Thủ tục mua đất nông nghiệp có sổ đỏ theo các bước nào? Nếu mua đất nông nghiệp không có sổ đỏ thì phải xử lý thế nào?... Những câu hỏi này sẽ được HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu về việc mua đất nông nghiệp nên có một vài câu hỏi mong được Luật sư giải đáp như sau: Thủ tục mua đất nông nghiệp có sổ đỏ như thế nào? Việc mua đất nông nghiệp mà không có sổ đỏ thì phải xử lý bằng cách nào? Tôi được người bạn giới thiệu mua 2 thửa đất nông nghiệp, một thửa đã có giấy chứng nhận, một thửa chưa có giấy chứng nhận nên rất mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi.
Chào bạn, xoay quanh vấn đề thủ tục mua đất nông nghiệp có sổ đỏ thế nào và xử lý trường hợp nếu mua đất nông nghiệp không có sổ đỏ ra sao mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Thủ tục mua đất nông nghiệp có sổ đỏ thế nào?
Thủ tục mua đất nông nghiệp có sổ đỏ hay chính là việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải được thực hiện theo trình tự pháp luật quy định. Việc mua đất nông nghiệp có sổ đỏ/giấy chứng nhận được thực hiện theo trình tự tại Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Thỏa thuận về việc mua bán, ký kết hợp đồng mua bán/chuyển nhượng
Các bên tiến hành thỏa thuận về giá, phương thức thanh toán…và các điều khoản khác trong hợp đồng. Việc thỏa thuận này dựa trên sự tự nguyện, đồng nhất, không bị đe dọa, cưỡng ép.
Sau khi thống nhất, thỏa thuận về các điều khoản trong hợp đồng, các bên thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hồ sơ các bên cần chuẩn bị thường gồm có:
- Hồ sơ chứng minh quyền sử dụng đất: Giấy chứng nhận;
- Hồ sơ về nhân thân của các bên: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn sử dụng;
- Hồ sơ chứng minh quan hệ nhân thân: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân/giấy chứng nhận kết hôn;
- Giấy ủy quyền (nếu có);
- Các giấy tờ hợp pháp khác theo yêu cầu của công chứng viên/người có thẩm quyền chứng thực;
Bước 2: Nộp hồ sơ sang tên quyền sử dụng đất
Hồ sơ sang tên quyền sử dụng đất được thực hiện tại văn phòng đăng ký đất đai/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền.
Thông thường hồ sơ bao gồm: Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ đã ký kết tại văn phòng công chứng, tờ khai lệ phí trước bạ, tờ khai thuế thu nhập cá nhân, tờ đơn đăng ký biến động đất đai…
Bước 3: Nộp thuế, phí, lệ phí và nhận kết quả
Theo thông báo về thuế, lệ phí, phí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các bên nộp hồ sơ thực hiện đóng nộp đầy đủ các loại thuế phí trước khi nhận kết quả là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mang tên bên mua (sang tên theo hình thức ghi nhận thông tin biến động tại phần IV của sổ đỏ hoặc cấp đổi giấy chứng nhận nếu có nhu cầu).
Như vậy, quy trình mua đất nông nghiệp có sổ đỏ được thực hiện theo các bước chúng tôi đã nêu trên.
Xử lý việc mua đất nông nghiệp không có sổ đỏ thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng bạn mong muốn mua thửa đất nông nghiệp chưa có sổ đỏ và cần sự hỗ trợ của chúng tôi trong cách xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh từ việc mua đất nông nghiệp không có sổ đỏ này. Dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Một là, hiện nay pháp luật đất đai không cho phép việc mua bán đất/chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi bên bán chưa được cấp Giấy chứng nhận/sổ đỏ (Điều 188 Luật Đất đai 2013).
Hai là, trong trường hợp vẫn muốn nhận chuyển nhượng/mua đất nông nghiệp không có sổ đỏ thì bạn phải thực hiện:
Bước 1: Cấp sổ đỏ lần đầu cho thửa đất nông nghiệp
Chủ sử dụng đất hiện tại/bên bán thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho thửa đất nông nghiệp mình đang quản lý, sử dụng theo trình tự, thủ tục luật định.
Lưu ý: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được quy định tại Điều 105 Luật Đất đai 2013 như sau:
Điều 105. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
…
Bước 2: Ký kết hợp đồng mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Các bên thực hiện thủ tục mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng đất như các bước chúng tôi đã nêu trên.
Bước 3: Thực hiện sang tên quyền sử dụng đất
Sang tên quyền sử dụng đất từ bên bán sang bên mua được thực hiện tại văn phòng đăng ký đất đai/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền.
Vậy nên, nếu muốn mua đất nông nghiệp không có sổ đỏ thì trước hết bên bán phải thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu, sau đó tiến hành chuyển nhượng/mua bán theo trình tự, thủ tục luật định.
Trên đây là giải đáp về Mua đất nông nghiệp có sổ đỏ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.>> Năm 2022, sang tên Sổ đỏ hết bao nhiêu tiền
>> Ký hiệu đất nông nghiệp khác cụ thể như thế nào?