hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 23/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mở lớp dạy thêm tại nhà có phải xin phép không? Xin giấy phép thế nào?

Dạy thêm tại nhà là vấn đề được cả giáo viên và học sinh quan tâm. Vậy mở lớp dạy thêm tại nhà có phải xin phép không? Xin giấy phép thế nào? Một số thông tin về việc mở lớp dạy thêm ở nhà được nêu dưới đây, mời bạn đọc theo dõi.

 
Mục lục bài viết
  • Có được mở lớp dạy thêm ở nhà không?
  • Mở lớp dạy thêm ở nhà có phải xin phép không?
  • Câu hỏi liên quan đến dạy thêm ở nhà
  • Xin giấy phép dạy thêm tại nhà thế nào?
  • Không có bằng sư phạm có được dạy thêm không?
Câu hỏi: Tôi là giáo viên Tiếng anh mới làm việc tại trường cấp 2, tôi muốn mở lớp dạy thêm ở nhà có được không? Mở lớp dạy thêm tại nhà có phải xin phép không? Nếu có thì việc xin giấy phép thực hiện như thế nào? Mong nhận được giải đáp.

Có được mở lớp dạy thêm ở nhà không?

Trước đây, việc mở lớp dạy thêm ở nhà (tức là dạy thêm ngoài nhà trường) được thực hiện theo quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, tuy nhiên nội dung này đã hết hiệu lực (theo Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019) và chưa có quy định thay thế.

Và Điều 4 Thông tư này chỉ quy định các trường hợp sau đây sẽ không được dạy thêm:

- Không dạy thêm ngoài đối với những học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

- Không dạy thêm đối với học sinh cấp tiểu học, trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao hay rèn luyện kỹ năng sống.

- Các  trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

- Giáo viên đang giảnggairng dạy, hưởng lương từ quỹ lương của các đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Không được tổ chức dạy thêm tại nhà nhưng có thể tham gia dạy thêm tại nhà;

+ Không được dạy thêm tại nhà đối với những học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa tại trường khi chưa được sự cho phép của Hiệu trưởng.

Theo đó, giáo viên vẫn được mở lớp dạy thêm ở nhà (trừ 4 trường hợp đã nêu ở trên), tuy nhiên việc mở lớp dạy thêm cũng phải đảm bảo các quy định/hướng dẫn cụ thể tại từng Sở Giáo dục và đào tạo/ Phòng Giáo dục và đào tạo tại địa phương.

Mở lớp dạy thêm ở nhà có phải xin phép không?

Mở lớp dạy thêm tại nhà có phải xin phép không?

Trước đây, theo Điều 11 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì việc dạy thêm tại nhà phải xin giấy phép:

- Do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp nếu tổ chức dạy thêm, học thêm tại nhà có nội dung thuộc chương trình THPT hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình THPT.

- Do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện/ ủy quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép nếu tổ chức dạy thêm, học thêm tại nhà nội dung học thuộc chương trình tiểu học, trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình mà cao nhất là THCS.

Tuy nhiên hiện nay, quy định này đã hết hiệu lực và chưa có văn bản thay thế, do đó việc dạy thêm không phải xin giấy phép.

Tuy vậy, giáo viên mở lớp dạy thêm, học thêm tại nhà để biết thêm thông tin chính xác nhất thì nên liên hệ tới Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi đặt địa điểm dạy thêm có trụ sở để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.

Câu hỏi liên quan đến dạy thêm ở nhà

Liên quan đến việc dạy thêm tại nhà, hiện nay cũng có nhiều câu hỏi mà độc giả đang thắc mắc và cần được giải đáp, cụ thể như sau:

Xin giấy phép dạy thêm tại nhà thế nào?

Xin giấy phép dạy thêm tại nhà thế nào?

Theo quy định cũ tại Điều 12, 13 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì việc xin giấy phép dạy thêm tại nhà tiến hành theo các bước như sau;

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép dạy thêm, học thêm tại nhà gồm các giấy tờ sau đây:

+ Đơn xin cấp giấy phép về việc tổ chức hoạt động dạy thêm tại nhà. Trong đơn có nội dung cam kết với UBND xã nơi đặt điểm dạy thêm về việc thực hiện đúng các quy định pháp luật về dạy thêm tại nhà và có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm.

+ Danh sách trích ngang của người tổ chức dạy thêm, học thêm và danh sách trích ngang của người đăng ký dạy thêm;

+ Đơn xin dạy thêm, trong đó có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm và có xác nhận của Chủ tịch UBND xã/thủ trưởng cơ quan quản lý về việc có đủ sức khỏe, phẩm chất, không bị kỷ luật, không bị truy cứu hình sự (xác nhận đáp ứng các yêu cầu dạy thêm).

+ Bản sao bằng cao đẳng/đại học/thạc sĩ,...xác nhận trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức dạy thêm và người đăng ký dạy thêm.

+ Giấy khám sức khoẻ của người tổ chức dạy thêm, người đăng ký dạy thêm (do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên/hội đồng giám định y khoa cấp).

+ Bản kế hoạch tổ chức dạy thêm: Đối tượng học, nội dung dạy, địa điểm và cơ sở vật chất, mức thu tiền như thế nào, các phương án tổ chức dạy học.

- Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Chủ tich UBND cấp huyện.

Hình thức gửi hồ sơ: Gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

- Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, tiến hành thẩm định, kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, học thêm.

- Bước 4: Cấp giấy phép

+ Nếu quá trình thẩm định đạt yêu cầu thì tiến hành cấp giấy phép, thời hạn cấp là 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

+ Trường hợp không cấp giấy phép thì trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc này, cho nên căn cứ theo hướng dẫn của các đơn vị trường hay của Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi định mở điểm dạy thêm để thực hiện.

Không có bằng sư phạm có được dạy thêm không?

Theo quy định cũ, cụ thể tại Điều 9 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì người dạy thêm phải có bằng sư phạm - cụ thể là đạt chuẩn yêu cầu đối với các cấp học.

Tuy nhiên như đã đề cập từ đầu bài viết, nội dung này đã bị bãi bỏ cho nên không có quy định về yêu cầu bằng sư phạm để được dạy thêm. Do đó, người không có bằng sư phạm vẫn có thể mở lớp dạy thêm.

Trên đây là những giải đáp về cầu hỏi “Mở lớp dạy thêm tại nhà có phải xin phép không? Xin giấy phép thế nào?”. Mong rằng bài viết này cung cấp được những thông tin hữu ích cho độc giả. Nếu muốn giải đáp những vấn đề tương tự như trên, các bạn có thể liên hệ tổng đài 1900.6199 để được hỗ trợ.


Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X