưới.

  • Làm Đơn khởi kiện và gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện/thị xã/quận/thành phố trong trường hợp mẹ chồng không đồng ý thỏa thuận. Lúc này, khi có sự can thiệp của pháp luật và phán quyết của Toà án thì mẹ chồng bắt buộc phải hoàn trả tài sản lại cho vợ chồng nguyên vẹn toàn bộ.

Trên đây là những thông tin về vấn đề mẹ chồng lấy tiền vàng ngày cưới mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định của luật hôn nhân gia đình, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.
Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X