Lương tối thiểu vùng là căn cứ tính lương cho người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân. Trong đó mức lương tối thiểu vùng Hà Nội 2024 là bao nhiêu? Cùng tham khảo bài viết sau đây.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay là bao nhiêu?
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay là bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019 thì mức lương tối thiểu vùng chính là mức lương thấp nhất mà doanh nghiệp trả cho người lao động làm những công việc đơn giản trong điều kiện lao động bình thường để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và cả gia đình của họ cũng như để bảo đảm sự phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế- xã hội.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được quy định dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia để bảo đàm phù hợp với điều kiện đời sống xã hội của người lao động. Tại Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng được áp dụng ở thời điểm hiện tại như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng | Mức lương tối thiểu giờ |
Vùng I | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng IV | 3.250.000 | 15.600 |
Lưu ý:
Việc xác định các khu vực, địa bàn thuộc các vùng I, II, III, IV được thực hiện theo quy định tại Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP;
Xác định các vùng để tính lương tối thiểu cho người lao động dựa trên địa bàn nơi hoạt động của doanh nghiệp (người sử dụng lao động):
Doanh nghiệp hoạt động trên khu vực, địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu chi trả cho người lao động theo quy định của vùng đó;
Doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị hoạt động trên nhiều khu vực, địa bàn khác nhau có quy định về mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì chi nhánh, đơn vị được đặt và hoạt động ở vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu ở vùng đó;
Doanh nghiệp được đặt tại các khu công nghiệp, chế xuất tại các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng được quy định khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao nhất để tính lương cho người lao động;
Doanh nghiệp có hoạt động trên khu vực, địa bàn có sự thay đổi về tên hoặc chia tách đơn vị hành chính lãnh thổ thì có thể tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định cho địa bàn trước khi có sự thay đổi cho đến khi Chính phủ có quy định mới;
Doanh nghiệp có hoạt động trên khu vực, địa bàn được thành lập mới từ một hoặc nhiều địa bàn trước đó có mức lương tối thiểu vùng được quy định khác nhau thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng của địa bàn, khu vực được quy định mức lương tối thiểu cao nhất;
Doanh nghiệp có hoạt động tại các địa bàn của thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một hoặc một số địa bàn thuộc vùng IV như bảng nêu trên thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với các địa bàn, khu vực thành phố trực thuộc tỉnh còn lại theo quy định tại khoản 3 của Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.
Mức lương tối thiểu vùng Hà Nội 2024
Mức lương tối thiểu vùng Hà Nội năm 2024
Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thủ đô năm 2012. Căn cứ theo quy định về danh mục các địa bàn tại các vùng I, II, III và IV tại Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì Thủ đô Hà Nội chỉ bao gồm vùng I và vùng II, cụ thể:
Quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh | Vùng |
- Các quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân. - Các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ - Thị xã Sơn Tây | I |
- Các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức | II |
Mới đây, Hội đồng tiền lương quốc gia Việt Nam đã họp và thảo luận, thương lượng về vấn đề điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2024 với mục đích thực hiện yêu cầu mức lương tối thiểu vùng phải phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.
Phiên họp đã kết thúc với đa số phiếu đồng thuận về việc tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2024 lên 6% so với mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng ở thời điểm hiện tại kể từ ngày 01/7/2024.
Thời điểm điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 được thực hiện cùng với thời điểm thực hiện chế độ cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân của Nhà nước.
Tuy chưa có văn bản quy định cụ thể về vấn đề điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 nhưng với tinh thần đồng thuận cao của Hội đồng tiền lương quốc gia thì đến ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện theo chế độ tiền lương mới cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng tại các địa bàn trên Thành phố Hà Nội vào năm 2024 được chia thành hai giai đoạn sau:
Giai đoạn từ ngày 01/01/2024 - 30/6/2024
Ở giai đoạn 06 tháng đầu năm, mức lương tối thiểu vùng ở các địa bàn trên Thành phố Hà Nội vẫn được tiếp tục áp dụng thực hiện theo mức lương được quy định tại Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh | Vùng | Lương tối thiểu tháng (đồng/tháng) | Lương tối thiểu giờ (đồng/giờ) |
- Các quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân. - Các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ - Thị xã Sơn Tây | I | 4.680.000 | 22.500 |
- Các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức | II | 4.160.000 | 20.000 |
Giai đoạn từ ngày 01/7/2024 - 31/12/2024
Như đã phân tích trên, theo sự thống nhất của đa số thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia thì đến ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện điều chỉnh tăng 6% mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng ở các địa bàn trên Thành phố Hà Nội kể từ ngày 01/7/2024 có thể được điều chỉnh tăng lên khoảng 6% so với mức lương tối thiểu hiện nay, cụ thể:
Quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh | Vùng | Lương tối thiểu tháng (đồng/tháng) | Lương tối thiểu giờ (đồng/giờ) |
- Các quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân. - Các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ - Thị xã Sơn Tây | I | 4.960.000 | 23.800 |
- Các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức | II | 4.410.000 | 21.000 |
Lưu ý: Do chưa có bất kỳ văn bản pháp luật có hiệu lực nào quy định cụ thể về vấn đề điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2024 nên đây chỉ là tính toán của Hieuluat.vn dựa trên đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 6% kể từ ngày 01/7/2024 của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Doanh nghiệp trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng có bị phạt không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người sử dụng lao động phải đảm bảo trả cho người lao động với mức lương thấp nhất là mức lương tối thiểu vùng để bảo đảm cho nhu cầu sống tối thiểu của người lao động cũng như gia đình của họ.
Nếu người lao động sinh sống và làm việc tại các địa bàn thuộc vùng I (vùng có mức lương tối thiểu cao nhất) thì đồng nghĩa với mức sống, mức chi tiêu ở khu vực này cũng cao hơn nhưng khu vực khác.
Theo đó, nếu người lao động được hưởng mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng thì sẽ không đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống của người lao động và cả những người phụ thuộc vào họ.
Do đó, người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động với mức thấp nhất là bằng với mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Nếu trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì người sử dụng lao động đã vi phạm pháp luật về lĩnh vực tiền lương và sẽ áp dụng hình thức xử phạt tương ứng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền với mức phạt như sau:
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với người sử dụng lao động vi phạm về việc trả lương cho từ 01 - 10 người lao động;
Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với người sử dụng lao động vi phạm về việc trả lương cho từ 11 - 50 người lao động;
Phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động vi phạm về việc trả lương cho từ 51 người lao động trở lên.
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền đối với người sử dụng lao động vi phạm về chế độ tiền lương nêu trên thì người sử dụng lao động còn phải thực hiện thêm biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định này.
Theo đó, người sử dụng lao động phải thực hiện trả đủ tiền lương và khoản tiền lãi của số tiền lương trả thiếu, chậm trả cho người lao động.
Mức lãi này được tính theo mức lãi tiền ký gửi không kỳ hạn cao nhất tại các ngân hàng thương mại của nhà nước được công bố tại thời điểm áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động vi phạm trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Trên đây là quy định về mức lương tối thiểu vùng Hà Nội 2024. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 19006192 để được hỗ trợ.