Mức lương tối thiểu vùng năm 2023 có tăng không, bao giờ điều chỉnh là vấn đề được nhiều người quan tâm sau khi Quốc hội chốt mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng từ 01/7/2023.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat. Vướng mắc của bạn chúng tôi xin được thông tin như sau:
Lương tối thiểu vùng năm 2023 khi nào điều chỉnh?
Cùng điểm lại mức lương tối thiểu và thời gian điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong những năm gần đây, cụ thể là từ năm 2018 đến năm 2022 thông qua bảng dưới đây:
Đơn vị: đồng/tháng
Năm | Thời gian áp dụng | Mức lương tối thiểu vùng | |||
Vùng 1 | Vùng 2 | Vùng 3 | Vùng 4 | ||
2018 | 01/01/2018 | 3.980.000 | 3.530.000 | 3.090.000 | 2.760.000 |
2019 | 01/01/2019 | 4.180.000 | 3.710.000 | 3.250.000 | 2.920.000 |
2020 (Nghị định 90/2019/NĐ-CP) | 01/01/2020 | 4.420.000 | 3.920.000 | 3.430.000 | 3.070.000 |
2021 (Nghị định 90/2019/NĐ-CP) | 01/01/2021 | 4.420.000 | 3.920.000 | 3.430.000 | 3.070.000 |
2022 | 01/07/2022 | 4.680.000 | 4.160.000 | 3.640.000 | 3.250.000 |
Có thể thấy, 4 năm trở lại đây, mức lương tối thiểu vùng mỗi năm đều được điều chỉnh tăng và mức điều chỉnh mới được áp dụng vào ngày 01/01 hằng năm (cứ tròn một năm điều chỉnh một lần). Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid nên mức lương tối thiểu vùng được giữ nguyên như năm 2020 và được áp dụng đến hết 30/6/2022.
Như vậy, lương tối thiểu vùng có 02 năm liên tiếp không tăng do tác động của đại dịch Covid-19.
Chu kì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đã có sự thay đổi trong năm 2022, thay vì 01/01 như hằng năm thì thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới là từ 01/7/2022.
Từ những căn cứ trên có thể thấy, rất có thể trong năm 2023, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh vào ngày 01/7/2023, theo đúng chu kỳ điều chỉnh lương tối thiểu vùng mỗi năm một lần như những năm trước đó.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là dự đoán bởi đến thời điểm này vẫn chưa có bất kì thông tin nào liên quan đến việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023.
Việc tăng lương tối thiểu vùng dựa trên cơ sở nào?
Theo khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Như vậy, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên:
- Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường
- Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động;
- Việc làm và thất nghiệp;
- Năng suất lao động
- Khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Trước đó vào tháng 4/2022, để có cơ sở tăng lương tối thiểu vùng tại Công văn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có đề cập đến khảo sát về tiền lương trong doanh nghiệp, mức sống tối thiểu của lao động tại 18 tỉnh thành, từ 1/4/2022 làm.
Khảo sát được thực hiện trong vòng một tháng tại 2.000 doanh nghiệp gồm công ty nhà nước, cổ phần góp vốn nhà nước, FDI và dân doanh tại 18 tỉnh, thành.
Và 18 tỉnh, thành được điều tra gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.
Các nội dung chính được khảo sát ở doanh nghiệp là:
- Quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh,
- Quỹ phụ cấp lương
- Quỹ tiền thưởng, ăn ca
- Số giờ làm việc trung bình của người lao động
- Chi phí tuyển dụng đào tạo
- Các khoản phúc lợi, chi tiêu, nhà ở
- Quỹ công đoàn…
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng tìm hiểu mức tiền lương của một số chức danh, công việc của các chức danh quản lý, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phó phòng ban, lao động chuyên môn nghiệp vụ.
Kết quả khảo sát được cho là một trong những cơ sở cho việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2023.
Tại Thông báo 305/TB-VPCP năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đánh giá, xác định và công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình người lao động, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch Đầu tư thu thập đầy đủ hơn thông tin và tính toán mức sống tối thiểu của người lao động cũng như gia đình người lao động, từ đó làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm.
Do đó, có thể thấy, một trong những căn cứ lớn nhất để xác định mức lương tối thiểu vùng chính là dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động.
Tăng mức lương tối thiểu vùng, ai được tăng lương?
Khi lương tối thiểu vùng năm 2023 được điều chỉnh, điều mọi người quan tâm là đối tượng nào sẽ được tăng lương.
Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì đối tượng được tăng lương tối thiểu vùng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Cụ thể, các đối tượng được tăng lương khi tăng mức lương tối thiểu vùng gồm:
Thứ nhất là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Bộ luật Lao động 2019, làm việc tại doanh nghiệp, làm việc tại cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, theo thỏa thuận có mức lương tối thiểu vùng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định bởi khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 đã nêu rõ mức lương theo công việc hoặc chức danh đối với người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Thứ hai là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có mức lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng được tăng lương trong trường hợp người sử dụng lao động xem xét tăng lương phù hợp với thang, bảng lương của công ty hoặc hai bên có thỏa thuận thỏa thuận về việc tăng lương hoặc để phù hợp với quy định, quy chế của doanh nghiệp.
Trong trường hợp thứ hai thì việc tăng lương không phải là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động.
Người lao động chỉ được xem xét tăng lương khi quy chế của doanh nghiệp quy định hoặc người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận về việc tăng lương thì có thể xem xét tăng theo mức tăng quy định.
Mức lương tối thiểu vùng khác gì mức lương cơ sở?
Mặc dù lương cơ sở khác mức lương tối thiểu vùng, tuy nhiên không phải ai cũng biết được sự khác nhau giữa chúng. Cùng tìm hiểu qua bảng dưới đây:
Tiêu chí | Lương cơ sở | Lương tối thiểu vùng |
Định nghĩa | Mức lương dùng làm căn cứ để: - Để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định đối với cán bộ, công viên chức; - Tính mức hoạt động phí và sinh hoạt phí; - Tính các khoản trích, các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở. (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP) | Là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: - Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng - Người lao động đã qua học nghề, mức lương phải cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu vùng. (theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP) |
Đối tượng áp dụng | Cán bộ, công viên chức trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập | Người lao động trong các doanh nghiệp (ngoài khu vực Nhà nước) |
Mức độ ảnh hưởng | Ảnh hưởng đến lương của mọi cán bộ, công viên chức | Khi lương tối thiểu vùng tăng, chỉ người lao động đang có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới được tăng lương; hoặc người lao động có thỏa thuận với người sử dụng với người lao động về việc tăng lương. |
Chu kỳ điều chỉnh | Thường là 01 năm/lần từ năm 2019 đến hết 6/2022 mức lương cơ sở không tăng do ảnh hưởng Covid-19. | Không có quy định cụ thể Thông thường, mỗi năm lương tối thiểu vùng được điều chỉnh 01 lần (bắt đầu từ ngày 01/01 hàng năm). |
Mức áp dụng hiện nay | 1.490.000 đồng/tháng (áp dụng đến hết 30/6/2023) Từ 01/7/2023: là 1.800.000 đồg/tháng. | - Vùng I: Mức 4.680.000 đồng/tháng - Vùng II: Mức 4.160.000đồng/tháng - Vùng III: Mức 3.640.000đồng/tháng - Vùng IV: Mức 3.250.000 đồng/tháng |
Trên đây là các thông tin về lương tối thiểu vùng năm 2023. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.