Hiện có nhiều lý do để cha hoặc mẹ muốn đổi tên, họ cho con. Và mới đây, Hieuluat có nhận được câu hỏi về việc mẹ có được đổi cả họ và tên của con sau khi cha chết không? Dưới đây là giải đáp chi tiết.
Trả lời:
Cha mất, có được đổi cả họ và tên con theo mẹ không?
Về việc đổi tên
Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân được đổi tên trong các trường hợp:
- Tên gây nhầm lẫn, ảnh hưởng tình cảm gia đình, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người có tên muốn đổi và theo yêu cầu của người đó.
- Cha mẹ nuôi muốn đổi tên cho con sau khi nhận con nuôi hoặc cha mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên cũ cho con sau khi chấm dứt/thôi làm con nuôi.
- Sau khi xác định cha, mẹ và con thì cha hoặc mẹ hoặc người con có yêu cầu đổi tên.
- Người bị lưu lạc đã tìm lại nguồn gốc huyết thống của người.
- Người xác định lại giới tính, chuyển giới tính…
Theo quy định này, có thể thấy, việc đổi tên cho con của bạn không thuộc một trong các trường hợp nêu trên. Do đó, khi chồng bạn chết, bạn sẽ không được đổi tên con của bạn sang tên mới như trong câu hỏi.
Về việc đổi họ
Quyền thay đổi họ được quy định cụ thể tại Điều 27 Bộ luật Dân sự gồm các căn cứ sau đây:
- Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại.
- Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha, mẹ đẻ sang họ của cha, mẹ nuôi khi cha, mẹ nuôi có yêu cầu.
- Thay đổi họ khi người con nuôi đã thôi làm con nuôi và người này hoặc cha, mẹ đẻ của người này có yêu cầu đổi sang họ của cha hoặc mẹ đẻ.
- Khi xác định cha, mẹ cho con thì cha hoặc mẹ hoặc con có yêu cầu thay đổi họ cho con.
- Người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình và yêu cầu thay đổi họ.
- Khi cha, mẹ đổi họ…
Đồng thời, khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP nêu rõ:
Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
Do đó, khi bạn muốn đổi họ hay tên cho con thì phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ. Tuy nhiên, do chồng bạn đã mất nên yêu cầu này không đáp ứng được. Do đó, trong trường hợp của bạn, bạn không được đổi họ cho con theo họ của bạn.
Mẹ có được đổi cả họ và tên của con sau khi cha chết không? (Ảnh minh họa)
Thủ tục đổi họ, tên cho con trên giấy khai sinh thế nào?
Mặc dù trường hợp của bạn không được đổi họ, tên của con nhưng Hieuluat vẫn gửi đến quý độc giả thủ tục đổi họ, tên cho con trên giấy khai sinh để tham khảo. Cụ thể:
Hồ sơ cần chuẩn bị
Khoản 1 Điều 28 Luật Hộ tịch năm 2014, hộ sơ để thay đổi họ, tên con trên giấy khai sinh gồm:
- Tờ khai.
- Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi họ, tên của con: Giấy tờ, tài liệu chứng minh căn cứ được phép đổi họ, tên cho con: Quyết định nhận con nuôi, giấy xác nhận cha, mẹ con…
Ngoài ra, giấy tờ cần xuất trình là giấy khai sinh của con.
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện
Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi đã khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân là cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ, tên cho con chưa đủ 14 tuổi theo Điều 27 Luật Hộ tịch năm 2014.
Với người đã đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước thì cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ, tên là UBND cấp huyện nơi đã khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân theo khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch.
Thời gian giải quyết
Nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Hộ tịch. Cụ thể, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, công chức tư pháp, hộ tịch sẽ ghi việc thay đổi họ, tên vào Sổ hộ tịch nếu thấy việc thay đổi này là có cơ sở, phù hợp quy định pháp luật.
Nếu việc thay đổi họ, tên cho con phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
Lệ phí thực hiện
Lệ phí thay đổi họ, tên cho con thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Căn cứ Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC). Do đó, mỗi tỉnh, thành phố khác nhau sẽ có mức thu lệ phí này khác nhau.
Trên đây là giải đáp về việc mẹ có được đổi họ tên con sau khi cha chết không? Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ tổng đài 19006192 của chúng tôi.