hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 12/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cập nhật mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính

Mức tiền phạt vi phạm hành chính sẽ được xét theo lĩnh vực vi phạm, hành vi vi phạm, mức độ vi phạm,... Vậy mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là bao nhiêu?

Mục lục bài viết
  • Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
  • Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính
  • Hình thức phạt tiền chỉ áp dụng đối với người thành niên vi phạm hành chính?
Câu hỏi: Để hạn chế việc các cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm gây nhiều hậu quả xấu đến xã hội nhà nước đã ban hành các quy định xử phạt tiền. Vậy tôi muốn hỏi mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực là bao nhiêu?

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Theo khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có 05 hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

  • Cảnh cáo;

  • Phạt tiền;

  • Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

  • Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);

  • Trục xuất.

Theo đó, hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền là hình thức xử phạt vi phạm chính đối với người vi phạm.

Trong đó, tùy vào lỗi vi phạm, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉnh hành nghề,... bị tịch thu tang vật, trục xuất. Người vi phạm phải có thái độ hợp tác và chấp hành hình phạt hành chính theo quy định.

Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính

Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chínhMức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính

Tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012  được sửa đổi bởi điểm a và điểm b khoản 10 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong các lĩnh vực như sau:

Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực

  • Phạt tiền đến 30 triệu đồng: Hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê; đối ngoại;

  • Phạt tiền đến 40 triệu đồng: an ninh trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động tố tụng; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện tử; bưu chính;

  • Phạt tiền đến 50 triệu đồng: phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội...;

  • Phạt tiền đến 75 triệu đồng: cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội;

  • Phạt tiền đến 100 triệu đồng: đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; chăn nuôi; phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; hoạt động hàng không dân dụng...;

  • Phạt tiền đến 150 triệu đồng: quản lý giá; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư;

  • Phạt tiền đến 200 triệu đồng: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

  • Phạt tiền đến 250 triệu đồng: điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thủy lợi; sở hữu trí tuệ; báo chí;

  • Phạt tiền đến 500 triệu đồng: xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; kinh doanh bất động sản;

  • Phạt tiền đến 01 tỷ đồng: quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.

Như vậy trong các lĩnh vực sẽ có những mức phạt tiền tối đa khác nhau dao động từ 30 triệu đồng tới 01 tỷ đồng.

Hình thức phạt tiền chỉ áp dụng đối với người thành niên vi phạm hành chính?

Hình thức phạt tiền chỉ áp dụng đối với người thành niên vi phạm hành chính?Hình thức phạt tiền chỉ áp dụng đối với người thành niên vi phạm hành chính?

Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng hình thức phạt tiền chỉ áp dụng đối với người thành nhiên. Trong đó, theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với việc xử lý đối với người chưa thành niên còn được áp dụng các nguyên tắc sau đây:

1. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn;

2. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp;

3. Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

- Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

- Trường hợp người từ đủ 16 - dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2  mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay;

4. ​Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ;

5. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, có thể thấy quan điểm hình thức phạt tiền chỉ áp dụng cho người thành niên là sai. Nếu xét việc xử phạt là cần thiết cho sự giáo dục, giúp đỡ sửa chữa sai lầm,... thì hình thức xử phạt hành chính vẫn sẽ được áp dụng cho người chưa thành niên.

Trong đó, đối với trường hợp người từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền và từ đủ 16 tuổi - dưới 18 tuổi người chưa thành niên có thể đối diện với hình thức phạt tiền nhưng chỉ 1/2 so với mức phạt của người thành niên.

Trên đây là thông tin về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực là bao nhiêu? Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài:  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X