hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 15/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mở phòng khám răng, hàm, mặt: Điều kiện và giấy tờ cần chuẩn bị

Phòng khám răng, hàm, mặt là phòng khám chuyên khoa trong lĩnh vực y tế, do đó để mở phòng khám răng, hàm, mặt cần phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân sự chuyên môn,... theo quy định. Vậy điều kiện và hồ sơ để mở phòng khám răng, hàm, mặt được quy định thế nào?

Mục lục bài viết
  • Điều kiện mở phòng khám răng, hàm, mặt 
  • Y sĩ răng, hàm, mặt có được mở phòng khám không?
  • Mở phòng khám nha khoa cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Câu hỏi: Tôi là bác sĩ răng hàm mặt đã hành nghề được 5 năm, hiện tôi đang dự kiến mở phòng khám răng hàm mặt tại nhà. Vậy tôi cần phải đảm bảo các điều kiện và chuẩn bị hồ sơ như thế nào?

Điều kiện mở phòng khám răng, hàm, mặt 

Để mở phòng khám răng, hàm, mặt cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 23a, Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP) cụ thể như sau:

- Về cơ sở vật chất phòng khám răng, hàm, mặt:

  • Có địa điểm cố định;

  • Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

  • Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ;

  • Nếu có thực hiện thủ thuật, gồm cả kỹ thuật cấy ghép răng thì phải có khu vực riêng để thực hiện thủ thuật. Phòng/khu vực thực hiện thủ thuật này phải đáp ứng đủ diện tích để thực hiện các kỹ thuật chuyên môn.

Điều kiện mở phòng khám răng, hàm, mặt

Điều kiện mở phòng khám răng hàm mặt

- Về thiết bị y tế của phòng khám răng, hàm, mặt:

  • Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;

  • Phải có hộp thuốc chống sốc và đầy đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

  • Đối với phòng khám tư vấn sức khỏe/phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ, viễn thông thì không cần phải có thiết bị, dụng cụ y tế theo quy định nhưng phải đảm bảo đủ các phương tiện công nghệ, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đã đăng ký.

- Về nhân sự của phòng khám răng, hàm, mặt: Người chịu trách nhiệm về chuyên môn của phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  • Là bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám răng, hàm, mặt đăng ký.

  • Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng trong lĩnh vực: răng, hàm, mặt;

  • Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở;

Ngoài ra, đối với các nhân sự khác làm việc trong phòng khám nếu có thực hiện khám, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định và được phân công công việc phù hợp ghi trong chứng chỉ hành nghề.

Y sĩ răng, hàm, mặt có được mở phòng khám không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật của phòng chuyên khoa phải đáp ứng các điều kiện:

- Là bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đã đăng ký.

- Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng trong lĩnh vực: răng, hàm, mặt;

Đồng thời, căn cứ khoản 6 Thông tư 35/2019/TT-BYT quy định phạm vi hoạt động chuyên môn của y sĩ như sau:

Y sĩ tại tuyến xã được tham gia sơ cứu ban đầu, khám và chữa bệnh thông thường theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV.

Y sĩ răng, hàm, mặt có được mở phòng khám không?

Y sĩ răng, hàm, mặt có được mở phòng khám không?

Từ các quy định trên có thể thấy y sĩ răng, hàm, mặt không được phép mở phòng khám.

Để được mở phòng khám răng, hàm, mặt phải là bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề tương ứng và đã có thời gian khám chữa bệnh răng, hàm, mặt từ 54 tháng trở lên.

Y sĩ dù đã được cấp chứng chỉ hành nghề thì vẫn không được mở phòng khám răng, hàm, mặt, trường hợp muốn mở thì phải học tiếp để đáp ứng điều kiện nêu trên.

Mở phòng khám nha khoa cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 43 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, để mở phòng khám nha khoa cần chuẩn bị các hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động phòng khám nha khoa theo mẫu 01 Phụ lục XI được ban hành kèm Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp.

- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề đối với người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật của phòng khám nha khoa và người phụ trách bộ phận chuyên môn của phòng khám.

- Danh sách đăng ký những người hành nghề tại phòng khám nha khoa theo mẫu được quy định tại Phụ lục IV được ban hành kèm Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

- Bản kê khai thiết bị y tế cơ sở vật chất, tổ chức và nhân sự tại phòng khám nha khoa theo mẫu 02 Phụ lục XI được ban hành kèm Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

- Điều lệ tổ chức và hoạt động của phòng khám nha khoa theo mẫu 03 Phụ lục XI được ban hành kèm Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

- Danh mục chuyên môn kỹ thuật của phòng khám nha khoa đề xuất trên cơ sở danh mục các chuyên môn kỹ thuật được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm các giấy tờ như: Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, hợp đồng thu gom rác thải y tế, bảng chấm công thực hành, quyết định phân công người thực hành,...

Trên đây là những thông tin về điều kiện mở phòng khám răng hàm mặt... mà chúng tôi muốn gửi đến các bạn. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến:  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X