Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về tiếp nhận và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh…Trong đó có quy định về tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện đối với cá nhân.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi ngay khi Nghị định 93/2021 được ban hành. Về vấn đề bạn hỏi có lẽ là mối quan tâm chung của rất nhiều người, chúng tôi xin được thông tin như sau:
Cá nhân có được kêu gọi ủng hộ từ thiện?
Điều 2, Nghị định 93/2021 của Chính phủ quy định các đối tượng được kêu gọi, vận động hỗ trợ, quyên góp gồm:
1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
4. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai
5. Cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế
6. Các quỹ từ thiện hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế… theo quy định tại Nghị định 93/2019
7. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân
8. Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự
Như vậy, theo quy định thì cá nhân được kêu gọi, vận động ủng hộ từ thiện nếu có đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, việc mở tài khoản cũng phải tuân theo quy định.
Cá nhân được mở tài khoản nhận từ thiện nhưng phải tuân thủ quy định. Ảnh minh họa.
Quy định mở tài khoản nhận từ thiện cá nhân thế nào?
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 93/2021, để tiếp nhận, quản lý tiền tự nguyện đóng góp thì:
- Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động
- Trong thời gian tiếp nhận, phải bố trí địa điểm phù hợp tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp
- Khi được tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu phải có biên nhận về các khoản đóng góp bằng tiền mặt, hiện vật đã tiếp nhận.
- Cá nhân không được nhận thêm các khoản đóng góp sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận cam kết trước đó.
- Có trách nhiệm thông báo đến ngân hàng mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận tất cả các khoản đóng góp tự nguyện.
Ngoài ra, cũng theo khoản 1 Điều này, cá nhân khi vận động tiếp nhận nguồn hỗ trợ phải có trách nhiệm thông báo về mục đích, phạm vi, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận và thời gian phân phối trên các phương tiện truyền thông.
Cá nhân cũng phải gửi thông báo về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi lưu trú.
UBND cấp xã có trách nhiệm lưu giữ, theo dõi, cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân hoặc phục vụ việc theo dõi, thanh tra, xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.
Cá nhân phải công khai tiền từ thiện khi nào?
Khoản 4 Điều 14 Nghị định 93 quy định về thời điểm công khai quỹ từ thiện như sau:
- Văn bản về tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện phải được công khai ngay sau khi ban hành
- Thời gian, địa điểm, phương thức tiếp nhận tiền, hiện vật: công khai trước từ 01 - 03 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện.
- Kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp về tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận: công khai chậm nhất sau 15 ngày tính từ thời điểm kết thúc tiếp nhận.
- Số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng: công khai chậm nhất sau 30 ngày tính từ thời điểm kết thúc phân phối, sử dụng.
- Đối tượng hỗ trợ, chính sách, mức hỗ trợ: công khai ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối
Về thời gian công khai
- Tại trụ sở tổ chức, cơ quan, đơn vị, điểm sinh hoạt cộng đồng sẽ niêm yết công khai và công khai trên Trang thông tin điện tử trong vòng 30 ngày.
- Trên các phương tiện thông tin đại chúng: thông báo 03 số liên tiếp báo viết, 03 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình.
Trên đây là thông tin liên quan đến vấn đề mở tài khoản nhận từ thiện. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Cá nhân muốn quyên góp từ thiện phải đáp ứng điều kiện nào?